1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nữ Thống đốc đầu tiên và những quyết sách ngay đầu năm mới

(Dân trí) - Tiếp quản "ghế nóng", bà Nguyễn Thị Hồng - nữ Thống đốc đầu tiên của Việt Nam đã có những quyết sách quan trọng ngay từ đầu năm mới 2021.

Sáng ngày 12/11/2020, Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn bổ nhiệm tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hồng giữ chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 đã nhận được 467 phiếu đồng ý phê chuẩn (chiếm 97,08% tổng số phiếu đại biểu ). Bà Nguyễn Thị Hồng trở thành nữ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đầu tiên và Thống đốc thứ 15 của ngành ngân hàng Việt Nam.

Ngay sau khi tiếp quản "ghế nóng" Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng đã có những quyết sách quan trọng.

Nữ Thống đốc đầu tiên và những quyết sách ngay đầu năm mới - 1

Bà Nguyễn Thị Hồng - nữ Thống đốc đầu tiên của Việt Nam nhận quyết định từ Thủ tướng

Một quyết định quan trọng đó là việc Ngân hàng Nhà nước vừa có thông báo tới các tổ chức tín dụng về việc điều chỉnh phương án mua ngoại tệ. Từ ngày 31/12/2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ ngừng niêm yết tỷ giá giao ngay và ngừng mua ngoại tệ giao ngay. Trước đó, mức giá mua giao ngay được áp dụng ở 23.125 VND, sau lần điều chỉnh hồi cuối tháng 11 vừa qua.

Cùng đó, từ ngày 4/1/2021, Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang với tỷ giá mua kỳ hạn là 23.125 VND/USD. Mỗi tổ chức tín dụng chỉ được hủy ngang 1 lần và toàn bộ giá trị giao dịch đối với mỗi bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước theo phương án này.

Đối tượng Ngân hàng Nhà nước mua kỳ hạn là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trạng thái ngoại tệ dương và có nhu cầu bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước; mức ngoại tệ mua tối đa cho mỗi tổ chức tín dụng mỗi lần tương dương mức để đưa trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng đó về cân bằng.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, động thái này của Ngân hàng Nhà nước cực kỳ "khôn ngoan" đối với thị trường ngoại tệ, nhất là trong bối cảnh Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ. Cùng với đó, động thái này cũng nhằm rải nguồn VND mua ngoại tệ đối ứng ra thị trường thay vì dồn cung VND tại một thời điểm nếu thực hiện mua giao ngay.

Trước đó, tiếp thu ý kiến của Thủ tướng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định sẽ tập trung nỗ lực thực hiện, vượt qua khó khăn thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Trong năm 2021, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị toàn ngành quán triệt chủ trương định hướng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả để hỗ trợ quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân với lãi suất hợp lý.

Tại báo cáo sơ lược về triển vọng vĩ mô và thị trường Việt Nam năm 2021 vừa công bố, nhóm nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI đánh giá cao vai trò của Ngân hàng Nhà nước cũng như chính sách tiền tệ trong tăng trưởng kinh tế năm 2021. Qua đó dự báo: "Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương khác cũng thực hiện chiến lược tương tự và đồng USD có thể tiếp tục giảm giá", nhóm nghiên cứu tại SSI dự báo.

Song, chính sách ngoại hối vào năm 2021 có thể thay đổi sau khi Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ. Đây có thể là yếu tố xúc tác chính để Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh "không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng" vào định hướng chính sách.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng lập trường nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục trong năm 2021 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn kéo dài do đại dịch. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lên 12% đến 13% cùng với sự cải thiện của niềm tin kinh doanh và các hoạt động kinh tế.

"Việt Nam trở thành điểm sáng khi đã kiểm soát dịch bệnh vô cùng hiệu quả và thành công. Việc Chính phủ có thể tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ và giữ tỷ giá ở mức ổn định sẽ là động lực chính đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Từ đó chúng tôi đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP 2021 ở mức 7%/năm.

Xét về yếu tố dòng tiền, chúng tôi kỳ vọng dòng tiền sẽ tiếp tục chảy vào kênh đầu tư chứng khoán khi mặt bằng lãi suất vẫn đang được duy trì ở mức thấp, từ đó thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước", báo cáo Chiến lược đầu tư năm 2021 - thời cơ trỗi dậy của Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm