Nửa đầu tháng 3, xuất khẩu vẫn thu về hơn 11 tỷ USD bất chấp Covid-19

(Dân trí) - Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nửa đầu tháng 3 vẫn tăng, bất chấp đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu 15 ngày của tháng 3 đạt hơn 11,1 tỷ USD, tăng hơn 1,5 tỷ USD so với cùng kỳ tháng 2/2020 và tăng hơn 1,1 tỷ USD so với thời điểm chưa bùng phát dịch 15 ngày đầu tháng 12/2019.

Nửa đầu tháng 3, xuất khẩu vẫn thu về hơn 11 tỷ USD bất chấp Covid-19 - 1

15 ngày đầu tháng 3, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt trên 11 tỷ USD, tiếp tục tăng so với các tháng trước đó.

Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 3 ước đạt hơn 7,6 tỷ USD, tăng hơn 900 triệu USD so với cùng kỳ tháng 2; tăng hơn 1,2 tỷ USD so với thời điểm chưa bùng phát dịch Covid-19 (15 ngày đầu tháng 12/2019).

Số liệu trên cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp ngoại dường như chưa chịu tác động tức thời bởi dịch bệnh. Kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng do các đơn hàng được ký trước đó từ 2-3 tháng hoặc theo quý hoặc năm kế hoạch.

Trong các hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu lớn trị giá tỷ USD trong 15 ngày đầu tháng 3 có dệt may với 1,18 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 1,5 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện 2,7 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng trên 1 tỷ USD trong 75 ngày qua có hàng thủy sản (1,2 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (2 tỷ USD), hàng dệt may (5,8 tỷ USD), giày dép các loại (3,4 tỷ USD), máy vi tính, điện tử và linh kiện (7 tỷ USD), điện thoại linh kiện (10,2 tỷ USD), máy móc, thiết bị, phụ tùng (3,9 tỷ USD) và phương tiện vận tải, phụ tùng ô tô (1,7 tỷ USD).

Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam dễ bị tác động bởi dịch bệnh nhất là hàng thủy sản, rau quả, gạo, dệt may, da giày và có cả điện thoại, linh kiện điện thoại... Tuy nhiên, đến giờ phút này các mặt hàng này chưa có dấu hiệu suy giảm về giá trị.

Theo Tổng cục Hải quan, các mặt hàng của doanh nghiệp FDI có chuỗi sản phẩm chuyên môn hóa cao, nên quy trình xuất nhập khẩu sẽ hạn chế tác động của kiểm tra hải quan. Các sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật sẽ ảnh hưởng rất lớn bởi chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh, phòng dịch bệnh.

Mặc dù lo ngại về dịch bệnh gia tăng song điều đáng mừng là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng, đặc biệt là hàng như nông sản: gạo, rau củ vẫn tăng cả về giá lẫn lượng. Điều này là đáng mừng cho doanh nghiệp, trong bối cảnh có rất nhiều doanh nghiệp đang khó khăn, phá sản cao.

Trước đó như Dân Trí đưa tin, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm của Việt Nam đạt hơn 39 tỷ USD, tăng hơn 2,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, nền kinh tế ghi nhận xuất siêu 1,8 tỷ USD..

Đáng mừng là kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng qua từ các thị trường chính của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ đều tăng về trị giá. Riêng thị trường Mỹ, việt Nam xuất hơn 10,2 tỷ USD, tăng 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Hiện, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao về thương mại xuất nhập khẩu, chính vì vậy, tác động lan tỏa và lâu dài của nền kinh tế có thể sẽ rất lớn. Về nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu, Trung Quốc đã thành công khi dịch Covid-19 của nước này được khống chế và giảm dần, các nhà máy, doanh nghiệp hoạt động trở lại, cung ứng nguyên liệu cho các nước đối tác.

Trong khi đó, rủi ro vẫn rất lớn đối với hàng Việt Nam khi EU và Mỹ - (hai thị trường xuất khẩu của lực của Việt Nam) đang bùng phát dịch, EU đóng cửa biên giới và có thể hàng hóa nhập vào nước này sẽ bị kiểm soát rất chặt chẽ, rủi ro rất lớn đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Trong khi Mỹ hiện 50 bang của nước này đã có bệnh nhân nhiễm virus corona và nước này ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

An Linh