1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ô tô Thái, Indonesia áp đảo thị trường xe nhập cuối năm

(Dân trí) - Khác với nhiều dòng xe của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Pháp đã hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam vì vướng thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, thì các dòng xe nhập khẩu của Thái, Nhật, Nga, Indonesia lại áp đảo thị trường xe nhập cuối năm.

Xe nhập tăng mạnh từ nhiều thị trường do hãng xe liên doanh chuyển sang nhập khẩu thay vì sản xuất, lắp ráp trong nước
Xe nhập tăng mạnh từ nhiều thị trường do hãng xe liên doanh chuyển sang nhập khẩu thay vì sản xuất, lắp ráp trong nước

Xe nhập giảm hơn 12.500 vì thuế, phí

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/12, cả nước đã nhập khoảng 107.500 chiếc xe, trị giá 2,2 tỷ USD, trong đó xe dưới 9 chỗ chiếm hơn 48.700 chiếc, đạt hơn 650 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, số xe nhập năm nay đã giảm hơn 12.500 xe và khoảng 500 triệu USD giá trị.

Đáng chú ý, xe nhập nhiều thị trường giảm mạnh, trong đó xe từ Trung Quốc chỉ còn nhập hơn 10.100 xe, giảm hơn 12.400 xe so với cùng kỳ năm 2015 (22.500 chiếc); giá trị kim ngạch vì thế cũng giảm chỉ còn 388 triệu USD, giảm gần 500 triệu so với cùng kỳ năm 2015 (hơn 870 triệu USD).

Một số thị trường xe khác cũng giảm nhanh, mạnh là xe Hàn Quốc, xe Ấn Độ, trong đó xe Hàn giảm gần 5.400 chiếc, chỉ còn hơn 17.800 chiếc; giá trị cũng giảm trên 240 triệu USD. Xe Ấn cũng giảm 5.000 chiếc, chỉ còn hơn 16.800 chiếc. Tuy nhiên, kim ngạch chỉ giảm không đáng kể hơn 10 triệu USD.

Tuy nhiên, xe nhập khẩu của các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Nga và Indonesia sang Việt Nam ngày càng tăng. Trong đó, xe Thái tăng mạnh nhất với khoảng 6.800 chiếc so với cùng kỳ năm 2015, đạt 30.300 chiếc, đứng đầu trong các thị trường xe nhập khẩu của Việt Nam, giá trị kim ngạch đạt gần 570 triệu USD.

Các thị trường cung cấp dòng xe khác như Nhật Bản, lượng nhập xe tăng hơn 1.100 chiếc, đạt gần 7.000 chiếc; xe Nga sau một năm đổ bộ thử nghiệm vào Việt Nam cũng tăng đáng kể, trên 1.200 chiếc, xe Đức, Indonesia cũng tăng từ 500 - 700 chiếc, với tổng lượng nhập gần 4.000 chiếc như hiện nay.

Theo chia sẻ của đại diện doanh nghiệp chuyên nhập khẩu xe ô tô tại Việt Nam, thuế và các loại phí đang khiến nhập khẩu ô tô giảm rất mạnh. Đây thực chất là việc giảm nhập của các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu xe ô tô trước biến động về thuế. Trước đây, các thị trường như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Pháp thường có số lượng nhập khẩu xe nguyên chiếc lớn, nay cũng giảm mạnh.

Nhiều liên doanh nhập xe thay vì lắp ráp

Cũng theo lời đại diện DN trên, các thị trường xe Nhật, Thái, Indonesia, năm nay chứng kiến xu hướng nhập khẩu gia tăng bởi do các liên doanh như Toyota, Suzuki, Nissan, Ford tại Việt Nam chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc nhiều dòng xe thay vì lắp ráp trong nước. Bên cạnh đó, các mẫu xe bán tải của Thái phân phối chính sang Việt Nam cũng tăng mạnh do ít liên doanh ô tô tại Việt Nam sản xuất ngoại trừ Trường Hải và Toyota lắp ráp với số lượng hạn chế.

Điều đáng nói, xu thế chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu nguyên chiếc ô tô là xu hướng đã và đang diễn ra ở nhiều doanh nghiệp ô tô liên doanh, trong đó có Toyota, Honda hay Ford vì năm 2018, thuế nhập khẩu với ô tô áp dụng cho các nước ASEAN sẽ được gỡ bỏ và nhiều dòng xe giá rẻ dự kiến có thể ồ ạt vào Việt Nam từ Thái Lan, Indonesia - nơi có các trung tâm liên doanh xe ô tô lớn của Nhật, Mỹ và Hàn Quốc.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bình luận: "Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt tại Việt Nam sẽ được các tập đoàn ô tô nước ngoài tranh thủ rất nhanh. Họ đã có nghiên cứu và đưa ra dòng sản phẩm chiến lược để cạnh tranh. Trong khi đó, việc tập trung sản xuất dòng xe nhỏ, phân khối thấp của các liên doanh trong nước dường như vừa chậm, vừa yếu. Các liên doanh này một là không muốn sản xuất xe rẻ, một là không đủ sức để cạnh tranh dòng sản phẩm này".

Trên thực tế, các liên doanh vẫn cho rằng, thị trường tiêu thụ Việt Nam nhỏ bé với 1 chủng loại xe, do đó khó có thể nội địa hóa, sản xuất lớn một dòng xe.

Tuy nhiên, nhiều quan điểm của các chuyên gia lại cho rằng thị trường xe hơi của người Việt đang lớn mạnh, chúng ta cần đánh giá đúng để có chính sách phù hợp. Nhìn sang người Thái, người Indonesia hay Malaysia, họ vẫn nội địa hóa dòng xe trong nước, rồi đem chính sản phẩm đó xuất ngoại.

"Gia nhập AEC rồi, theo tôi các liên doanh ô tô trong nước nên từ bỏ tư duy 90 triệu dân, mà hãy hướng nhìn vào tư duy 650 triệu dân của 10 nước, để yêu cầu các DN ô tô trong nước phải nội địa hóa, cạnh tranh. Nếu vẫn chỉ èo uột như này, từ năm 2018 trở đi, xe nội không có cửa cạnh tranh sòng phẳng với xe ngoại. Lúc đó, các ông lớn lại hò hét, xin cho các ưu đãi, đặc quyền", ông Long nói.

Nguyễn Tuyền