Ông chủ hãng Tivi Việt: Startup Việt nên tập trung thế mạnh thị trường trong nước
Ngày 24/10, tại Hà Nội diễn ra lễ vinh danh Startup Việt 2017, với sự tham gia của hơn 300 khách mời, gồm đại diện các đơn vị, dự án khởi nghiệp; nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm cùng nhiều chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp trong và ngoài nước.
“Nấm Tươi Cười”, startup chuyên sản xuất thực phẩm chế biến ăn liền và nước uống từ các loại nấm đã đoạt ngôi vị cao nhất startup Việt 2017, hé lộ tiềm năng to lớn cần được khai phóng trong nông nghiệp.
5 startup (Nấm Tươi Cười, BeeHub, Homedy, Hana, Ship60) được Ban Tổ chức được chọn từ Top 25 tham gia thuyết trình về sản phẩm, ý tưởng kinh doanh trực tiếp trước Hội đồng Chuyên môn gồm 6 chuyên gia, doanh nhân uy tín, giàu kinh nghiệm để giành ngôi vị quán quân.
Thực phẩm “xanh” lên ngôi
Sau khi xét tuyển từ điểm hồ sơ (40%), điểm Hội đồng chuyên môn (40%), bình chọn từ độc giả (20%) và thuyết phục bởi phần phần trình bày sản phẩm, dịch vụ và kế hoạch chinh phục thị trường chi tiết, Nấm Tươi Cười đã vượt lên dẫn đầu top 5 để giành ngôi vị Quán quân.
Dự án Nấm Tươi Cười do CEO Phạm Hồng Vân (sinh năm 1984) sáng lập vào năm 2013. Một trong những lý do thuyết phục của dự án là những số liệu ấn tượng mà Startup đã đạt được trong 5 năm qua với gần một triệu sản phẩm tiêu thụ ở 230 điểm bán lẻ cùng 7 nhà phân phối và 800 người tiêu dùng thường xuyên.
Những điểm nổi bật của Nấm Tươi Cười là chuyên sản xuất thực phẩm chế biến ăn liền và nước uống "nhanh, tự nhiên, không hóa chất". Ngoài ra còn có sản phẩm dành cho người ăn chay, ăn kiêng, người quan tâm sức khỏe, người có cuộc sống bận rộn, hay được dùng để làm quà tặng, quà biếu.
Đây cũng là dự án nhận được nhiều ý kiến tán thành cũng như phản biện nhiều nhất từ Hội đồng chuyên môn. Ông Phạm Phú Ngọc Trai - Nhà sáng lập và chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) cho rằng Nấm Tươi Cười đang “đi đúng đường” vì trong lĩnh vực này bình quân tăng trưởng trên dưới 20%, giá trị tăng 20-25%.
“Xanh” thì cứ phải “tươi sống”?
Trả lời ý kiến của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT về việc protein càng xanh thì phải ít chế biến mới tốt nhất cho sức khỏe, quán quân startup 2017 khẳng định không phải sản phẩm nào ăn tươi xanh cũng tốt hơn chế biến. Hơn nữa, nấm chế biến sẽ đáp ứng tốt nhu cầu ăn nhanh và đa dạng của cuộc sống hối hả ngày nay hơn nấm tươi.
Chị Vân chia sẻ ăn tươi sống nhiều cũng có bệnh. Tỉ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày cao tại các cường quốc ăn đồ tươi sống như Hàn Quốc, Nhật Bản. Startup này cho rằng nếu Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản ra thế giới thì phải đảm bảo chất hơn là lượng. Muốn làm được điều đó thì phải đưa vào công nghệ vào sản phẩm và chất xám, nên khâu chế biến là điều đương nhiên.
Là một doanh nhân “thuần Việt” ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn Asanzo (thành viên của Hội đồng chuyên môn) thể hiện quan điểm các startup nên tập trung cung cấp và khai thác cho thị trường nội địa đặc biệt trong điều kiện khí hậu Việt Nam khá tốt trước khi có thể xuất khẩu sản phẩm ra thế giới.
Ngách của thực phẩm “xanh”
Nấm vốn được loại thực phẩm rất tốt đối với sức khỏe của con người như phòng và chữa một số bệnh như ung thư, tiểu đường, áp huyết cao, tim mạch, giảm cần, chống lão hóa....đại diện Nấm Tươi Cười cho rằng qua nghiên cứu chị thấy rằng xu thế của hiện tại và tương lai là xu thế của việc sử dụng Protein xanh, Protein từ các loại nấm.
Các thống kê và báo cáo cho thấy dung lượng thị trường rất lớn. Tại Việt Nam, quy mô thị trường nấm và nước uống thảo dược đạt hơn 1 tỷ 200 triệu USD với tốc độ tăng trưởng trung bình 23%/ năm. Tại thị trường thế giới con số này còn lớn hơn rất nhiều: 162 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng trung bình ngành nấm chế biến và nước uống thảo dược hàng năm là 24%/năm.
Nấm Tươi Cười đã chọn cho mình lối đi riêng, tập trung “ngách” của “thực phẩm xanh” khi đo lường tiềm năng của thị trường nấm chế biến ăn liền, nước uống thảo dược nên đã không khai thác thị trường protein.
Ông chủ hãng Tivi Việt ưu ái Startup nông nghiệp
Trước thềm chung kết, ông Phạm Văn Tam đã bày tỏ sự ưu tiên đầu tư cho startup ở lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp vì có nhiều tiềm năng kinh doanh tại Việt Nam. Ông đang định dành quỹ khoảng 5 triệu USD đầu tư cho một hoặc nhiều các công ty tiềm năng, phù hợp.
Ông Tam cho rằng với điều kiện khí hậu ôn hòa và tài nguyên phong phú, Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp nhưng yếu trong sản xuất, gắn kết. Nhiều DN đã giới thiệu ra thị trường nhưng sản phẩm tốt, có chất lượng lại chưa biết cách xây dựng thương hiệu và chiếm lòng tin của người tiêu dùng.
“Tôi nhìn thấy câu chuyện và bối cảnh đó như câu chuyện của chính mình trước đây từ những ngày khởi sự kinh doanh. Trong lĩnh vực điện tử, Asanzo đã sản xuất và làm ra được các sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận. Vì vậy, tôi rất mong muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nơi thị trường còn bỏ ngỏ và chưa có nhiều sản phẩm tạo nên dấu ấn thương hiệu nổi bật”, ông Tam bộc bạch.
Dù sản xuất hay nông nghiệp, các sản phẩm mà ông chủ hãng Tivi Việt luôn nhắm đến đều nằm ở phân khúc bình dân, phục vụ cho đại đa số người tiêu dùng, với phạm vi rộng lớn. Đây cũng chính là chiến lược, thị trường, và đối tượng khách hàng định hướng xuyên suốt của Asanzo từ trước đến nay.
“Sản xuất và nông nghiệp đều là gắn liền với các nhu cầu thiết thực cho con người, nâng cao, cải thiện đời sống, thúc đẩy cho sự phát triển của xã hội. Ngoài chuyện kinh doanh, tôi luôn mong muốn được đóng góp cho cộng đồng chung”, ông Tam chia sẻ.
Trường Xuân