Từ vụ "bốc hơi" 245 tỷ đồng tại Eximbank: Không để "mất bò mới lo làm chuồng"

(Dân trí) - Sau vụ "bốc hơi" 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm xảy ra tại Eximbank, quyết không để xảy ra tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", nhiều ngân hàng đã có khuyến cáo hướng dẫn khách hàng cách kiểm soát tài chính thông qua các dịch vụ tiện ích, thông minh.

Việc theo dõi tài khoản ngân hàng thường xuyên sẽ giúp khách hàng an tâm và kiểm soát tốt tài chính của mình. Một số chia sẻ sau đây có thể giúp khách hàng dễ dàng sử dụng các dịch vụ, tiện ích thông minh nhằm kiểm tra tài khoản tại ngân hàng mọi lúc mọi nơi.

Hiện nay, dịch vụ tin nhắn chủ động, thông báo biến động số dư tài khoản đang được hầu hết ngân hàng triển khai. Dịch vụ này giúp khách hàng cập nhật ngay khi có thay đổi tiền vào, tiền ra của số dư tài khoản tiền gửi thanh toán hoặc chi tiêu thẻ tín dụng.

Quyết không để xảy ra tình trạng mất bò mới lo làm chuồng, nhiều ngân hàng đã có khuyến cáo hướng dẫn khách hàng cách kiểm soát tài chính thông qua các dịch vụ tiện ích, thông minh
Quyết không để xảy ra tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", nhiều ngân hàng đã có khuyến cáo hướng dẫn khách hàng cách kiểm soát tài chính thông qua các dịch vụ tiện ích, thông minh

Bên cạnh đó, sử dụng ngân hàng trực tuyến cũng là giải pháp cập nhật thông tin về tiền của khách hàng tại ngân hàng một cách nhanh chóng. Khách hàng có thể tra cứu toàn bộ giao dịch phát sinh của tất cả các tài khoản, thẻ tín dụng theo ngày hoặc theo số tiền; kiểm tra số dư qua máy tính, laptop, máy tính bảng hay điện thoại thông minh. Mọi thông tin về sổ tiết kiệm gửi trực tiếp tại quầy hay gửi online đều thể hiện rõ, giúp khách hàng dễ dàng quản lý số tiền gửi, lãi suất, kỳ hạn, ngày đến hạn của sổ.

Đơn cử, tại Nam A Bank, khách hàng có thể kiểm tra tài khoản mọi lúc mọi nơi qua kênh Ngân hàng hiện đại như: SMS Banking, Mobile Banking, Internet Banking.

Đặc biệt, để sử dụng các tiện ích này, khách hàng chỉ cần thực hiện các thao tác đơn giản. Với SMS Banking, khách hàng soạn tin nhắn theo cú pháp: NAB SD [số tài khoản] gửi 8149. Hoặc với Mobile Banking khách hàng có thể tra cứu số dư, lịch sử giao dịch các loại tài khoản: Tài khoản thanh toán, Tài khoản tiết kiệm, Tài khoản thẻ chỉ với chiếc điện thoại thông minh. Hay sử dụng dịch vụ Internet Banking của Nam A Bank từ máy tính để có thể truy cập nhanh chóng, tiện lợi.

Ngoài ra, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp Tổng đài của Nam A Bank 24/7 1900 6679 và đến trực tiếp các chi nhánh, phòng giao dịch với mạng lưới rộng khắp cả nước khi cần tra cứu thông tin.

"Với việc chủ động kiểm soát thông tin tài khoản ngân hàng cùng với việc kiểm tra kiểm soát chặt chẽ quy trình tiền gửi, quản lý rủi ro và tính chính trực từ mỗi cán bộ nhân viên tại ngân hàng sẽ là các yếu tố then chốt để quyền lợi của khách hàng luôn được bảo đảm", bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Phòng Thương hiệu Nam A Bank nói.

Khách hàng gửi tiết kiệm có kỳ hạn có thể tra cứu từ xa thông tin về thẻ tiết kiệm
Khách hàng gửi tiết kiệm có kỳ hạn có thể tra cứu từ xa thông tin về thẻ tiết kiệm

Thông tin từ ngân hàng Sacombank cho biết, nhà băng này đã có hướng dẫn 2 cách tra cứu từ xa tiền gửi tiết kiệm để khách hàng theo dõi và quản lý nguồn tài chính của mình.

Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại Sacombank có thể tra cứu từ xa thông tin về thẻ tiết kiệm thông qua 2 cách:

Cách 1: Khách hàng tra cứu bằng cách nhập số tài khoản thẻ tiết kiệm trên trang web dành cho khách hàng. Để sử dụng cách tra cứu này, khách hàng chỉ cần đăng ký thủ tục một lần duy nhất tại bất kỳ điểm giao dịch nào của Sacombank hoặc đăng ký trực tuyến trên chính trang web này.

Cách 2: Đối với khách hàng đang sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử Sacombank bao gồm Internet Banking, ứng dụng Mobile Banking (tải từ Apple Store hoặc Google Play) hoặc Mobile Banking Web còn tra cứu được thông tin thẻ tiết kiệm bằng cách vào mục Tài khoản\Tài khoản có kỳ hạn trên Ngân hàng điện tử.

Hệ thống sẽ hiển thị đầy đủ các thông tin như số tài khoản, tên sản phẩm, số tiền gửi, kỳ hạn, ngày đáo hạn, lãi suất… của tất cả các thẻ tiết kiệm khách hàng mở tại Sacombank.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch TAT Lawfirm - Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, những khách hàng đang có tiền gửi tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần nâng cao ý thức về an ninh bảo mật và tôn trọng, tuân thủ đầy đủ đúng quy trình giao dịch với ngân hàng.

Tuyệt đối không ký khống bất cứ giấy tờ gì kể cả khi được nhân viên ngân hàng yêu cầu, nếu không thực sự hiểu rõ. Tuyệt đối không cung cấp mật khẩu giao dịch ngân hàng điện tử cho người khác, không truy cập các đường link lạ có nguy cơ bị hacker xâm nhập tài khoản đánh cắp dữ liệu. Khách hàng cần đăng ký biến động số dư qua tin nhắn sms, thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản, sổ tiết kiệm và ngay lập tức liên hệ với ngân hàng khi phát hiện những bất thường đối với tài khoản của mình.

Sau vụ việc khách hàng gửi tiết kiệm tại Eximbank bị mất 245 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản số 1126/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, yêu cầu nghiêm túc triển khai, thực hiện việc đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi của khách hàng.

Văn bản nêu rõ, để đảm bảo an toàn trong giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng, NHNN yêu cầu các nhà băng thực hiện một số nội dung trong đó có việc đẩy mạnh đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.

Công Quang

Từ vụ "bốc hơi" 245 tỷ đồng tại Eximbank: Không để "mất bò mới lo làm chuồng" - 3