Ôm "đất vàng" 10 năm không xây trụ sở, VEC xin làm trung tâm thương mại

(Dân trí) - Trên diện tích được Nhà nước giao thuê để xây dựng trụ sở làm việc, nhưng gần 10 năm dự án không được triển khai, mới đây, đơn vị sở hữu dự án là VEC đã xin chuyển đổi mục đích xây dựng từ "trụ sở" thành "trung tâm thương mại". Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi ý kiến lên Chính phủ, phản đối đề xuất này.

VEC không đủ tiền xây trụ sở, xin chỉ định doanh nghiệp ngoài làm

Cụ thể, từ năm 2008 đến 2010, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được quyết định cho thuê đất và được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng Trụ sở tại Lô 20-E4 Khu đô thị mới Cầu Giấy, Q. Cầu Giấy, Hà Nội nhằm đáp ứng quy mô phát triển, số lượng lao động gia tăng.

Đất vàng xây trụ sở (ảnh minh hoạ)
Đất vàng xây trụ sở (ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, đến nay VEC không thực hiện được dự án trên vì nhiều lý do khác nhau. Năm 2017, TP. Hà Nội có thông báo yêu cầu 23 Tổng công ty có dự án đầu tư xây dựng khu vực trụ sở tại Khu đô thị mới Cầu Giấy có báo cáo, nêu rõ tiếp tục thực hiện dự án hay không có nhu cầu, đồng thời bắt buộc cam kết tiến độ, nếu không đáp ứng phải bàn giao lại đất cho TP. Hà Nội.

Được biết, khu đất được Nhà nước cấp cho VEC thuê, xây trụ sở có diện tích hơn 4.180 m2, diện tích xây dựng hơn 1.540 m2, công trình bắt buộc cao khoảng 30 tầng, có 3 tầng hầm và diện tích sàn xây dựng hơn 43.550 m2. Dự kiến số tiền xây dựng toàn bộ dự án xây dựng trụ sở của VEC là hơn 667 tỷ đồng, tiền đặt cọc là gần 4,2 tỷ đồng.

Mới đây, VEC và Bộ Giao thông - Vận tải đã đề nghị Chính phủ nhiều cơ chế và ưu đãi như: Số tiền xây dựng hơn 667 tỷ đồng đối với VEC là quá lớn, trong khi DN này không phải ngành nghề kinh doanh chính bất động sản.

DN này đề nghị Chính phủ cho phép được thay đổi mục đích dự án từ xây dựng "trụ sở" sang "toà nhà văn phòng làm việc của VEC, trung tâm thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê kết hợp cơ sở lưu trú ngắn ngày".

Đặc biệt, đề xuất cho phép lựa chọn nhà đầu tư khác để thực hiện dự án, VEC chỉ tham gia góp vốn bằng quyền phát triển dự án, tiền đặt cọc sử dụng đất gần 4,2 tỷ đồng và các chi phí khác mà VEC đã chi trả cho dự án. VEC không đóng góp thêm chi phí nào khác, nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm đầu tư, khai thác, kinh doanh toàn bộ dự án.

Yêu cầu đấu giá quyền sử dụng đất

Trước những đề xuất trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã lên tiếng phản đối. Bộ này khẳng định: Theo Nghị định 91/2015 của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản)... Căn cứ vào quy định trên, Bộ KH&ĐT khẳng định: VEC không được thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.

Về việc hợp tác thực hiện dự án tòa nhà văn phòng làm việc, trung tâm thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê kết hợp lưu trú ngắn ngày.

Bộ KH&ĐT khẳng định: Luật Đất đai năm 2013 quy định, trường hợp nhà nước giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện các dự án xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê thì việc giao đất phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Việc VEC hợp tác với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án như đề xuất, không thực hiện đấu giá quyến sử dụng đất là chưa phù hợp, điều này khiến Nhà nước không thu được lợi ích cao nhất trong việc giao đất.

Theo Bộ KH&ĐT, quy định của Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước sẽ thu hồi đất trong trường hợp đất được giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn gia đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ, tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án.

Bộ KH&ĐT khẳng định Hà Nội đã giao đất cho VEC để thực hiện Dự án xây dựng trụ sở từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện dự án, căn cứ quy định trên, khu vực đất đã giao cho VEC để thực hiện dự án thuộc trường hợp phải thu hồi.

Do vậy, việc đề xuất hợp tác với nhà đầu tư khác thông qua góp vốn bằng quyền phát triển dự án tại khu đất được giao là chưa phù hợp.

Nguyễn Tuyền

Ôm "đất vàng" 10 năm không xây trụ sở, VEC xin làm trung tâm thương mại - 2