"Ở Việt Nam vẫn tồn tại lệ: Quan to làm việc nhỏ, quan nhỏ làm việc to"

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - "Có một người cũng có vai vế nói với tôi, ở Việt Nam, quan to thường phải đi làm việc nhỏ, quan nhỏ lại làm việc to", TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế chia sẻ.

Ở Việt Nam vẫn tồn tại lệ: Quan to làm việc nhỏ, quan nhỏ làm việc to - 1

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện CIEM, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Chia sẻ tại Hội thảo thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành: vấn đề và kiến nghị được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội sáng nay 16/9, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện CIEM, đề cập về chuyện cải cách thủ tục hành chính nói chung và kiểm tra chuyên ngành nói riêng.

Theo ông Cung, năm 2018-2019, Việt Nam đã làm khá tốt khi bỏ được các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với lúa gạo, gas... cùng hàng loạt giấy phép con. Tuy nhiên, việc gỡ bỏ, chặt đứt các giấy phép con, kiểm tra chuyên ngành không còn như trước nữa.

Theo TS Cung, hiện nhiều quy định về kiểm tra chuyên ngành của bộ này, ngành này chồng lấn lên cơ quan khác, khiến cho nó đúng với bộ này nhưng lại sai với bộ kia, hay đúng với điều khoản này lại vi phạm điều khoản của quy định khác. Đấy là chưa nói đến chuyện nhiều quy định đã và đang thiếu tính thực tiễn, khoa học và phi lý.

Ông Cung ví dụ như kiểm định an toàn của thang máy thì phải lắp thang máy vào chạy mới kiểm định được an toàn. Nhưng hiện nay người ta mới kiểm định rời rạc các bộ phận theo tiêu chuẩn, nếu người ta đúng tiêu chuẩn nhưng lắp đặt thiếu, sai thì có phải không an toàn, phi lý không?

Hiện nay, theo ông Cung, tư duy quản lý Nhà nước của nhiều nơi vẫn theo kiểu kiểm soát nên thiết kế quy định ra anh làm gì phải báo tôi chấp nhận thì mới được làm. Cần phải thay đổi nhanh sang hậu kiểm, phải quản lý theo kết quả, rủi ro.

"Lâu nay nhiều người vẫn hiểu sai về hậu kiểm. Họ cứ nghĩ là hậu kiểm tức là cho người ta làm xong rồi sau đó vào kiểm tra, đây là tư duy hoàn toàn sai. Hậu kiểm là kiểm tra rủi ro, kiểm tra trường hợp nào có lịch sử vi phạm, cá nhân đã từng vi phạm hoặc không cam kết tuân thủ. Còn đối với người, doanh nghiệp làm đúng, không kiểm tra, hậu kiểm. Chứ cứ cho họ làm, sau đó đi kiểm tra sau thì lại gây khó dễ cho họ, cũng bằng như tiền kiểm", ông Cung nói.

Ông Cung nói: "Có một người có vai vế nói với tôi, ở Việt Nam ta, quan to thường phải đi làm việc nhỏ, quan nhỏ làm việc to".

"Cải cách hiện nay là phải là phải bắt các "ông to" ngồi làm việc lớn, phải viết nhiều, đọc nhiều. Cần bỏ tục lệ cứ giao việc cho cấp dưới rồi đi khai trương rồi bắt các "ông nhỏ" cặm cụi viết Thông tư, đề án cải cách. Những thứ này trở thành nghịch lý về trật tự công việc của chúng ta", ông Cung nói.

Ông Cung rằng, hiện không thiếu bộ này, cơ quan kia cho một người không am hiểu gì để soạn thảo Thông tư, soạn thảo đề án cải cách, điều này cho thấy họ không chú trọng gì cả. Chính những thứ phi lý nhưng vẫn tiếp diễn hàng ngày mà họ cũng không có áp lực để trăn trở hoặc phải thay đổi tư duy.

"'Tôi cho rằng cải cách hiện nay phải làm thật triệt để, làm thật nhiều thứ để chuyển sang nền kinh tế thị trường đầy đủ, tự do", TS Cung nói.

Cũng tại Hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện CIEM cho rằng mỗi lần đi làm thủ tục hành chính thì người dân, doanh nghiệp luôn luôn hồi hộp vì lo không biết có làm được không, có thiếu giấy tờ thủ tục gì không? Ngày nhận kết quả cũng không dám lạc quan mình có nhận được hay không?

Thậm chí, khi cần loại giấy tờ gấp, họ lại càng bị làm khó dễ, cơ quan Nhà nước cứ vin đúng thủ tục, giấy tờ mới hoàn thiện, trong khi đó thời gian với doanh nghiệp, người dân là vàng, là bạc.

Cũng theo Phó Viện trưởng Viện CIEM, Việt Nam đã và đang có một số cải cách hành chính nhưng đâu đó lại có hiện tượng các rào cản tiếp mọc thêm, gánh nặng khác nhiều hơn. Đó là bởi vì các cơ quan Nhà nước muốn có quyền vào mình, để dễ quản, kiểm và dễ gây áp lực..