"Nữ hoàng hột vịt" chia tay "cá mập" VinaCapital; bất ngờ “mối duyên tỷ đô” THACO-HAGL
(Dân trí) - Tuần qua, sự việc của “nữ hoàng hột vịt” đã tốn không ít giấy mực của báo chí và sự quan tâm của dư luận về những li kì xung quanh nó. Bên cạnh đó, “mối nhân duyên tỷ đô” của 2 đại gia Việt cũng khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
"Nữ hoàng hột vịt" lo mất thương hiệu gây dựng 50 năm
Trong tuần qua, sự kiện kinh tế đáng chú ý nhất là vụ Công ty CP Ba Huân do bà Phạm Thị Huân - người được mệnh danh là “nữ hoàng hột vịt” làm Giám đốc có văn bản gửi Thủ tướng nhờ can thiệp hủy thỏa thuận hợp tác 32,5 triệu USD với VinaCapital.
Theo văn bản đó, đầu năm 2018, Ba Huân nhận được đề nghị cùng hợp tác đầu tư từ tổ chức tài chính VinCapital. Mặc dù thỏa thuận hợp tác quy định sử dụng hai ngôn ngữ Anh-Việt nhưng hai bên mới chỉ ký bản tiếng Anh.
Tuy nhiên, theo Ba Huân, sau khi đối chiếu các văn bản thỏa thuận bằng tiếng Việt, có nội dung không đúng hoặc không như trao đổi ban đầu giữa hai bên.
Cụ thể, theo Công ty Ba Huân, trong bản tiếng Anh, VinaCapital tự động đưa tỉ suất hoàn vốn đầu tư (IRR) của mình quá cao là 22%/năm, gần gấp ba lần lãi suất vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, VinaCapital hạn chế ngành nghề kinh doanh của Ba Huân chỉ gồm sản xuất, kinh doanh gà thịt và trứng gà, loại bỏ toàn bộ các ngành nghề kinh doanh khác của Ba Huân.
Thậm chí, Ba Huân sẽ còn bị phạt hoặc buộc trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22%/năm, hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) số cổ phần tối thiểu 51% tổng số cổ phần của Ba Huân.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những điều kiện, yêu cầu của VinaCapital là rất bình thường, phù hợp với thông lệ hoạt động đầu tư của các quỹ tài chính nhằm đảm bảo sự an toàn của vốn đầu tư. Việc Công ty Ba Huân hủy bỏ hợp đồng sẽ gây bất lợi cho chính công ty này về sau, khi công ty này tiếp tục huy động tài chính từ các quỹ.
Nhận “hung tin” từ Đà Nẵng, cổ phiếu nhà Cường đô la rớt giá thảm
Phiên giao dịch ngày 6/8, mặc dù được khớp hơn 1,5 triệu cổ phiếu trong phiên song QCG vẫn giảm kịch sàn xuống 8.560 đồng/cổ phiếu. Cuối phiên ở mã này không hề có dư mua trong khi vẫn còn dư bán sàn.
Cổ phiếu QCG liên tục giảm giá
Cổ phiếu QCG diễn biến bất lợi ngay sau thông tin UBND thành phố Đà Nẵng có công văn yêu cầu tạm ngừng cấp phép xây dựng và chuyển nhượng bất động sản Tổ hợp Khu dân cư Thương mại – Dịch vụ đường 2 tháng 9, quận Hải Châu.
Dự án này mặc dù được Sở Xây dựng TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật ngày 30/3/2016 và Sở Công Thương của địa phương này thẩm định thiết kế bản vẽ thi công ngày 14/10/2016 nhưng hiện Công ty CP Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa đầu tư hệ thống cung cấp điện cho dự án.
Bầu Đức và tỷ phú đô la kể lại nhân duyên cuộc “hôn nhân tỷ đô”
Nói với truyền thông về lý do chọn ông Trần Bá Dương làm người “cứu” mình, ông Đức rất thẳng thắn, bởi ông Trần Bá Dương có “tiền tươi” (chứ không phải tiền vay ngân hàng) và có kinh nghiệm quản lý sản xuất quy mô lớn – đây là những yếu tố tiên quyết mà HAGL cần.
Về nhân duyên của thoả thuận này, ông Trần Bá Dương chia sẻ, đó là đầu năm 2018, ông Đoàn Nguyên Đức đã gặp và nhờ giúp đỡ giải quyết những khó khăn mà ông Đức đang gặp phải là: thiếu vốn để gia tăng diện tích cây ăn trái và thanh toán các khoản nợ đến hạn.
2 đại gia: Trần Bá Dương và Đoàn Nguyên Đức đã có cú bắt tay trị giá "tỷ đô"
Ông Đức đồng thời cũng mời gọi ông Dương đầu tư cùng vực dậy Công ty HAGL trong lĩnh vực nông nghiệp và hoàn thành dự án bất động sản tại Myanmar.
“Do điều kiện khách quan, HAGL đã lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn. Là một doanh nhân nên tôi hiểu việc đối mặt với những rủi ro trong kinh doanh do biến động khôn lường của nền kinh tế thị trường là điều khó tránh khỏi”, ông Dương nói.
Trước khi diễn ra thương vụ mua trái phiếu chuyển đổi của HNG này, từ tháng 3/2018, ông Trần Bá Dương đã ứng cho HNG các khoản tiền để phát triển thêm diện tích trồng cây ăn trái và thanh toán nợ đến hạn khoảng 1.577 tỷ đồng.
Đến nay, Thaco đã chính thức bỏ ra hơn 7.800 tỷ đồng để sở hữu 35% Công ty Nông nghiệp HAGL và 51% HAGL Land. Đây chỉ là số tiền mua cổ phần để nắm quyền sở hữu.
Để HAGL phát triển tốt cho những năm sau, Thaco cam kết sẽ thu xếp để cơ cấu lại các khoản nợ vay cho HNG khoảng 14.000 tỷ đồng (số liệu do ông Đức cung cấp), và huy động vốn đầu tư vào việc chăm sóc diện tích trồng cây ăn trái đã có, phát triển mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dự án Myanmar.
CEO của VEAM bị dừng quyền điều hành
Như được dự báo từ trước, kể từ ngày 8/8, ông Trần Ngọc Hà – Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc đã bị tạm dừng nhiệm vụ điều hành với chức danh Tổng giám đốc của VEAM. Thay vào đó, ông Ngô Văn Tuyển – Thành viên HĐQT đang là Phó Tổng giám đốc được giao đảm nhiệm công việc của Tổng giám đốc VEAM theo quy định của pháp luật, Điều lệ VEAM và là Người đại diện theo pháp luật của VEAM trong thời gian đảm nhận công việc của Tổng giám đốc.
Cùng với đó, VEAM cũng công bố và ra mắt nhân sự mới Phó Tổng giám đốc Lê Đức Doanh. Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc, ông Danh làm Trưởng phòng của VEAM.
Ông Trần Ngọc Hà sau khi bị tạm dừng quyền điều hành phải tập trung vào công tác giải quyết vụ ông quyết định mua 3000 bộ linh kiện phụ tùng ô tô và vấn đề công nợ. Tuy nhiên, cũng có thông tin cho thấy, việc buộc ông Hà tạm dừng chức vụ này có những điểm bất thường như việc mua 3000 bộ linh kiện trên không phải là sai trái gì lớn và chưa gây hậu quả gì nghiêm trọng.
Thế Hưng (tổng hợp)