Doanh nghiệp địa ốc gặp khó vì xin giấy phép, bổ sung thủ tục cho công trình

Trường Thịnh

(Dân trí) - Hiện tượng doanh nghiệp bất động sản khó khăn trong xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến dự án không còn là chuyện hiếm. Xoay sở không được, khá nhiều trường hợp doanh nghiệp "làm trước, báo cáo sau" dẫn đến sai phạm diễn ra.

Hiện có một thực tế các doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ đang gặp rất nhiều vướng mắc, đặc biệt là về thủ tục giải phóng mặt bằng. Nếu được mua lại dự án, các doanh nghiệp đều phải "trông giỏ, bỏ thóc", mặt bằng sạch hiếm khi có hết, họ phải đứng ra trực tiếp thương lượng với hộ dân, chính quyền sở tại để giải quyết nhanh chóng, tránh bị thu hồi giây phép.

Theo đại diện của doanh nghiệp bất động sản đề nghị dấu tên ở Hà Nội, các dự án cấp mới cho doanh nghiệp nhỏ ở các địa bàn xa thì nhiều, chủ yếu là đất ruộng - khá dễ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ do quá xa nên thanh khoản cho dự án kém, ít khách hàng, dự án khai trương nhưng ở trong tình trạng thiếu khách khiến phần lớn họ không hứng thú.

Doanh nghiệp địa ốc gặp khó vì xin giấy phép, bổ sung thủ tục cho công trình - 1

Ngoài ra, còn có trường hợp chủ đầu tư vướng mắc các quy định về phòng chống cháy nổ. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tập trung nhiều trong khâu thủ tục hoàn thiện hồ sơ pháp lý.

Một vấn đề đang tồn tại lớn nhất trên thị trường bất động sản là hiện tượng các chủ đầu tư vi phạm các quy định về phòng chống cháy nổ: chủ đầu tư cố tình xây thêm hoặc làm sai quy định phòng cháy chữa cháy được phê duyệt có; chủ đầu tư vì khó khăn tài chính phải nới tiến độ dự án, dẫn đến không cập nhật được các quy định về phòng cháy chữa cháy thay đổi cũng có.

Thậm chí, có trường hợp chủ đầu tư cho dân vào ở theo đúng tiến độ hợp đồng mua bán mà chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy chỉ vì thay đổi thiết kế xây dựng.

Theo báo cáo của Bộ Công an, riêng về phòng cháy chữa cháy, lĩnh vực đang có nhiều doanh nghiệp vi phạm nhất, tính đến hết năm 2018 còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Đáng chú ý, trong đó chủ yếu là các công trình được đưa vào sử dụng trước khi Luật phòng cháy chữa cháy năm 2001 có hiệu lực. Tính đến tháng 7-2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

"Xin thay đổi hoặc bổ sung các giấy phép về phòng cháy chữa cháy là vấn đề mất nhiều thời gian, thậm chí nếu chậm trễ các chủ đầu tư cho dân vào ở sẽ vi phạm. Tuy nhiên, trong hợp đồng ký với khách hàng, chủ đầu tư, doanh nghiệp cam kết giao nhà cho khách, khách làm theo đúng hợp đồng vào ở, trong khi chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Dù rất cố gắng khắc phục, nhưng doanh nghiệp rất khó ăn, khó nói trong trường hợp này", một doanh nghiệp BĐS tại Hà Nội phân trần.

Tương tự với doanh nghiệp trên, đại diện chủ đầu tư dự án Tháp Doanh nhân tại Hà Nội chia sẻ về khó khăn khiến công trình của họ chậm nghiệm thu công trình.

"Mặc dù được cơ quan chức năng tạo điều kiện nhưng do vướng nhiều thủ tục, phải phê duyệt nhiều bộ phận nên thời gian chờ đợi rất lâu. Ví như điều chỉnh một vài chi tiết so với thiết kế đã được duyệt cũng sẽ phải trải qua nhiều khâu thủ tục phức tạp không kém so với đi làm mới", đại diện chủ đầu tư dự án trên nói.

Để hạn chế trường hợp dự án chưa nghiệm thu đã có dân vào ở bên cạnh việc kiểm tra xử phạt doanh nghiệp cố tình sai phạm, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn hoặc hỗ trợ các chủ đầu tư do thay đổi thiết kế dẫn đến bổ sung giấy phép khó khăn. Nhiều trường hợp doanh nghiệp được cấp phép thay đổi thiết kế thi công do cơ quan xây dựng cấp, nhưng việc bổ sung các giấy phép về phòng cháy chữa cháy còn gặp khá nhiều khó khăn.

Đại diện CĐT tháp Doanh nhân “Việc thay đổi và điều chỉnh quy định về PCCC là cần thiết để phù hợp với nhu cầu hiện tại. Tuy nhiên việc điều chỉnh này cần nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ các bước vì vậy ngay cả khi đã đáp ứng các cơ sở vật chất thì doanh nghiệp vẫn sẽ khó đáp ứng với tiến độ dự kiến với khách hàng.”