Ô tô cũ ế ấm, dân buôn ồ ạt "tháo chạy"

Do ảnh hưởng của điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, giới buôn xe lướt (xe đã qua sử dụng nhập khẩu) hầu hết đã chuyển nghề. Những doanh nghiệp còn trụ lại chỉ nhập xe về khi có khách đặt cọc chắc chắn.

Nhiều showroom đóng cửa

Theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong, tại khu vực dọc tuyến đường Dương Đình Nghệ (phường Yên Hòa, Cầu Giấy) và Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm), hầu hết các showroom chỉ kinh doanh xe cũ đã qua sử dụng và có biển, với đủ các dòng xe từ: Kia Morning Van, Hyundai Grand i10, Toyota Vios, Toyota Fortuner, Ford Ranger, Rand Rover, Lexus, Audi... Các doanh nghiệp kinh doanh xe đã qua sử dụng nhập khẩu chỉ còn 1-2 cơ sở.

Trên đường Khuất Duy Tiến, trước đây có showroom chuyên kinh doanh ô tô cũ đã qua sử dụng của Tinphat Auto, toàn các dòng xe sang như Mercedes, Lexus, Cadillac, Land Rover, Range Rover...Tuy nhiên, đến nay showroom này đã đóng cửa. Ngoài ra, một số showroom khác trên đường Phạm Hùng cũng chỉ còn buôn xe cũ có biển, dạng mua đi bán lại.

Anh Tùng, chủ showroom ô tô Đức Thiện ở phố Dương Đình Nghệ cho hay, từ đầu năm đến nay tình hình kinh doanh xe ô tô đã qua sử dụng vô cùng khó khăn, trung bình mỗi tháng chỉ bán được 1-2 xe. Showroom ô tô Đức Thiện chủ yếu kinh doanh xe đã đăng ký biển số, kiểu mua đi bán lại. Trong đó, xe bán chạy nhất từ đầu năm đến nay là các mẫu xe thương hiệu Toyota như Fortuner đời 2009 – 2016, giá bán từ 500-900 triệu đồng; Tiếp đó là các mẫu Toyota Vios, Camry.

“Khi thuế tiêu thụ đặc biệt được điều chỉnh lên cao, áp dụng từ 1/7/2016, hầu như không có doanh nghiệp nào nhập khẩu thêm xe ô tô đã qua sử dụng về bán vì bị đánh thuế cao, giá bán cao gần bằng cả xe mới hoàn toàn, khách không mặn mà. Chủ yếu, khách mua xe thời gian qua là khách quen biết, bạn bè” – chủ một showroom ở Dương Đình Nghệ cho hay.

Đại diện showroom ô tô Hưng Việt, cùng ở trên đường Dương Đình Nghệ cho hay, các xe chưa có biển ở đây chủ yếu là xe của anh em đại lý chính hãng gửi nhờ bán hộ. “Ngoài ảnh hưởng của các điều chỉnh thuế, chính sách thì nhu cầu mua sắm của người dân ở giai đoạn này cũng đang trong thời kỳ bão hòa. Do đó, cả tháng có khi chỉ bán được một chiếc xe đã qua sử dụng” – chị này cho hay.

Cùng nằm trên đường Dương Đình Nghệ, showroom Anh Dũng Auto chuyên kinh doanh các mẫu xe lướt nhập khẩu như: Rand Rover, Lexus, Bentley, Porcher, BMW... Theo anh Dư, đại diện showroom này, đa số xe nhập về khi có khách đặt hàng chắc chắn, do là xe sang nên giá xe cơ bản không giảm. Dòng xe lướt bán chạy nhất thời gian qua là Lexus, Toyota Landcruiser. Hiện trong showroom chỉ có 1-2 xe lướt nhập khẩu về, còn lại các xe cũ mua đi bán lại.


Xe sang cũ trong một showroom ở đường Lê Văn Lương

Xe sang cũ trong một showroom ở đường Lê Văn Lương

Xe mới khó hạ giá hơn, xe cũ vẫn phù hợp túi tiền nhiều người

Theo giới buôn xe cũ, kiểu mua đi bán lại, họ không lo lắm về sự thay đổi của các chính sách thuế, phí. “Năm 2018, dù thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN về Việt Nam giảm về còn 0% nhưng giá xe mới cũng không thể rẻ hơn nhiều vì phí trước bạ vẫn cao. Do đó, buôn xe cũ cũng có lợi thế vì không ảnh hưởng đến phí trước bạ, chỉ cần điều chỉnh giá lên xuống cho hợp lý với biến động của giá xe mới” – Anh Tùng, đại diện chia sẻ thêm.

Thị trường ô tô từ nay đến năm 2018 sẽ còn có nhiều biến động khi giá nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN vào Việt Nam giảm xuống còn 0% khiến cho việc cạnh tranh giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu ngày càng gay gắt. Điều này sẽ càng khiến thị trường ô tô tiếp tục có nhiều biến động và việc các hãng thay đổi giá xe để phù hợp với nhu cầu của khách hàng sẽ diễn ra thường xuyên hơn.

Trong khi đó, Nghị định 140/2016/NĐ-CP ban hành ngày 10/10/2016, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 với việc sửa đổi quy định cập nhật bảng giá tính lệ phí trước bạ tính đến thời điểm này đã bộc lộ một số hạn chế.

Theo anh Như Phương, một người am hiểu thị trường ô tô Việt Nam cho rằng, cơ quan thuế chỉ cập nhật giá tính lệ phí trước bạ nếu giá xe thay đổi từ 20% trở lên so với giá trong bảng giá hiện hành. Điều này có nghĩa là nếu hiện tại một xe tầm trung có giá 700 triệu đồng giảm 19% giá xuống còn 567 triệu đồng thì khách hàng vẫn phải nộp lệ phí trước bạ theo giá 700 triệu đồng do mức giảm chưa đủ 20%. Như vậy, nếu mức lệ phí là 12% thì thay vì nộp 68 triệu đồng (12%x567 triệu) thì khách hàng vẫn phải nộp 84 triệu đồng (12%x700 triệu) tiền lệ phí trước bạ, chịu thiệt đến 16 triệu đồng.

Cơ sở của việc lấy con số 20% cũng chưa được các cơ quan làm chính sách giải thích rõ. Tuy nhiên, xét theo đặc thù của ngành ôtô, để tăng cường cạnh tranh, các hãng xe sẽ phải thường xuyên thay đổi thông số kỹ thuật và giá xe để phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Mức thay đổi 20% là rất lớn và hiếm khi xảy ra, đặc biệt là đối với các xe tầm trung và xe hạng sang. Nếu có xảy ra thì cũng chỉ có thể vào thời điểm kết thúc vòng đời sản phẩm và cho ra đời mẫu xe mới.

Ví dụ như mẫu xe Vios hay Innova của Toyota, trung bình phải 4 đến 5 năm mới ra xe mới và thay đổi giá lớn một lần. Vậy theo quy định này, nếu trong 4 hay 5 năm mà 2 mẫu xe này có chiến dịch giảm giá, hay thậm chí tăng giá mà chưa đến 20% thì mức giá tính lệ phí trước bạ vẫn không thay đổi.

Vấn đề này lại được dịp nóng lại theo chiến dịch giảm giá trong thời gian này của các hãng xe. Nhiều khách hàng đã phản ứng rất mạnh khi cơ quan thuế đưa ra mức áp lệ phí trước bạ cao hơn rất nhiều so với giá mua thực tế. Do không hiểu chính sách, khách hàng quay lại khiếu nại, phàn nàn với doanh nghiệp và doanh nghiệp lại phải kiêm thêm nhiệm vụ giải thích chính sách cho khách hàng của mình.

Theo Tuấn Nguyễn
Tiền Phong