1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ô tô Trung Quốc giảm giá mạnh, lôi kéo khách hàng

Để giải phóng tồn kho, các hãng và đại lý ô tô Trung Quốc đưa ra mức giá giảm đến gần 100 triệu đồng/chiếc, kéo theo lượng tiêu thụ tăng.

Hàng loạt mẫu xe Trung Quốc giảm giá đáng kể từ giữa tháng 8 cho đến đầu tháng 9. Chẳng hạn, BAIC X55 giảm từ 550 triệu đồng/chiếc xuống còn 488 triệu đồng/chiếc, BAIC Q7 giảm 90 triệu đồng còn 498 triệu đồng/chiếc, Zotye Z8 giảm mạnh từ 758 triệu đồng còn 668 triệu đồng/chiếc. Brilliance V7 giảm từ 738 triệu đồng xuống 718 triệu đồng/chiếc.

Khuyến mãi mới bán được hàng

Tương tự, các mẫu xe của Dong Feng như T5, X5 cũng giảm giá vài chục triệu đồng/chiếc. Ngoài ra, thương hiệu xe MG nhập khẩu Trung Quốc vừa tham gia thị trường Việt Nam với 5 mẫu cũng đưa mức giá chỉ từ 515 triệu đồng/chiếc và áp dụng ngay chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, bảo hành 5 năm không giới hạn số km cùng 5 lần bảo dưỡng miễn phí toàn phần.

Đại diện đại lý Max Auto Sài Gòn (phân phối nhiều mẫu xe Trung Quốc tại TP HCM) lý giải giá xe Trung Quốc giảm là do tình hình dịch Covid-19 trùng với thời điểm tháng 7 âm lịch khiến thị trường ô tô sụt giảm mạnh, nếu không giảm giá để hút khách thì kinh doanh sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, các hãng xe trên thị trường đều đua nhau giảm giá mạnh nên xe Trung Quốc không thể đứng ngoài cuộc.

"Nhờ chính sách giảm giá tốt nên trong tháng 8, chúng tôi bán được 50 xe Trung Quốc và trong nửa đầu tháng 9 này, cũng đã tiêu thụ hơn 20 chiếc, tăng nhiều so với các tháng đầu năm" - đại diện đại lý này cho hay.

Giới kinh doanh ô tô cho rằng sở dĩ xe Trung Quốc đang giảm giá mạnh là bởi các doanh nghiệp (DN), đại lý nhập khẩu muốn giải quyết dứt điểm hàng tồn để dọn kho, đón mẫu xe mới đang cập cảng. Giải phóng hàng tồn cũng là mục tiêu chính của nhiều hãng xe Trung Quốc sau gần một năm nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, do đó, họ đang chào bán với giá khá "mềm" và nguồn hàng này được thu gom đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Dịch bệnh cũng tạo ra xu hướng "ưa" thích giảm giá, khuyến mãi của phần đông người tiêu dùng, nhất là khi nhiều tháng gần đây, họ thường xuyên được hưởng các chương trình ưu đãi giá khi mua bất cứ mặt hàng nào. Ông Ngô Minh Hùng, chủ đại lý ôtô trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP HCM), nhìn nhận không chỉ ôtô Trung Quốc mà xe có nguồn gốc Nhật, Mỹ, Đức, Hàn Quốc… nếu muốn bán được hàng đều phải có chính sách giảm giá liên tục kèm với tặng phụ kiện, hỗ trợ các loại phí.

"Giảm giá hiện nay đã trở thành xu hướng. Trong một tháng, nếu như không có chính sách ưu đãi cho khách hàng thì hầu như không bán được chiếc xe nào. Khách vào tham quan showroom thường hỏi "có giảm giá không, ưu đãi những gì"... Nếu nhân viên lắc đầu, khách sẽ quay đi luôn" - ông Hùng nói.

Ô tô Trung Quốc giảm giá mạnh, lôi kéo khách hàng - 1

Ô tô Trung Quốc được tiêu thụ ngày càng nhiều tại Việt Nam

Chiến lược "xóa" xuất xứ Trung Quốc

Sau một thời gian cố lấy lòng khách Việt bằng giảm giá, cải tiến nội - ngoại thất, xe Trung Quốc dần dần được ưa chuộng hơn. Các hãng bắt đầu tính đến việc lắp ráp các mẫu xe tại thị trường tiêu thụ thay vì phải nhập khẩu.

Ông Trần Ngọc Phúc, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH MTV Dịch vụ Xuất nhập khẩu Sutong (chuyên phân phối xe Dong Feng của Trung Quốc tại Việt Nam), cho biết hãng này đang có kế hoạch mở rộng hệ thống phân phối, bảo dưỡng tại các khu vực để chăm sóc khách hàng tốt nhất. Ngoài ra, Dong Feng còn chuẩn bị tiến tới liên doanh với đối tác tại Việt Nam để lắp ráp ôtô, từ đây thâm nhập các thị trường khác trong khu vực.

"Hãng xe Trung Quốc có nhà máy ở Việt Nam sẽ có thuận lợi rất lớn khi không chỉ giảm được giá thành mà còn tạo tâm lý tin tưởng hơn cho khách hàng" - ông Phúc nói.

Thông tin từ giới kinh doanh xe cho thấy hãng xe MG cũng tiến tới lắp ráp tại Indonesia để đưa xe này về Việt Nam nhằm mục đích "xóa" xuất xứ Trung Quốc, đánh tan tâm lý e ngại của người tiêu dùng Việt Nam. Sau giai đoạn này, MG sẽ chuyển sang lắp ráp xe tại Việt Nam. Trước đó, để chuẩn bị cho những bước đi vững chắc tại thị trường Việt Nam, MG đã nhanh chóng mở được 5 đại lý tại TP HCM, Hà Nội và Nghệ An. Ông Teh Kim Hwa, Tổng Giám đốc TC Services Việt Nam, nhà phân phối chính thức của MG tại Việt Nam, MG Việt Nam thậm chí còn đặt mục tiêu khai trương 20 đại lý trên toàn quốc trong vòng một năm kể từ khi ra mắt.

Từ giữa năm 2019, Tập đoàn Tan Chong Motor đã ký bản ghi nhớ với Công ty SAIC Motor International (Trung Quốc) để mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có lắp ráp, bán hàng, nhập khẩu và phân phối xe cơ giới. Tan Chong Motor đang sở hữu các nhà máy lắp ráp ôtô tại Việt Nam, còn SAIC Motor International có các thương hiệu xe con Maxus, MG và Roewe. Không chỉ Tan Chong Motor có ý định lắp ráp xe Trung Quốc tại Việt Nam mà một số nhà nhập khẩu khác cũng đang muốn hợp tác, thuê lại nhà máy Tan Chong Motor ở Đà Nẵng để lắp ráp xe Trung Quốc thay cho nhập khẩu.

Giới chuyên môn nhận định nếu xe Trung Quốc được lắp ráp tại Việt Nam, giá bán sẽ giảm khoảng 25% so với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Chẳng hạn, những xe có giá bán từ 600-700 triệu đồng/chiếc hiện nay sẽ giảm về mức 450-550 triệu đồng/chiếc. Đây là mức giá rất hấp dẫn đối với người tiêu dùng Việt Nam.