1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ô tô lắp ráp tăng đột biến, VAMA vẫn kêu khó đáp ứng yêu cầu Nghị định 116

(Dân trí) - Tháng 7/2018, những mẫu ô tô được lắp ráp trong nước chiếm cả 10 vị trí dẫn đầu những dòng xe ăn khách nhất trên thị trường. Thế nhưng, trong văn bản mới đây gửi Chính phủ và các bộ ngành, VAMA vẫn kêu khốn khổ với Nghị định 116.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 7/2018, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô Việt Nam đạt 21.466 xe, giảm 8% so với tháng 6/2018, tăng 4% so với tháng 7/2017. Trong đó, có 14.124 xe du lịch, 6.948 xe thương mại và 394 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch giảm 9%; xe thương mại giảm 4% và xe chuyên dụng giảm 19% so với tháng trước.

Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 18.093 xe, giảm 6% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 3.373 xe, giảm 18% so với tháng trước.

Trong số 10 mẫu xe ăn khách nhất thị trường Việt Nam tháng 7/2018, toàn bộ là xe được lắp ráp trong nước và không có sự xuất hiện của bất kỳ dòng xe nhập nào.

Thế nhưng, trong văn bản mới nhất gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan, VAMA cho rằng vẫn còn có một số khó khăn vướng mắc, cần được tháo gỡ cho các nhà sản xuất xe trong nước.


VAMA cho rằng vẫn còn có một số khó khăn vướng mắc, cần được tháo gỡ cho các nhà sản xuất xe trong nước. (Ảnh minh hoạ)

VAMA cho rằng vẫn còn có một số khó khăn vướng mắc, cần được tháo gỡ cho các nhà sản xuất xe trong nước. (Ảnh minh hoạ)

3 điểm vướng của Nghị định 116

Giống như 5 lần gửi tâm thư trước, VAMA tiếp tục đưa ra 3 điểm vướng mà Hiệp hội này cho là vẫn là bài toán khó đối với doanh nghiệp.

VAMA cho rằng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thể bắt đầu xây dựng đường thử mới nên còn lúng túng không biết có được tiến hành thủ tục đánh giá và xin cấp phép đồng thời hay không.

"Bộ Công Thương cần hướng dẫn chi tiết cũng như hướng dẫn việc nâng cấp xây mới đường thử cho những doanh nghiệp chưa đủ điều kiện có thể tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo tiến độ xin cấp giấy chứng nhận nhằm tránh tình trạng sản xuất gián đoạn", VAMA nêu kiến nghị.

Đối với quy định về đường thử, điều 7, khoản 1, điểm a và mục IV của phụ lục I quy định, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô cần phải có… “đường thử xe có chiều dài tối thiểu 800m…” với tối thiểu 400m đường thẳng trước ngày 17/4/2019. Điều này có nghĩa là nhiều nhà sản xuất phải xin thêm đất và đầu tư thêm vào đường thử mới hoặc mở rộng đường thử hiện tại. Trường hợp khác là doanh nghiệp buộc phải có hợp đồng thuê đường thử.

Theo VAMA, nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu này do không có đủ đất cho việc xây dựng mới hoặc mở rộng thêm đường thử. Ngay cả việc thuê đường thử theo VAMA cũng rất khó khăn do chi phí lớn, nhất là khi Nghị định 116 yêu cầu 100% xe lắp ráp trong nước phải được chạy trên đường thử.

Cho rằng từ trước đến nay, các nhà sản xuất trong nước đều tuân thủ các quy định về kỹ thuật của Việt Nam trước khi bán cho khách hàng vì thế VAMA kiến nghị không áp dụng hồi tố đối với các hãng đã đầu tư và đang hoạt động bình thường hiện nay.

Điểm cuối cùng, VAMA kêu khó là quy định về việc phụ tùng và linh kiện lắp ráp phải được kiểm tra tại Việt Nam.

Trước mắt, Hiệp hội này cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải khi xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định 116 về điều kiện sản xuất lắp ráp ô tô chấp thuận 1 trong hai loại chứng chỉ đánh giá hệ thống quản lý chất lượng của nhà sản xuất COP hoặc chứng chỉ ECE COP do cơ quan tổ chức nước ngoài có thẩm quyền cấp hoặc COP do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp…

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên VAMA kiến nghị. Và cũng không riêng gì Hiệp hội này mà nhiều tổ chức khác cũng từng đề xuất được hoãn thực thi Nghị định 116. Tại phiên họp tháng 6/2018 của Uỷ ban WTO diễn ra mới đây, một số nước thành viên gồm Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, EU, Canada và Nga cũng bày tỏ sự quan ngại đối với Nghị định 116 về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô; Thông tư 03 của Bộ Giao thông Vận tải…

Các nước này đề nghị tạm hoãn thi hành Nghị định 116 để nhà sản xuất có thời gian đáp ứng với quy định, đặc biệt là điều khoản về thử nghiệm theo lô, đồng thời đề nghị Việt Nam điều chỉnh nội dung tring Nghị định trên nguyên tắc không phân biệt đối xử và không tạo ra rào cản thương mại trên mức cần thiết.

H.Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm