Núi Pháo bắt tay "ông lớn" tinh chế Vonfram thành lập liên doanh
(Dân trí) - Ngoài việc thụ hưởng được công nghệ tối ưu, H.C.Starck còn cam kết mua lại phần lớn sản phẩm Vonfram từ liên doanh trong vòng 10 năm với số tiền vượt hơn 1 tỷ USD, giúp Núi Pháo giải quyết đầu ra và thông qua đó, giảm thiểu rủi ro của liên doanh
Thông tin từ Tập đoàn Ma San (Masan Group - mã chứng khoán MSN) ngày 29/7 cho biết, Tập đoàn H.C.Starck, nhà sản xuất các kim loại công nghệ cao hàng đầu và một trong những công ty lớn nhất thế giới trong ngành công nghiệp sản xuất vonfram và Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (công ty của con của Masan Group) đã ký kết thoả thuận chính thức để thành lập Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo – H.C.Starck.
Theo đó, tại công ty liên doanh mới, Núi Pháo và H.C.Starck sẽ sở hữu lần lượt là 51% và 49% phần vốn nhằm thực hiện việc tinh luyện quặng vonfram được khai thác và chế biến sâu tại mỏ Núi Pháo thành các sản phẩm vonfram có giá trị cao hơn.
Được biết, sau khi qua quá trình tuyển quặng và chế biến sâu tại nhà máy hiện hữu đang hoạt động ở Núi Pháo, sản phẩm ra lò là quặng vonfram có hàm lượng 65% so với 0,21% hàm lượng vonfram khi mới được khai thác. Sản phẩm với 65% hàm lượng vonfram này sẽ trở thành đầu vào của nhà máy do liên doanh H.C. Starck – Núi Pháo đầu tư xây dựng và đầu ra của nhà máy liên doanh sẽ là các hợp chất vonfram tinh khiết có giá trị gia tăng cao hơn.
Trong khi đó, mức chuẩn ngạch xuất khẩu cho Vonfram theo thông tư quy định về xuất khẩu khoáng sản số 41/2012/TT-BCT được Nhà nước đặt ở hàm lượng 55%.
Masan Group khẳng định, công ty liên doanh này có khả năng tinh luyện lên đến 10.000 tấn tinh quặng vonfram mỗi năm. H.C.Starck sẽ vận hành liên doanh này và cam kết mua lại phần lớn sản lượng để sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đồng thời, hỗ trợ chào bán phần sản lượng còn lại ra thị trường cho công ty liên doanh.
Hiện tại, trên thị trường, H.C.Starck đang dẫn đầu về kim loại kỹ thuật cao và các sản phẩm tantali. Đồng thời, tập đoàn này cũng giữ thị phần lớn trong thị trường molypđen, niobi, và rheni, vốn đều đỏi hỏi công nghệ tiên tiến và trình độ kĩ thuật cao để chế biến.
Còn Núi Pháo với vai trò đối tác cung cấp nguyên liệu cho công ty liên doanh, đã phát triển một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc với vòng đời dự kiến hơn 15 năm. Việc xây dựng nhà máy hiện đang được tiến hành, trong tương lai đây sẽ là một phần của nhà máy thuộc công ty liên doanh.
Theo kế hoạch, vào tháng tới, giai đoạn đầu tiên của nhà máy chế biến vonfram sẽ bắt đầu đi vào hoạt động và các giai đoạn tiếp theo dự kiến hoàn thành vào năm 2014.
Trữ lượng của Núi Pháo cho phép duy trì khai thác trong khoảng hơn 15 năm với sản lượng hàng năm khoảng gần 7% tổng sản lượng Vonfram toàn cầu. Đây sẽ là nguồn cung dài hạn và bền vững cho H.C. Starck, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc, quốc gia chiếm khoảng 85% trữ lượng Vonfram thế giới đang ngày càng thắt chặt xuất khẩu loại khoáng sản quý hiếm này.
Song song với đó, qua thoả thuận này, ngoài việc thụ hưởng được công nghệ tối ưu, H.C. Starck còn cam kết mua lại phần lớn sản phẩm Vonfram từ liên doanh trong vòng 10 năm với số tiền vượt hơn 1 tỷ USD, giúp Núi Pháo giải quyết được vấn đề cơ bản là tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm và thông qua đó, giảm thiểu rủi ro của liên doanh
Mai Chi