Ở nhà triệu đô hành nghề đồng nát
Họ đang sử dụng những căn biệt thự tương đương cả triệu USD. Nghề nghiệp chính là thu gom và mua bán đống nát, nơi ở cũng chính là điểm giao dịch, nhà kho và chỗ ở của nhân viên.
Biệt thự đồng nát
Những ngôi biệt thự bỏ hoang là thiên đường của dân thu gom và buôn đồng nát. Họ chọn đây là nơi chứa đồ cũng như tá túc qua ngày, chỉ vài người là thuê chủ nhà, còn lại là đều đổ bộ không xin phép.
Lý do dân đồng nát lại thích các khu đô thị mới, là do công trường xây dựng nhiều vật liệu bỏ loại cũng như tình trạng nhiều công nhân ăn trộm sắt thép, xăng dầu đem bán.
Bà Hòa kể: “Nghe nói, chủ nhà này làm to lắm có vài cái nhà, có khi họ chẳng bao giờ quan tâm tới. Đấy cái nhà bên cạnh của một bác ở quận Hai Bà Trưng, họ cũng chỉ biết có nhà ở đây chưa bao giờ xuống. Đúng là lãng phí thật.”
Anh Hải, một lao động cho biết: “Trông thế thôi họ cũng kiếm tiền triệu đấy”. Không phải ngẫu nhiên mà dân đồng nát họ lại thích các công trường xây dựng, người bán sẽ có người mua.
Những căn liền kề ở Văn Quán cũng được một số hàng thu mua phế liệu chọn làm đại bản doanh. Chủ một hàng đồng nát cho hay, những ngôi nhà tiền tỷ bỏ hoang lãng phí nên họ thuê lại để làm hàng. Khu vực này cũng ít người ở nên có thể tận dụng được cả những ngôi nhà bên cạnh.
Biệt thự bốn không
Đang thi công công trình xây dựng tại khu đô thị mới Văn Khê, anh Trí và nhóm công nhân xây dựng quê Ý Yên, Nam Định chọn một ngôi biệt thự ba tầng cách đó không xa làm nơi trú ngụ. Cuộc sống trong ngôi nhà không điện, không nước, không nhà vệ sinh, không đồ đạc tuy có khó khăn, chật vật nhưng đã giúp cho những người lao động nghèo như anh Trí đỡ một khoản lớn tiền nhà.
Cách đây hơn một năm nhóm anh nhận được công việc xây dựng ở khu Văn Khê, thấy những ngôi nhà bỏ không, cỏ mọc um tùm, mấy anh liền dọn tới để ở tạm. Anh Trí chia sẻ, nhìn những ngôi nhà có giá trị hàng chục tỷ đồng bỏ không những người xây dựng như chúng tôi cảm thấy xót lòng.
Trước khi vào đây sinh sống, nhóm công nhân cùng anh Trí đã phải mất một ngày dọn dẹp cỏ rác và phế liệu xung quanh nhà. Ngôi nhà ba tầng trống không, chưa kịp trát đã mốc rêu theo năm tháng. Nhà không có cửa, mua đông gió thổi vào tận trong nhà, họ phải lấy phên, gỗ, vải bạt che chắn, bộc lại tạm bợ.
Chị Hải, phụ hồ kiêm cấp dưỡng phục vụ cơm nước cho anh em công nhân, vui vẻ nói: “Nói những căn nhà này tiền tỷ lúc đầu tôi cũng sững sờ cả người. Đúng là phí thật. Mình cũng may mới có cơ hội sống trong những ngôi nhà này”. Trong số công nhân, chị Hải cùng mấy chị em được ưu ái hơn cả ở trên tầng ba. Chị theo chồng lên Hà Nội làm được gần sáu năm nay.
“Ở kiểu này cũng bất tiện nhưng có chỗ chui ra chui vào là tốt lắm rồi. Ở ngay bên công trình xây dựng thì cứ phải đổi chỗ liên tục. Biết là vào ở như vậy là bất hợp pháp nhưng có hơi người nhà cũng sạch sẽ hơn. Một số nơi chủ họ biết cũng tới nhắc nhở, còn có nhà chủ chẳng tới bao giờ nên không biết chúng tôi ở đây”, chị Hải nói.
Theo chia sẻ của chị Hải, sống trong những ngôi nhà bỏ hoang sợ nhất là chuột quậy phá, thỉnh thoảng cũng có vài người lạ ngòm ngó nhưng không có đồ đạc gì họ cũng bỏ đi. Thỉnh thoảng cũng có bảo vệ khu đô thị đi qua nhắc nhở, nhưng họ cũng quen rồi.
Nhiều khu đô thị mới như Văn Quán, Xa La, Văn Khê,... đang tồn tại hàng trăm căn biệt thự tiền tỷ bị bỏ hoang một cách lãng phí, nhưng dù sao với những người công nhân nào chúng vẫn còn giá trị là nơi tạm trú qua ngày.
Theo Duy Anh
VEF