Ngân sách chi hơn 600 tỷ đồng mua xe công trong năm 2015
(Dân trí) - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong năm 2015, ngân sách đã chi mua mới 611 xe ô tô với tổng nguyên giá 603 tỷ đồng, trong đó, khối trung ương mua sắm 69 xe, khối địa phương mua sắm 542 xe. Tính bình quân, mỗi xe công nguyên giá gần 1 tỷ đồng.
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên làm việc ngày 15/6 về tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2015 đã thực hiện mua mới 611 xe ô tô với tổng nguyên giá 603 tỷ đồng (nguyên giá bình quân khoảng 987 triệu đồng/xe).
Trong số này, khối trung ương mua sắm 69 xe; khối địa phương mua sắm 542 xe. Số lượng xe ô tô mua mới chủ yếu là để trang bị cho các cơ quan, đơn vị mới thành lập chưa có xe ô tô và thay thế số xe ô tô chuyên dùng đã hết thời hạn sử dụng.
Ngoài ra, danh mục mua sắm còn có 775 tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản với tổng nguyên giá 1.962 tỷ đồng (khối trung ương mua sắm 388 tài sản; khối địa phương mua sắm 387 tài sản).
"Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát, sắp xếp, điều chuyển phương tiện, thiết bị làm việc từ nơi thừa sang nơi thiếu, những nơi sử dụng kém hiệu quả sang nơi sử dụng có hiệu quả hơn, nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí và tiết kiệm chi phí mua sắm mới trong điều kiện ngân sách còn khó khăn", Bộ trưởng báo cáo.
Cụ thể, năm 2015 đã điều chuyển 304 xe ô tô với tổng nguyên giá 197 tỷ đồng; điều chuyển 157 tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên với tổng nguyên giá 346 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, năm vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công liên quan đến mua sắm tài sản nhà nước (nhất là mua sắm xe ô tô công).
Theo đó, các đơn vị chỉ thực hiện mua sắm đối với xe ô tô chuyên dùng trong định mức được duyệt; không thực hiện mua xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung (trừ mua xe cho đơn vị mới thành lập và do các nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe phục vụ công tác); tổ chức thực hiện thí điểm việc mua sắm hàng hóa được tập trung...
"Các cấp, các ngành đã chủ động tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; cắt giảm tối đa các khoản chi tổ chức lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ khởi công, khánh thành, công tác phí trong nước, chi phí công tác ngoài nước và các khoản chi tiêu khác chưa thực sự cần thiết; sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, trong năm 2015 các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tiết kiệm được 37.925 tỷ đồng, tăng 21.542 tỷ đồng (tăng 231% so với năm 2014), gồm: tiết kiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước là 9.292 tỷ đồng, tăng 788 tỷ đồng (tăng 110% so với năm 2014); tiết kiệm trong đầu tư xây dựng là 28.633 tỷ đồng (tăng 360% so với năm 2014).
Trong đó, có một số Bộ, địa phương có kết quả tiết kiệm cao như: Bộ Giao thông Vận tải 23.932 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng 1.519 tỷ đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường 600 tỷ đồng, Hà Nội 1.624 tỷ đồng; Đà Nẵng 570 tỷ đồng; Bình Dương 550 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, công tác kiểm soát chi của hệ thống Kho bạc Nhà nước năm vừa qua được tăng cường, đảm bảo các khoản chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định.
Cụ thể, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi ước đạt 776.000 tỷ đồng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, phát hiện trên 32.000 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, đã từ chối thanh toán 29 tỷ đồng; đồng thời qua công tác kiểm soát thanh toán vốn đầu tư đã từ chối thanh toán 115 tỷ đồng do chủ đầu tư đề nghị thanh toán chưa đúng quy định.
Bích Diệp