Nữ đại gia biến mất, khối tiền 3,5 ngàn tỷ đồng chưa biết bao giờ đòi được

Doanh nghiệp của bà Đặng Thị Hoàng Yến tiếp tục khó khăn liên quan tới đại dự án Nhiệt điện Kiên Lương và khoản tiền hàng ngàn tỷ đồng mà nữ đại gia đã đầu tư vào đây.

CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Itaco (ITA) do nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến (nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13) làm chủ tịch vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên với khá nhiều nội dung đáng chú ý.

Trong đó, một điểm mà kiểm toán đặc biệt lưu ý là về khả năng thu hồi khoản đầu tư và phải thu từ 2 công ty có liên quan với tổng trị giá hơn 3,5 ngàn tỷ đồng. Kiểm toán nghi ngờ khả năng thu hồi khoản tiền khổng lồ liên quan đến Nhiệt điện Kiên Lương.

Theo báo cáo của kiểm toán, ITA chưa đánh giá được chắc chắn khả năng thu hồi của các khoản đầu tư và khoản phải thu nói trên do việc này phụ thuộc vào khả năng tiếp tục thực hiện dự án Nhiệt điện Kiên Lương.

Cụ thể, tới ngày 30/06/2019, ITA ghi nhận khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TDEC) và CTCP Năng lượng Tân Tạo 2 (TEC 2) với giá trị lần lượt là gần 1.753 tỷ đồng và 418 tỷ đồng. Ngoài ra, ITA còn có khoản phải thu từ TEDC với số tiền gần 1.343 tỷ đồng. Như vậy, khoản đầu tư và phải thu từ 2 công ty có liên quan của ITA với tổng trị giá hơn 3,5 ngàn tỷ đồng.

Nhiệt điện Kiên Lương là một dự án lớn nằm trong sơ đồ phát triển nguồn điện của Chính phủ. Tuy nhiên, dự án này đã chân tại chỗ sau hơn 10 năm qua, gây nhiều búc xúc trong xã hội. Nó khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về năng lực tài chính của Tân Tạo. 

Nữ đại gia biến mất, khối tiền 3,5 ngàn tỷ đồng chưa biết bao giờ đòi được - 1

Bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch ITA.

Đây là một dự án lớn quy mô, vượt xa so với quy mô vốn của Itaco. Tuy nhiên, doanh nghiệp của bà Hoàng Yên đã chưa có sự chuẩn bị tốt về nguồn vốn. Doanh nghiệp này khai báo đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào dự án và “đắp chiếu” từ đó cho tới nay.

Sự đắp chiếu của dự án cũng gắn liên với sự mất tích bí ẩn của chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến trong nhiều năm qua. Bà Yến không xuất hiện trong 6 đại hội cổ đông liên tiếp của doanh nghiệp này. Sáu năm liên tục, ông Đặng Thành Tâm (nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13) thế vai người chị.

Tuy nhiên, bà Yến vẫn ký các văn bản điều hành quan trọng của ITA. Trong báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2019, bà Đặng Thị Hoàng Yến vẫn tham dự đủ cả 4 cuộc họp, tương ứng với tỷ lệ tham dự 100%.

Gần đây, giới đầu tư chứng kiến một sự rút chạy của Itaco khỏi các dự án bế tắc tại Việt Nam với hàng loạt các vụ thoái vốn/bán tài sản trong khi đẩy mạnh đầu tư vào các dự án công nghệ cao tại Mỹ.

Cụ thể, ITA thông qua kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại dự án Khu thương mại-dịch vụ-nghĩ dưỡng tại Bãi Sao - Phú Quốc, thoái toàn bộ vốn tại CTCP Sài Gòn Đà Lạt, CTCP Phim trường Vina, Dự án Đô thị Tân Tạo và bán 4,6 ha đất khu An Khang thuộc Khu đô thị Ecity Tân Đức.

Itaco tiếp tục đầu tư ủy thác khoảng 8 triệu USD vào các Dự án công nghệ cao tại Hoa Kỳ (mức vốn đăng ký khoảng 10 triệu USD).

Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 (280ha) được giao để đầu tư từ năm 2008 nhưng cho đến nay vẫn là khu đất hoang và được đưa vào diện thu hồi. Trong khi đó, ITA của bà Yến đòi bồi thường số tiền đã đầu tư ban đầu và cáo buộc dự án không được triển khai do bị đưa ra khỏi quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Không chỉ bà Đặng Thị Hoàng Yến, em trai bà Yến là ông Đặng Thành Tâm cũng gặp rất nhiều rắc rối trong hơn nửa thập kỷ qua. Trong báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012 của Ủy ban kinh tế của Quốc hội, một vấn đề được đề cập tới là mối quan hệ giữa NHTMCP với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức với một dẫn chứng tiêu biểu là trường hợp của ông Đặng Thành Tâm.

Ông Đặng Thành Tâm từng là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2007 và là chủ tịch hoặc/và cổ đông lớn tại nhiều tập đoàn như: Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), Saigontel, ITA, Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC), Navibank, Western Bank...

Ông Đặng Thành Tâm từng phải xin nghỉ họp  quốc hội với lý do sức khỏe không tốt và ước được “trở về ngày xưa”, xin “hai chữ bình yên” và sau đó đã thoái vốn khỏi Navibank (sau đổi thành Ngân hàng Quốc Dân), Western Bank (sau sáp nhập PVFC thành Pvcombank).

Thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Nhiều cổ phiếu blue-chips tăng vào buổi sáng nhưng chiều quay đầu giảm do áp lực chốt lời như: Vingroup, Masan, Vinamilk, Thế Giới Di Động…

Nhóm khu công nghiệp quay đầu tăng trở lại với các mã nổi bật như NTC, SZL, BCM, SIP, BAX…

Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/9, VN-Index giảm 1,73 điểm xuống 977,63 điểm; HNX-Index giảm 0,46 điểm xuống 100,95 điểm và Upcom-Index giảm 0,21 điểm xuống 57,1 điểm. Thanh khoản đạt 190 triệu đơn vị, trị giá 4,3 ngàn tỷ đồng.

Theo V. Hà

VietnamNet