Xuất nhập khẩu mang về tin vui cho Việt Nam giữa dịch Covid-19

(Dân trí) - Kim ngạch xuất và nhập khẩu của Việt Nam 2 tháng qua vẫn tăng bất chấp rủi ro của dịch Covid-19 mang lại. Việt Nam đang xuất siêu 1,8 tỷ USD, cao hơn 1,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Hải quan giá trị hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam 2 tháng qua tăng so với cùng kỳ năm trước.

Xuất nhập khẩu mang về tin vui cho Việt Nam giữa dịch Covid-19 - 1

Xuất nhập khẩu tăng trưởng, thông tin lạc quan giữa điểm thời dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp

Cụ thể, về kim ngạch xuất khẩu 2 tháng qua đạt 39 tỷ USD, tăng 2,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nền kinh tế đạt ngưỡng xuất siêu 1,8 tỷ USD.

Riêng trong tháng 2, xuất khẩu cũng tăng hơn so với tháng 1, đạt 20,8 tỷ USD, tăng 2,6 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu lại giảm nhẹ 200 triệu USD, đạt 18,5 tỷ USD.

So với kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng năm 2019, kim ngạch xuất, nhập khẩu 2 tháng qua đã tăng từ 5-6 tỷ USD.

Về các thị trường, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, hoạt động xuất nhập khẩu với 3 nước có dịch bệnh Covid-19 là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản - vẫn khá ổn định, biến động không đáng kể.

Về nhập khẩu, với thị trường Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu đạt 9,3 tỷ USD, giảm 600 triệu USD; hàng nhập từ Hàn Quốc đạt 7,8 tỷ USD, tăng 500 triệu USD; hàng từ Nhật đạt 3 tỷ USD, tăng 300 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Về xuất khẩu, 2 tháng qua, hàng Việt xuất sang Trung Quốc đạt 5,4 tỷ USD, tăng 800 triệu USD; xuất sang Nhật đạt 3,1 tỷ USD, tăng 200 triệu USD; xuất sang Hàn Quốc đạt 2,9 tỷ USD, giảm nhẹ 30 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu hàng Việt sang Mỹ 2 tháng qua không chịu tác động lớn, ước đạt 10,2 tỷ USD, tăng hơn 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu hàng Việt 2 tháng qua có gia tăng bất chấp dịch Covid-19 nhưng đây mới chỉ là giai đoạn ngắn, chưa đánh giá được đầy đủ các thiệt hại về dài hạn do dịch bệnh mang lại.

Đáng nói, tỷ lệ các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ lẻ sống nhờ vào chuỗi cung ứng, dịch vụ bán hàng... đang đối diện với rất nhiều khó khăn do doanh số giảm nghiêm trọng.

Theo thống kê của Cục Thuế Hà Nôi, hiện 3/4 các hộ kinh doanh tại Hà Nội không phát sinh hóa đơn hàng hóa trong tháng 2, điều này cho thấy sự khó khăn lớn đối với doanh nghiệp nhỏ, lẻ, hộ kinh doanh, đối tượng chịu tác động ngay lập tức của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc một số ngành, lĩnh vực nguồn cung suy giảm mạnh như ô tô, linh kiện nhập về giảm 10,7% cho thấy áp lực rất lớn từ cả phía cầu (thị trường xe lao dốc) và từ phía cung (linh kiện khó nhập, đắt đỏ...).

Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp, hộ chịu tác động cần được Nhà nước, quan tâm, tạo điều kiện về vốn, đơn hàng để vượt qua khó khăn trước mắt.

An Linh