"Ông lớn" địa ốc lo "mất không" phí bảo lãnh
(Dân trí) - Trong khi những doanh nghiệp địa ốc lớn trên thị trường lo “biếu không” khoản phí bảo lãnh cho ngân hàng thì cũng không hiếm doanh nghiệp nhỏ lo không còn cửa để tham gia thị trường.
“Ông lớn” lo "mất không" phí bảo lãnh
Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết, và bên mua, bên thuê mua có yêu cầu, ngân hàng bảo lãnh sẽ có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp địa ốc tại Hà Nội cho hay, ngân hàng nên có các tiêu chí để tính phí cho phù hợp với từng doanh nghiệp. Theo đó, mức phí nên theo hình thức thoả thuận dựa trên uy tín, khả năng cũng như tình hình tài chính của mỗi doanh nghiệp.
“Như doanh nghiệp tôi, tôi đảm bảo là ngân hàng sẽ không phải đền bù một đồng nào cho khách hàng, phí bảo lãnh này là doanh nghiệp chúng tôi mất không cho ngân hàng. Chúng tôi có tài sản thế chấp khi ký bảo lãnh, nếu không trả nhà đúng hẹn mà để mất tài sản đó thì tổn thất lớn. Không biết doanh nghiệp khác thế nào còn chúng tôi lúc nào cũng giao nhà đúng hẹn cho khách”, vị này nói.
Trước đó, trong văn bản kiến nghị gửi lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, Hiệp hội bất động sản TPHCM (HOREA) cũng cho rằng, tất cả các chủ đầu tư dự án bán, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai đều có thể có quyền được bảo lãnh tài sản. Tuy nhiên, quy định này không có sự phân biệt giữa phần đông nhà đầu tư có uy tín thương hiệu, có trách nhiệm với số ít những chủ đầu tư kém năng lực, không uy tín hoặc thậm chí lừa đảo. Do đó, HOREA kiến nghị cho phép các doanh nghiệp bất động sản uy tín không phải thế chấp thực hiện bảo lãnh ngân hàng.
Doanh nghiệp nhỏ hẹp cửa vào thị trường
Trong khi những doanh nghiệp địa ốc lớn trên thị trường lo “biếu không” khoản phí bảo lãnh cho ngân hàng thì cũng không hiếm doanh nghiệp nhỏ lo không còn cửa để tham gia thị trường.
Phát biểu tại buổi toạ đàm về bảo lãnh bất động sản chiều ngày 24/6, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn cầu (GP Invest) nói: “Đứng về góc độ cả nền kinh tế, nếu không được bảo lãnh thì không bán được nhà, sẽ có những dự án rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, cái này các cơ quan chức năng phải nghiên cứu”.
Theo ông Hiệp, sau khi Luật Kinh doanh bất động sản chính thức có hiệu lực, việc có bảo lãnh hay không sẽ là một trong số những tiêu chí để người mua quyết định bỏ tiền vào dự án hay không. Do đó, những doanh nghiệp nhỏ có thể sẽ hẹp cửa khi tham gia vào thị trường bất động sản tới đây.
"Sẽ rất khó vì ngân hàng thận trọng xem xét có an toàn hay không. Trong khi đó, điều xảy ra phổ biến ở Việt Nam là có những người có điều kiện, Việt kiều nước ngoài mua miếng đất 5.000-7.000m2 để đầu tư dự án nhưng chưa có kinh nghiệm, năng lực tài chính chưa được chứng minh thì ngân hàng nào dám bảo lãnh? Với những điều khoản như thế này, những doanh nghiệp nhỏ muốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chỉ còn cách tìm đến những doanh nghiệp lớn để cộng tác”, ông Hiệp nói.
Giải đáp những băn khoăn này, đại diện Ngân hàng Nhà nước - ông Đoàn Thái Sơn (Vụ trưởng Vụ Pháp chế) cho rằng, những doanh nghiệp này chỉ còn cách là xây xong dự án rồi bán.
“Bảo lãnh bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai của ngân hàng thương mại là loại bão lãnh có mức độ rủi ro khá cao vì về bản chất, đây là việc ngân hàng thương mại bảo lãnh nghĩa vụ bàn giao nhà đúng tiến độ. Trong khi đó, tiến độ bàn giao phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoài sự kiểm soát của ngân hàng thương mại như khả năng tài chính của chủ đầu tư, việc tổ chức thi công của nhà thầu, giám sát công trình…”, ông Sơn cho hay.