Nửa ngày, mỗi lượng vàng "đánh rơi" nửa triệu đồng

An Chi

(Dân trí) - Nửa ngày, giá vàng miếng SJC giảm 400.000 đồng/lượng chiều thu mua và 500.000 đồng/lượng chiều bán ra. Còn so với phiên 12/3, giá đã tụt 700.000 - 800.000 đồng/lượng.

Lúc 17h hôm nay (14/3), vàng SJC được niêm yết tại 67,3 - 69,02 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều mua và giảm 500.000 đồng ở chiều bán so với lúc 8h40. Còn so sánh với phiên giao dịch hôm qua (13/3), chiều mua giảm 700.000 đồng/lượng, chiều bán giảm 800.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua bán vẫn cao, lên tới 1,72 triệu đồng/lượng.

Đầu ngày, doanh nghiệp lớn ở Hà Nội niêm yết vàng miếng SJC tại 67,7 - 69,52 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều mua và bán so với phiên ngày hôm qua (13/3). Tại TPHCM, giá thu mua tương đương Hà Nội nhưng chiều bán ra là 69,5 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều mua và bán. Chênh lệch mua bán vẫn cao, dao động từ 1,8 đến 1,82 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới lúc 7h15 sáng nay (14/3), giá vàng giao ngay trên Kitco giảm 21 USD còn 1.970 USD/ounce, tương đương 54,39 triệu đồng/lượng. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 15,43 triệu đồng/lượng. 

Sau chuỗi ngày tăng giá sốc, thị trường vàng bắt đầu hạ nhiệt và bước vào kỳ điều chỉnh. Cụ thể, thứ 3 (8/3) tuần trước, giá kim loại quý giao dịch tại 2.078 USD/ounce chỉ kém mức cao nhất thời đại (2.088 USD) khoảng 10 USD. Tuy nhiên, thời gian thăng hoa của vàng không diễn ra lâu vì mức giá trên nhanh chóng giảm về ngưỡng 1.900 USD/ounce.

Nửa ngày, mỗi lượng vàng đánh rơi nửa triệu đồng  - 1

Diễn biến giá vàng trong tuần trước từ ngày 7/2 - 13/3 (Biểu đồ: An Chi).

Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá vàng vượt mốc 2.000 USD/ounce là cuộc chiến ở Ukraine không hạ nhiệt. Do đó, giới đầu tư ra sức tích trữ vàng để làm kênh trú ẩn  khi các lệnh cấm vận mà Mỹ, Phương Tây áp lên Nga ngày càng nhiều.

Nhà phân tích Daniel Briesemann từ hãng Commezbank thông tin, từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ, các quỹ ETF vàng đã chứng kiến lượng lớn tiền đổ vào.

Theo nguồn tin Bloomberg, dòng tiền đổ vào các quỹ vàng ETF tương đương 14 tấn vàng, còn tính từ khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ tương đương 55 tấn vàng vào đầu tuần trước.

Nửa ngày, mỗi lượng vàng đánh rơi nửa triệu đồng  - 2

Sau chuỗi ngày tăng giá sốc, thị trường vàng bắt đầu hạ nhiệt và bước vào kỳ điều chỉnh (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ông Bart Melek tại TD Securities cho rằng, các lệnh trừng phạt mà Mỹ, phương Tây nhằm vào Nga khiến thị trường tài chính toàn cầu rung lắc, trong đó có vàng.

"Thông thường, giá vàng sẽ được điều chỉnh ngay khi tình hình địa chính trị hạ nhiệt. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, điều này khó có thể xảy ra vì thị trường sẽ đối mặt thử thách tiếp theo là lạm phát", ông Bart Melek nói.

Thứ 5 tuần trước, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2022 từ mức 4,2% trước đó xuống còn 3,7% do lo ngại nền kinh tế bị ảnh hưởng từ cuộc chiến giữa Nga - Ukraine. Còn tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 cao hơn 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là mức giá tăng mạnh trong vòng 40 năm.

Mới đây, báo cáo từ Đại học Michigan (Mỹ) cũng chỉ ra, người tiêu dùng dự báo lạm phát sẽ tăng 5,4% trong vòng một năm tới, cao hơn rất nhiều so với dự báo trước đó là 4,9%. Giới phân tích nhận định, giá vàng có thể hướng tới đích mới là 3.000 USD/ounce trong thời gian tới nếu lạm phát gia tăng và chiến sự ở Ukraine còn dai dẳng.