DMagazine

Ông Đỗ Cao Bảo: Năm nay kinh tế Việt Nam sẽ không như 2021

(Dân trí) - Covid-19 như một đợt thanh lọc rất mạnh. Với doanh nghiệp, bản lĩnh và sự kiên cường không thôi là chưa đủ... Dù thế, kinh tế Việt Nam 2022 - 2023 sẽ không tệ như 2021.

Ông Đỗ Cao Bảo: Năm nay kinh tế Việt Nam sẽ không như 2021 - 1

Covid-19 như một đợt thanh lọc rất mạnh. Những doanh nghiệp yếu nhanh chóng bị đào thải. Nhiều doanh nghiệp vật lộn cho thấy được bản lĩnh, sự kiên cường. Tuy nhiên, bản lĩnh và sự kiên cường không thôi là chưa đủ, quan trọng nhất là nhận thức về sự đổi thay. Bởi thế giới mà chúng ta vốn biết đã đổi thay.

Ông Đỗ Cao Bảo: Năm nay kinh tế Việt Nam sẽ không như 2021 - 2

Cá nhân tôi cho rằng đại dịch Covid-19 vẫn chưa qua, dịch vẫn đang bùng phát mạnh nay kể cả những quốc gia đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine khá cao. Chưa kể, biến chủng mới Omicron vẫn đang còn là dấu hỏi lớn về sự lây lan nhanh chóng cũng như mức độ nguy hiểm.

Trước đây, người ta nghĩ rằng cứ tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine cho 70-80% dân số thì sự lây nhiễm và ca tử vong sẽ giảm, các hoạt động sẽ trở lại gần bình thường, nhưng thực tế không phải vậy. Hiệu lực của vaccine ngắn hơn dự kiến, buộc phải tiêm thêm liều tăng cường nữa. Dịch Covid-19 sẽ vẫn còn tiếp tục song hành với chúng ta một thời gian dài nữa.

Cũng vì vậy, rất khó dự đoán về kinh tế Việt Nam cũng như kinh tế toàn cầu trong năm 2022-2023 khi mà chúng ta chưa chắc chắn rằng khi nào thì dịch Covid -19 được khống chế hoặc nó tự suy yếu.

Tuy nhiên, với độ phủ vaccine nhanh chóng cùng với việc chủ động trong kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường, cộng thêm chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh của Chính phủ, tôi tin rằng trong năm 2022-2023, nền kinh tế Việt Nam sẽ không tệ như năm 2021.

Ông Đỗ Cao Bảo: Năm nay kinh tế Việt Nam sẽ không như 2021 - 4

 Sẽ có một số ngành kinh tế hồi phục chậm, nhưng cũng có nhiều ngành kinh tế sẽ hồi phục nhanh hơn, thậm chí có những ngành còn tăng trưởng cao hơn cả trước đại dịch.

Những ngành kinh tế hồi phục chậm là hàng không, du lịch, khách sạn, vui chơi - giải trí. Những ngành tiếp tục quay lại đà tăng trưởng là sản xuất công nghiệp, nông lâm nghiệp, thủy hải sản, viễn thông, bưu chính, điện lực... Những ngành tăng trưởng cao là thiết bị y tế, dược phẩm, ngân hàng và những ngành thuộc lĩnh vực kinh tế số, làm việc online như phầm mềm, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, vận tải công nghệ, thực phẩm, media, dịch vụ tài chính online, khám chữa bệnh từ xa, đào tạo trực tuyến…

Ông Đỗ Cao Bảo: Năm nay kinh tế Việt Nam sẽ không như 2021 - 6

Có một thực tế không thể phủ nhận là trong 2 năm 2020-2021, bất chấp đại dịch, bất chấp kinh tế toàn cầu suy thoái, người giàu càng giàu lên, tài sản của các tỷ phú, đặc biệt là tỷ phú công nghệ vẫn tăng chóng mặt. Riêng trong năm 2021, số tài sản tăng thêm của tỷ phú Elon Musk còn lớn hơn tổng tài sản của tỷ phú Bill Gates, người từng giữ ngôi vị tỷ phú giàu nhất thế giới liên tục mấy chục năm.

Ở Việt Nam cũng vậy, trong hai năm qua, với ưu thế làm việc online, không biên giới, nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng rất cao. Ngoài ra có những ngành có hiệu suất kinh tế rất cao, nhờ đó mà có một thế hệ doanh nhân 9X đã trở thành chục triệu phú, trăm triệu phú đô la chỉ sau 4-5 năm khởi nghiệp - việc mà thế hệ đàn anh phải mất 10-15 năm mới đạt được.

Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy buộc các nhà sản xuất, các nhà đầu tư phải thiết lập lại, cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách dịch chuyển bớt các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đó là cơ hội cho Việt Nam.

Tuy nhiên, cơ hội đón nhận sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam cũng lớn không kém cơ hội bị chuyển đi sang các nước khác. Vấn đề là chúng ta làm gì để đón nhận cơ hội.

Ông Đỗ Cao Bảo: Năm nay kinh tế Việt Nam sẽ không như 2021 - 8

Cơ hội xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Úc, Canada cũng đang mở ra rất lớn, vấn để là chúng ta có nắm bắt, có đáp ứng được nhu cầu khắt khe của họ hay không?

Đã xuất hiện nhiều ngành nghề online mới, ngành nghề ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch, không bị giới hạn bởi phạm vi địa lý với cơ hội ngồi ở Việt Nam vẫn có thể tiếp cận thị trường Âu, Mỹ, Nhật Bản như làm truyện tranh, làm phim hoạt hình, khôi phục dữ liệu, khôi phục ảnh cũ (bị mờ); thiết kế kiến trúc, nội thất, thiết kế bao bì, nhãn mác, logo, làm quảng cáo trên Youtube, TikTok, Facebook…

Những công việc này không hề bị ảnh hưởng bởi các chính sách phong tỏa, giãn cách, hạn chế đi lại, lại phù hợp với tố chất người Việt Nam.

Ông Đỗ Cao Bảo: Năm nay kinh tế Việt Nam sẽ không như 2021 - 10

Covid-19 như một đợt thanh lọc rất mạnh thị trường. Những doanh nghiệp yếu nhanh chóng bị đào thải. Nhiều doanh nghiệp vật lộn, cho thấy được bản lĩnh, sự kiên cường. Tuy nhiên, bản lĩnh và sự kiên cường không thôi là chưa đủ, quan trọng nhất là nhận thức về sự đổi thay. Thế giới mà chúng ta vốn biết đã đổi thay, từ thói làm việc, mua sắm, đi lại, du lịch, học hành, vui chơi, giải trí của xã hội đã thay đổi.

Mua bán online tăng nhanh. Mua tại cửa hàng giảm. Thanh toán online, sử dụng thẻ tín dụng tăng. Thanh toán tiền mặt giảm. Đi du lịch nội địa, du lịch gần tăng, du lịch xa phải đi máy bay giảm. Các ngành nghề có thể làm việc online từ xa phát triển và tăng trưởng cao hơn những ngành nghề buộc phải làm việc tại chỗ...

Ông Đỗ Cao Bảo: Năm nay kinh tế Việt Nam sẽ không như 2021 - 12

Như vậy, đại dịch đã và đang thay đổi cấu trúc kinh tế toàn cầu, cấu trúc kinh tế mỗi quốc gia nhiều hơn chúng ta nghĩ. Sẽ có nhiều ngành kinh tế hồi phục nhanh, nhưng cũng có rất nhiều ngành kinh tế hồi phục chậm và sẽ có nhiều ngành kinh tế vĩnh viễn không bao giờ hồi phục.

Các doanh nhân cần nhận thức ra sự đổi thay và cần thay đổi. Hơn bao giờ hết, thời điểm này là lúc ông chủ doanh nghiệp cần áp dụng tư duy "zero base thinking", nhất là các doanh nghiệp đang ở tâm bão của đại dịch.

Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, hãy đặt các câu hỏi: "có nên chuyển đổi định hướng kinh doanh không?", "nên làm những gì khác trước, khác biệt so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực?".

Ông Đỗ Cao Bảo: Năm nay kinh tế Việt Nam sẽ không như 2021 - 14

Chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng trong việc thích ứng và vượt qua khó khăn trong đại dịch, khi mà người lao động không thể đến công ty làm việc, không thể họp hành, trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo với nhân viên.

Khi mà không thể gặp gỡ trực tiếp khách hàng thì việc họp, trình bày giải pháp, đàm phán hợp đồng trực tuyến là giải pháp duy nhất; khi mà không thể tổ chức hội nghị chiến lược, họp hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông như cách truyền thống…

Tương tác online là cách để doanh nghiệp giải quyết các vấn đề.

Sau chuyển đổi số là "go global", hãy nghĩ đến thị trường toàn cầu, hãy nghĩ đến một thị trường không giới hạn với gần 8 tỷ người và 80.000 tỷ USD thay vì chỉ nghĩ đến thị trường Việt Nam có 98 triệu dân và 350 tỷ USD.

Ông Đỗ Cao Bảo: Năm nay kinh tế Việt Nam sẽ không như 2021 - 16

Như vậy ở đây phải hiểu bản lĩnh, sự kiên cường của doanh nhân chính là năng lực nhận thức ra sự thay đổi và có khả năng thay đổi, dẫn dắt doanh nghiệp mình thay đổi, thích ứng với sự thay đổi của thị trường, khách hàng, đối tác, thích ứng với những thay đổi về mô hình kinh doanh, mô hình quản trị trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra trên toàn cầu.

Thực tế đã chỉ ra rằng hầu hết doanh nghiệp trụ vững và vượt qua đại dịch không chỉ có nội lực mạnh mà còn là biết thay đổi kịp thời để thích ứng với sự thay đổi từ bên ngoài, đặc biệt là chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị, điều hành của doanh nghiệp.

Sự ảnh hưởng của đại dịch lên các ngành kinh tế là khác nhau, có những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề hơn, đặc biệt là các ngành hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng.

Rõ ràng các doanh nhân trong các ngành này phải đối mặt với khó khăn, thách thức lớn hơn rất nhiều. Điều họ cần nội lực, cần bản lĩnh và kiên cường lớn gấp nhiều lần các doanh nhân thuộc các ngành nghề khác, không những thế rất nhiều trong số họ cần sự hỗ trợ giải cứu của chính phủ mới đủ sức trụ lại trên thương trường.

Nhưng dù gặp khó khăn nhiều hay ít thì việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp là điều chắc chắn phải làm. Càng bị phong tỏa, giãn cách, hạn chế đi lại thì công nghệ số, chuyển đổi số càng có vai trò quan trọng.

Ông Đỗ Cao Bảo: Năm nay kinh tế Việt Nam sẽ không như 2021 - 18

 Với cá nhân tôi thì vấn đề tôi trăn trở nhất là tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới, bao giờ thì nhân loại khống chế được dịch hay bao giờ thì Covid-19 suy yếu và trở thành bệnh đặc hữu, đấy là câu hỏi chưa có câu trả lời.

Ông Đỗ Cao Bảo: Năm nay kinh tế Việt Nam sẽ không như 2021 - 20

Tôi nhắc lại dịch bệnh chưa qua, thế nên thời điểm này mà bàn về phục hồi kinh tế sau đại dịch là quá sớm và chưa phải lúc. Có rất nhiều các hoạt động chưa thể trở lại bình thường và chưa biết bao giờ mới trở lại bình thường.

Ví dụ như việc đi lại giữa các quốc gia vẫn còn bị hạn chế, chuyến bay thương mại quốc tế vẫn chưa được khôi phục, ngành hàng không, du lịch, khách sạn, lưu trú vẫn đang cực kỳ khó khăn, ngành y tế vẫn đang quá tải. Thế nên thời điểm này nên bàn về việc thích ứng an toàn với đại dịch để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh thì hợp lý và sát với thực tiễn hơn.

Nói như vậy không phải là bi quan, mà là cần xác định chính xác nhất về diễn biến của dịch Covid-19 để đối diện với thách thức và khó khăn cũng như nhìn rõ các cơ hội mà chúng ta có.

Trái với suy nghĩ bi quan của nhiều người cho rằng chúng ta đang bị tụt hậu, bị bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, bỏ lỡ cơ hội dịch chuyển chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, cơ hội phục hồi kinh tế so với các quốc gia khác, tôi cho rằng cơ hội của Việt Nam vẫn còn nguyên, vẫn còn rất lớn.

Bằng chứng là ngay sau kinh tế tăng trưởng âm 6,17% vào quý III/2021, chúng ta chưa làm gì nhiều, chưa có gói hỗ trợ kinh tế nào cho doanh nghiệp, chỉ mới thực hiện chính sách thích ứng linh hoạt và an toàn với dịch bệnh, bỏ lệnh phong tỏa, giãn cách thôi thì sản xuất công nghiệp quý IV phục hồi trở lại.

Ông Đỗ Cao Bảo: Năm nay kinh tế Việt Nam sẽ không như 2021 - 22

Để không bỏ lỡ cơ hội, tôi cho rằng Chính phủ cần có gói cứu trợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp đang ở trung tâm của suy thoái kinh tế, đặc biệt là cần cải cách về thể chế theo hướng lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm, là đối tượng cần được phục vụ, họ cần được giải phóng mọi rào cản, nhất là các rào cản về cơ chế, chính sách, về thủ tục hành chính, cần có các khung pháp lý minh bạch, rõ ràng.

Chính phủ cũng cần có chiến lược phát triển kinh tế số, hoàn thiện khung pháp lý cũng như các chính sách về kinh tế số, không để tình trạng vì thiếu khung pháp lý mà các doanh nghiệp số Việt Nam phải đăng ký kinh doanh ở nước ngoài.

Điểm cuối cùng tôi muốn nói rằng với tố chất càng gặp khó khăn, nghịch cảnh thì những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng được khơi dậy và phát huy, với tố chất linh hoạt, dễ dàng thích ứng với sự thay đổi của người Việt.

Với nội lực và sự kiên cường của doanh nhân, doanh nghiệp Việt thì chắc chắn rằng Việt Nam chúng ta sẽ quay lại đà tăng trưởng cao như trước đại dịch (đây cũng chính là dự báo về kinh tế Việt Nam trong mấy năm tới của các tổ chức quốc tế).