1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Ông lớn" FDI chuyển giá: Doanh nghiệp lớn là “bất khả xâm phạm”

(Dân trí) - TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, đấu tranh chống chuyển giá đã phức tạp, đấu tranh với những doanh nghiệp lớn càng khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Điều này là bởi vì các doanh nghiệp lớn luôn có tiềm lực tài chính và nhân lực rất mạnh.


Nhiều doanh nghiệp FDI đứng trước nghi vấn chuyển giá vì liên tục thua lỗ ở Việt Nam nhưng vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp FDI đứng trước nghi vấn chuyển giá vì liên tục thua lỗ ở Việt Nam nhưng vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Bình luận về tình hình chuyển giá của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, nhìn lại kết quả quá trình hơn 30 năm thu hút FDI ở Việt Nam chúng ta cũng không thể quá lạc quan và đặt cược hết thành quả kinh tế Việt Nam trong những thập kỷ tới vào khu vực này.

"Mặc dù không thể phủ nhận những đóng góp của khu vực FDI trên cả phương diện kinh tế lẫn ngân sách, song điều mà Chính phủ Việt Nam rất quan ngại chính là vấn đề tránh thuế nói chung và chuyển giá nói riêng của nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam thời gian qua", ông Tuấn cho biết.

Các báo cáo của VCCI cho biết, mỗi năm có khoảng trên từ 40-50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục trong nhiều năm, thậm chí có doanh nghiệp lỗ lũy kế đến mức âm vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, kể cả việc mở rộng quy mô kinh doanh.

Một số địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp FDI như: TP.HCM, Bình Dương tỷ lệ doanh nghiệp FDI kê khai lỗ lên đến 50-60%, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ trong nhiều năm. Năm 2010 số doanh nghiệp FDI kê khai lỗ ở Bình Dương là 754/1.490 doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 50,6%, trong đó có 200 doanh nghiệp lỗ quá vốn chủ sở hữu.

Đặc biệt hơn, ở Lâm Đồng có đến 104/111 doanh nghiệp FDI kê khai lỗ trong năm 2009 và nhiều năm trước đó. Nhiều tỉnh/thành thu hút nhiều DN FDI như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An... không thấy các cơ quan chức năng báo cáo tình hình kê khai lãi/lỗ của các doanh nghiệp FDI nhưng có thể con số cũng không thấp hơn tỷ lệ 50% con số bình quân của cả nước. T

"Theo báo cáo gần đây nhất năm vào đầu năm 2018 của VCCI, có đến 37,9% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ trong năm 2017. Tình trạng kê khai lỗ không cá biệt trong bất kỳ ngành nghề nào nhưng thường phổ biến ở các ngành nghề như chế biến chế tạo, sản xuất hàng may mặc, da giầy, sản xuất các mặt hàng gia dụng, bán lẻ, nước giải khát...", ông Tuấn cho hay.

Thậm chí, ở TPHCM, theo thông tin của Cục thuế, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực siêu thị, bán lẻ, nước giải khát đứng đầu danh sách các doanh nghiệp luôn báo lỗ. Một số báo cáo khác cho thấy có đến 90% số doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TPHCM có báo cáo tài chính lỗ trong khi hầu hết các doanh nghiệp nội địa hoạt động trong cùng ngành lại có lãi.

"Điều này thật mâu thuẫn khi nhìn chung các doanh nghiệp nội địa thường được đánh giá có năng lực và lợi thế cạnh tranh thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI cùng ngành. Điều đáng chú ý là mặc dù lỗ, thậm chí lỗ lũy kế đến mức âm vốn nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh thay vì đã phải phá sản hay đóng cửa sản xuất", ông Tuấn nhận định.

Doanh nghiệp lớn là “bất khả xâm phạm”

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, đấu tranh chống chuyển giá đã phức tạp, đấu tranh với những doanh nghiệp lớn càng khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Điều này là bởi vì các doanh nghiệp lớn luôn có tiềm lực tài chính và nhân lực rất mạnh. Họ có một đội ngũ chuyên gia cực kỳ am hiểu về kế toán, tài chính, thuế và luật để có thể tạo ra vô vàn các giao dịch liên kết phức tạp và lập nên các báo cáo tài chính rất công phu đủ che mắt các cơ quan thuế.

"Khi đối diện với các cuộc thanh tra thuế, họ có thể thuê các chuyên gia thuế với chi phí đắt đỏ để tranh luận với các nhân viên thuế địa phương và thường thì họ dành phần thắng. Ở Việt Nam, tình huống Coca-Cola, Pepsi, Adidas, Metro... đã cho thấy điều đó", ông Tuấn nói.

Ngoài vấn đề tiềm lực tài chính và nhân lực, vị chuyên gia cho rằng, các tập đoàn đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam còn dành được sự quan tâm và ưu ái rất nhiều của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương. Việc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các tập đoàn này ít nhiều cũng bị trở ngại bởi các rào cản vô hình đó. Chỉ khi có những bằng chứng khá rõ ràng, có cơ sở và vấn đề đủ nghiêm trọng thì cơ quan thuế mới có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra, song tất cả đều phải lên kế hoạch cẩn trọng, cụ thể và phải báo trước.

"Trên phương diện thuế khóa, không phải tập đoàn nào cũng có động cơ tuân thủ tốt mọi nghĩa vụ thuế với nhà nước. Sự quan tâm của Chính phủ hay chính quyền địa phương đối với các tập đoàn lớn là cần thiết nhưng sự ưu ái và dễ dãi quá mức đôi khi cũng khiến cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các tập đoàn này cũng gặp ít nhiều khó khăn và thách thức vô hình", ông cho biết thêm.

Đáng lưu ý, vị chuyên gia cho rằng, ngoài các công ty đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam, chuyển giá cũng không phải là vấn đề xa lạ với các doanh nghiệp trong nước, cả doanh nghiệp nhỏ lẫn doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực. Việc đấu tranh với các doanh nghiệp này cũng gặp không ít các khó khăn và thách thức so với các doanh nghiệp FDI.

Phương Dung

"Ông lớn" FDI chuyển giá: Doanh nghiệp lớn là “bất khả xâm phạm” - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm