Nữ đại gia bị cán bộ ngân hàng “cuỗm” 245 tỷ đồng tiền tiết kiệm là ai?

(Dân trí) - Bà là vợ của "vua tôm" Lê Văn Quang, từng là nữ hoàng chứng khoán đầu tiên và hiện vẫn đang sở hữu khối tài sản cổ phiếu lên tới 1.775 tỷ đồng trên cương vị Phó Tổng giám đốc Công ty Thuỷ sản Minh Phú.

Vụ nguyên Phó Giám đốc ngân hàng Eximbank chi nhánh TPHCM “ôm” 245 tỷ đồng bỏ trốn hiện đang gây rúng động dư luận. Người ta đặt câu hỏi, vị khách hàng đen đủi đó là ai mà có thể gửi ngân hàng số tiền lớn như vậy?

Theo những thông tin ban đầu, vị khách hàng VIP này là bà Chu Thị Bình, một người kinh doanh có tiếng trong lĩnh vực thuỷ sản. Từ năm 2007, bà Bình đã bắt đầu giao dịch gửi tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh TPHCM. Do bà gửi số tiền lớn nên được ngân hàng chăm sóc theo tiêu chuẩn khách VIP.

Ông Lê Nguyên Hưng, Phó Giám đốc chi nhánh này là người trực tiếp thực hiện các giao dịch với bà Bình. Bà gửi tiền tiết kiệm 12 tháng, lãi tất toán cộng tiền gốc gửi tiếp vào năm sau. Mặc dù là khách hàng thân thiết nhưng bà Bình lại kín kẽ, chỉ giao tiếp với ông Hưng vì không muốn người khác biết mình có số tiền lớn.

Vợ chồng ông Lê Văn Quang - bà Chu Thị Bình là những đại gia nổi tiếng trên thị trường chứng khoán.
Vợ chồng ông Lê Văn Quang - bà Chu Thị Bình là những đại gia nổi tiếng trên thị trường chứng khoán.

Trên thực tế, 245 tỷ đồng bị sếp ngân hàng “cuỗm” đi chỉ là một góc tài sản của nữ đại gia này. Được mệnh danh là “nữ hoàng” chứng khoán đầu tiên của Việt Nam, số tài sản của bà Chu Thị Bình từng ghi nhận hàng nghìn tỷ đồng, và từng nằm trong Top những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bà là Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Công ty Thuỷ sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC). Doanh nghiệp này được mệnh danh là “vua tôm”, là tập đoàn thuỷ sản không chỉ đứng Top trong nước mà còn thuộc diện hàng đầu thế giới, sản phẩm có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh thu trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2006, bà Chu Thị Bình chính là người phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam và xếp thứ 5 trong Top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam thời điểm bấy giờ.

Sau nhiều thăng trầm, biến động của thị trường, với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, vị trí của bà Bình trên bảng xếp hạng này đã được thay thế bởi những gương mặt nữ tỷ phú khác.

Biến động lớn nhất là khi cổ phiếu MPC bị huỷ niêm yết năm 2015. Cũng trong năm này, “ông lớn” số 1 của thuỷ sản Việt Nam trải qua một năm làm ăn tồi tệ nhất, báo lỗ hợp nhất gần 7 tỷ đồng; con số lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ trong năm 2015 chỉ có 32,4 tỷ đồng – giảm tới 96% so với năm 2014.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Minh Phú được Sở GDCK Hà Nội chấp thuận trở lại sàn, đăng ký giao dịch 70 triệu cổ phiếu trên UpCOM vẫn với mã MPC. Minh Phú cũng báo lãi lớn trong năm này khi doanh thu gần 17.000 tỷ đồng, lãi ròng 642 tỷ đồng, tăng 8 lần so với năm 2016.

Trong ngày giao dịch đầu tiên 16/10/2017, giá tham chiếu của MPC là 79.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa ngày lên sàn của Minh Phú lên đến trên 5.500 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, sau 6 phiên liên tục tăng điểm rất mạnh, MPC đang có giá 101.600 đồng/cổ phiếu.

Sau 2 năm rời sàn, hiện vốn điều lệ của Minh Phú vẫn là 700 tỷ đồng. Và cho đến thời điểm hiện tại, bà Chu Thị Bình vẫn cổ đông lớn nhất của Minh Phú. Bà hiện nắm 17.475.010 cổ phiếu MPC tương đương 25,29% vốn điều lệ công ty.

Tính theo thị giá MPC thì tài sản bà Chu Thị Bình trên sàn chứng khoán hiện đạt mức 1.775,5 tỷ đồng, dù không còn “thống trị” sàn chứng khoán như xưa nhưng cũng là một con số khiến triệu người mơ ước.

Số cổ phần MPC mà bà Bình nắm giữ thậm chí còn vượt qua cả chồng mình. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Minh Phú sở hữu 15.961.000 cổ phiếu MPC, tương ứng 23,1% vốn điều lệ, trị giá 1.621.6 tỷ đồng.

Bích Diệp

Nữ đại gia bị cán bộ ngân hàng “cuỗm” 245 tỷ đồng tiền tiết kiệm là ai? - 2