Ông chủ hãng ô tô Việt: Tuổi 80 lương 6 triệu, gánh nợ 2.800 tỷ đồng

Câu chuyện làm ô tô của ông Bùi Ngọc Huyên , kinh doanh của Bầu Đức, và Bầu Kiên ở tù vẫn có tiền là tiêu điểm tuần qua.

Lúc 50 tuổi, ông Bùi Ngọc Huyên đang giữ hàm Vụ trưởng tại Bộ Giao thông vận tải, ông viết đơn xin nghỉ hưu sớm để ra ngoài lập doanh nghiệp tư nhân, quyết tâm sản xuất ô tô.

Năm 2009, các tập đoàn sản xuất ô tô lớn của thế giới tìm đến Mê Linh xin hợp tác với Vinaxuki, trong đó, tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc sẵn sàng bỏ ra 1.400 tỷ đồng để mua đứt 49% cổ phần của Vinaxuki.

Tuy nhiên, thương vụ này chỉ dừng lại ở việc ghi nhớ, vì lúc đó Luật Doanh nghiệp mới chưa ra đời, sản xuất ô tô là ngành nghề có điều kiện nên ông ông Huyên không thể bán vốn cho đối tác ngoại. Ông nói, lúc đó nhà máy nợ ngân hàng 600 tỷ, nếu bán 49% cho Hyundai thì trả hết nợ và thừa tiền làm ô tô.

Ông chủ hãng ô tô Việt: Tuổi 80 lương 6 triệu, gánh nợ 2.800 tỷ đồng - 1

Giấc mơ vỡ vụn của ông chủ Vinaxuki

Thời vàng son, cứ mỗi chiếc xe bán ra là ông Bùi Ngọc Huyên lãi 100 triệu đồng, bằng cả gia tài của một gia đình khá giả ở Hà Nội . Nhưng ông nói, "thương trường như chiến trường", sự nghiệp của ông lao dốc không phanh khi đối thủ quây lại "đánh" Vinaxuki và bị ngân hàng "chơi bẩn", để đến cuối đời người, ông đang gánh trên đôi vai gầy của mình khối nợ 2.800 tỷ đồng.

Thu nhập chính của ông hiện nay là khoản lương, cộng với nguồn thu “không thường xuyên” từ đàn gà ông nuôi trong nhà xưởng.

Hé mở công ty mua bán nợ của nhà Tân Hiệp Phát

Từ khi thành lập đến nay, Công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC của nhà chủ Tân Hiệp Phát chưa phát sinh doanh thu, cùng đó mỗi năm báo lỗ vài triệu đồng.
Không chỉ sử dụng "núi tiền" trong tay để lấn sân sang bất động sản hay truyền thông, công nghệ, nhà chủ đế chế đồ uống Tân Hiệp Phát còn thể hiện tham vọng lớn với một lĩnh vực rất mới, đó là mua bán nợ.

Thành lập tháng 3/2018, Công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC (VNAMC) thể hiện sự nhạy bén chính sách và tiên liệu thị trường của giới chủ Tân Hiệp Phát sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Với lượng tiền mặt khổng lồ và không ngừng lớn thêm, nhà Tân Hiệp Phát sở hữu một lợi thế đáng kể về nguồn lực để tham gia các thương vụ xử lý nợ xấu cho các nhà băng, qua đó nhận về các tài sản bảo đảm mà phổ biến hơn cả là các bất động sản - thứ mà mà gia đình ông Trần Quí Thanh (SN 1953) đang rất quan tâm tích luỹ.

Đặt trụ sở chính đặt tại số 194 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP. HCM, VNAMC có vốn điều lệ ban đầu 100 tỉ đồng, chia đều cho 2 nữ cổ đông sáng lập là hai ái nữ của Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát: bà Trần Ngọc Bích (SN 1984) và bà Trần Uyên Phương (SN 1981).

Trong đó, bà Trần Ngọc Bích đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc tại VNAMC.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, VNAMC vẫn chưa phát sinh doanh thu, cùng đó báo lỗ vài triệu đồng mỗi năm do các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ.

Bầu Đức cầm cố, xoay tiền đắp đổi nợ nần

Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vừa thông báo đăng ký chuyển nhượng 35 triệu đơn vị theo phương thức thỏa thuận từ ngày 13/11 đến 12/12 để làm tài sản bảo đảm tái cơ cấu khoản vay.

Quyết định này được đưa ra chưa đầy 2 tuần sau khi ông Đoàn Nguyên Đức chi khoảng 240 tỷ đồng mua thỏa thuận 50 triệu cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai để tăng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp của mình.

Như vậy, nếu Bầu Đức bán thành công 35 triệu cổ phiếu HAG thì sở hữu tại HAG sẽ giảm từ 377 triệu cổ phiếu (tương đương 40,62%) xuống còn 342 triệu cổ phiếu (tương đương 36,85%).

Cổ phiếu HAG giảm liên tục 5 phiên gần đây từ mức 4.620 đồng xuống còn 4.470 đồng/cp như hiện tại.

Mặc dù đã tái cấu mạnh mẽ thông qua việc bán nhiều tài sản từ bất động sản, thủy điện cho tới mía đường,... nhưng Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức vẫn còn nhiều khó khăn.

Doanh thu của HAGL gần đây có xu hướng tăng nhưng lỗ ròng nhiều quý. Lũy kế 9 tháng, HAG lỗ hợp nhất trước thuế hơn 701 tỷ đồng. Trong năm 2020, HAG đặt kế hoạch doanh thu thuần ở mức 5.082 tỷ đồng và lỗ hợp nhất trước thuế 356 tỷ đồng, thấp hơn so với mức lỗ 1,809 tỷ đồng của năm 2019.

Bầu Kiên vừa kiếm thêm hàng trăm tỷ

Gần 9 năm sau cuộc khủng hoảng tại Ngân hàng ACB, hoạt động kinh doanh của ngân hàng này đã ổn định trở lại với nợ xấu giảm xuống mức an toàn. Cổ phiếu ACB lại lên vùng lịch sử với cú tăng khoảng 50% trong vòng 4 tháng qua.

Tính tới đầu giờ sáng 11/11, cổ phiếu ACB tăng lên mức 25.500 đồng/cp, cao hơn khá nhiều so với mức khoảng 17.000 đồng/cp hồi cuối tháng 7.

Cổ phiếu ACB tăng giúp giúp túi tiền của ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) tăng thêm khoảng 400 tỷ đồng, trong khi vợ ông Kiên là bà Đặng Ngọc Lan tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng. Hiện tại, Bầu Kiên vẫn đang nắm giữ gần 32 triệu cổ phiếu ACB, trong khi vợ nắm giữ gần 39 triệu cổ phiếu ACB.

Tổng cộng, 2 vợ chồng Bầu Kiên vẫn đang nắm giữ khối tài sản trị giá khoảng 1,8 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với cách đây 4 tháng và cao hơn so với thời điểm ông trùm ngân hàng này bị bắt.

Trong năm 2019 và 2018, ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) đã hoàn tất bán toàn bộ cổ phần tại một ngân hàng khác là VietBank (VBB), trong khi bà Nguyễn Ngọc Lan đã có đơn từ nhiệm tại VBB theo nguyện vọng cá nhân.

Bố mẹ của bà Đặng Ngọc Lan cũng đã bán phần lớn cổ phần tại VietBank.

Bầu Thắng và chúa đảo Tuần Châu làm thông gia

Anh Võ Quốc Lợi - con trai của ông Võ Quốc Thắng (người thường được gọi là "bầu" Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đồng Tâm) - vừa kết hôn với chị Đào Thụy Phương Thảo, con gái của chúa đảo Tuần Châu Đào Hổng Tuyển. Vậy là trong giới kinh doanh, 2 người con của 2 đại gia đã chung một nhà.

Năm 2014, anh Võ Quốc Lợi là cổ đông cá nhân lớn nhất tại ngân hàng Kiên Long – Ngân hàng Kiên Long do bầu Thắng từng làm Chủ tịch HĐQT (giai đoạn 2013 – 2018). Mặc dù anh Lợi nắm giữ 14,05 triệu cổ phiếu, tương đương 4,68% cổ phần của ngân hàng, tuy nhiên, cha anh lại không nắm cổ phiếu nào.

Ông chủ hãng ô tô Việt: Tuổi 80 lương 6 triệu, gánh nợ 2.800 tỷ đồng - 2


Con trai "bầu" Thắng kết hôn cùng con gái  "chúa đảo Tuần Châu"


Võ Quốc Lợi hiện tại cũng là thành viên HĐQT Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF). Anh được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT Gỗ Trường Thành từ ngày 10/6/2020.

Trong khi đó, cô dâu Đào Thụy Phương Thảo là con gái của chúa đảo Tuần Châu Đào Hổng Tuyển, cô tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh Trường FIDM (Los Angeles, Mỹ) năm 2013. Cô hiện là đại diện pháp luật của các công ty TNHH Jen Tuần Châu, công ty TNHH Quảng cáo Thiện Phát, công ty TNHH Đào Phan, Công ty TNHH Sài Gòn Marina City.

Chú rể - cô dâu Võ Quốc Lợi và Đào Thụy Phương Thảo cũng từng cùng nhau tham gia vào vị trí Ban điều hành của Chương trình phi lợi nhuận Big Friend Foundation với mức lương tượng trưng được công khai là… 1.000VNĐ/tháng.