Ông Lê Thanh Thản đang nắm bao nhiêu tài sản khi bị truy tố?
(Dân trí) - Ngoài số tài sản "nổi" nắm giữ thông qua cổ phiếu PDC trên sàn chứng khoán, ông Lê Thanh Thản có khối tài sản khổng lồ với chuỗi khách sạn quy mô lớn nhất Đông Dương cùng hàng loạt dự án.
Sau một giờ kể từ khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay (25/4), cổ phiếu PDC của Công ty cổ phần Du lịch dầu khí Phương Đông cũng đã xuất hiện giao dịch với một lô khớp lệnh ở mức tối thiểu 100 cổ phiếu.
Với mức tăng 300 đồng/cổ phiếu, PDC ghi nhận biên độ tăng mạnh 6% lên 5.300 đồng/cổ phiếu, tuy vậy vẫn chưa bù đắp được thiệt hại của phiên giảm sâu ngày hôm qua (24/4) khi để đánh mất hơn 9%.
Tạm tính với mức thị giá hiện tại, PDC vẫn đang tăng nhẹ 1,92% trong vòng một tuần và tăng gần 18% sau 3 tháng. Thực tế, PDC mới giao dịch trên sàn UPCoM vào hồi tháng 8 năm ngoái với 15 triệu cổ phiếu phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, trị giá 150 tỷ đồng theo mệnh giá.
PDC từng được niêm yết sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vào ngày 29/9/2009. Tuy nhiên, 15 triệu cổ phiếu PDC đã bị HNX hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 29/7/2022 (giao dịch cuối cùng ngày 28/7/2022) do báo cáo tài chính kiểm toán trong 3 năm 2019, 2020 và 2021 có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc.
Giai đoạn từ 17/2 đến 19/3/2022, cổ phiếu PDC ghi nhận chuỗi tăng liên tiếp đẩy thị giá tăng gấp 4 lần từ mức dưới 7.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 28.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó PDC nhanh chóng lao dốc về lại vùng giá thấp.
Đến tháng 8/2022, sau khi trở lại với việc được giao dịch trên UPCoM, PDC một lần nữa "dậy sóng". Giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên trên UPCoM vào ngày 8/8/2022 của mã này là 5.100 đồng (ngang vùng giá hiện nay), chỉ sau một tuần, cổ phiếu PDC đã tăng lên mức giá 8.900 đồng, ghi nhận mức tăng thần tốc 74,5%.
Trở lại với diễn biến giá của PDC. Phiên lao dốc của PDC ngày hôm qua được cho là xuất phát từ lo ngại của nhà đầu tư và cổ đông sau khi có tin ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch dầu khí Phương Đông - bị truy tố về tội "lừa dối khách hàng".
Mặc dù vậy, trên góc độ báo cáo kết quả kinh doanh quý I, Du lịch dầu khí Phương Đông lại vừa cho thấy bức tranh khả quan với doanh thu tăng 42,33% so với cùng kỳ lên 12,8 tỷ đồng. Do tốc độ tăng doanh thu lớn hơn mức độ tăng của chi phí nên lợi nhuận sau thuế quý I tăng mạnh 114% so với cùng kỳ. Cụ thể, quý I năm nay, doanh nghiệp của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản có lãi 1,8 tỷ đồng, còn cùng kỳ năm ngoái lỗ nhẹ 264 triệu đồng.
Trong năm 2023, công ty của đại gia Lê Thanh Thản lên kế hoạch doanh thu đạt 62,2 tỷ đồng, lãi trước thuế 7,5 tỷ đồng (theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên).
Tại Du lịch dầu khí Phương Đông, ông Lê Thanh Thản đang nắm 3 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 20% vốn điều lệ công ty trong khi đó, cổ đông Lê Kim Giang nắm hơn 3 triệu đơn vị, tương ứng 20,33% vốn điều lệ.
Ông Đỗ Trung Kiên, con rể ông Thản, nắm 2,85 triệu cổ phiếu PDC chiếm tỷ lệ 19%; bà Lê Thị Hoàng Yến - thành viên HĐQT và là con gái ông Thản - nắm hơn 1,4 triệu cổ phiếu PDC tương ứng tỷ lệ 9,37% vốn điều lệ. Bà Phạm Thị Thu Thủy - Thành viên HĐQT - sở hữu 1,47 triệu cổ phiếu PDC, chiếm tỷ lệ 9,8%.
Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sở hữu 1,47 triệu cổ phiếu PDC, chiếm 9,8% vốn điều lệ doanh nghiệp.
Như vậy, gia đình ông Lê Thanh Thản đang sở hữu khoảng 7,25 triệu cổ phiếu PDC tương ứng khoảng 48,37% vốn điều lệ Du lịch dầu khí Phương Đông. Với thị giá của PDC hiện nay, số cổ phần này tính ra tiền khoảng 38,4 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức đỉnh giá 8.900 đồng hồi tháng 8 năm ngoái của PDC (lúc đó giá trị tài sản trên sàn của gia đình ông Thản là 64,5 tỷ đồng).
Tất nhiên, đây chỉ là phần nổi trong "tảng băng" tài sản của gia đình "đại gia điếu cày". Theo đó, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh hiện đang sở hữu chuỗi 60 khách sạn thành viên, phủ sóng khắp các địa phương tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Hệ thống khách sạn Mường Thanh với 4 phân khúc: Mường Thanh Luxury, Mường Thanh Grand, Mường Thanh Holiday và Mường Thanh. Mường Thanh được đánh giá là hệ thống khách sạn tư nhân lớn nhất tại Đông Dương, với sức chứa hơn 12.000 phòng, có hơn 10.000 lao động, đóng góp vào ngân sách quốc gia hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Tập đoàn của ông Lê Thanh Thản còn mở rộng sang những lĩnh vực mới như giải trí, thể dục thể thao, vật phẩm lưu niệm... với thương hiệu như: Mường Thanh Safari Diễn Lâm (vườn thú lớn nhất miền Bắc), VRC (trung tâm giải trí đa chức năng), Fitness Plus (trung tâm Fitness & Yoga 5 sao), DreamKid (khu vui chơi học tập dành cho trẻ em), Hoa Ban Gift Shop (chuỗi cửa hàng lưu niệm cao cấp)...
Trước khi bị truy tố, ông Lê Thanh Thản còn từng được coi là "ông trùm" trong phân khúc nhà ở giá rẻ với những dự án "nổi đình nổi đám" một thời như chung cư Đại Thanh, loạt dự án quanh khu vực Linh Đàm, vành đai 3… Tuy vậy, bên cạnh việc giúp nhiều người lao động thu nhập thấp tiếp cận được cơ hội sở hữu nhà ở thì sự tăng trưởng nóng, cách làm chung cư ồ ạt cũng khiến "chung cư ông Thản" vướng nhiều bê bối.
Cáo trạng của cơ quan công tố cáo buộc ông Thản đã chỉ đạo tổ chức thi công xây dựng công trình dự án CT6 Kiến Hưng vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quảng cáo gian dối về tính pháp lý của dự án để bán các căn hộ...
Từ đó, Viện kiểm sát cáo buộc ông Thản đã bán 488 căn hộ cho 488 khách hàng (khách hàng không được cấp sổ đỏ), thu lời bất chính hơn 480 tỷ đồng.
Về phía ông Thản, cơ quan tố tụng cho biết, ông Thản khai nhận vì nóng vội trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh nên chưa kịp hoàn thiện thủ tục hành chính trình các cấp có thẩm quyền, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 dự án.