“Nóng” việc Việt Nam gia nhập FTA lớn nhất thế giới

(Dân trí) - Với thị trường chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu, RCEP được đánh giá là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới.

“Nóng” việc Việt Nam gia nhập FTA lớn nhất thế giới - 1

Lễ ký kết hiệp định RCEP được diễn ra dưới hình thức trực tuyến

Việt Nam ký hiệp định thương mại lớn nhất thế giới

Trưa 15/11 theo giờ Việt Nam, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 đang diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 9 - 15/11). 

Đây là hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và các đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ sau 8 năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành thắng lợi việc đàm phán Hiệp định RCEP với khối lượng công việc đồ sộ, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn tốt đẹp.

RCEP là một hiệp định với thị trường 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 nghìn tỷ USD tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu (dựa trên số liệu năm 2019). Hiệp định này là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, thể hiện một bước tiến quan trọng hướng tới một khuôn khổ luật lệ lý tưởng cho thương mại và đầu tư toàn cầu.

RCEP cũng được nhấn mạnh một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên, với 20 chương bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại tư do trước đây giữa ASEAN và các nước đối tác.

RCEP - Hiệp định lớn nhất thế giới Việt Nam vừa ký khác gì các FTA trước?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định RCEP được xây dựng trên cơ sở các cam kết của của Việt Nam trong WTO và các hiệp định FTA giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối mà Việt Nam đã cùng ASEAN tham gia trong khi Hiệp định CPTPP và EVFTA là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Theo ông Tuấn Anh, Hiệp định RCEP được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước tham gia, đặc biệt là phù hợp với cả một số nước ASEAN vẫn còn là nước kém phát triển.

“Do vậy, mặc dù không gian kinh tế rộng hơn, dân số lớn hơn nhưng đồng thời Hiệp định RCEP cũng có nhiều linh hoạt cho các nước tham gia hơn”, ông Tuấn Anh cho hay.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh thêm: Chúng ta không quá lo ngại về khả năng tăng nhập siêu. Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do Hiệp định RCEP tạo ra nếu có thể khai thác triệt để lợi ích do Hiệp định này mang lại.

RCEP - FTA lớn nhất thế giới tác động ra sao tới kinh tế Việt Nam?

Ngay sau khi hiệp định được ký kết, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có trao đổi về ý nghĩa, vai trò của “siêu” hiệp định này tới nền kinh tế Việt Nam.

Ông cho biết, Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam. Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của ta.

Theo một số nghiên cứu độc lập, ví dụ như nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, thì việc Việt Nam chủ động cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ đem lại giá trị cho nền kinh tế Việt Nam còn cao hơn so với các lợi ích mở cửa thị trường trực tiếp của các nước.

Đặc biệt, với các khung khổ hợp tác mới được đưa ra trong Hiệp định RCEP cùng với các FTA trước đây, Việt Nam cùng một số nước ASEAN đang trở thành một điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Các lợi ích này thường mang ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.

Bộ trưởng nói, hiệp định này về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vì vậy, chúng ta không quá lo ngại về khả năng tăng nhập siêu. Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do Hiệp định RCEP tạo ra nếu có thể khai thác triệt để lợi ích do Hiệp định này mang lại.

Vào RCEP, Việt Nam có lo tăng nhập siêu từ thị trường Trung Quốc?

Một trong những vấn đề nhiều người quan tâm, đó là Việt Nam là nước nhập siêu lớn từ Trung Quốc. RCEP bao gồm cả Trung Quốc, vậy mức độ phụ thuộc vào nước này có gia tăng hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đã tham gia cùng các nước ASEAN để mở cửa thị trường với Trung Quốc thông qua Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) vào năm 2010.

“Với tỉ lệ tự do hóa thuế quan mà Việt Nam cam kết với Trung Quốc theo Hiệp định RCEP thì không cao hơn so với Hiệp định ACFTA, việc thực thi Hiệp định RCEP về cơ bản sẽ không tạo ra áp lực cạnh tranh mới và gia tăng cam kết mở cửa thị trường với Việt Nam”, ông Thái nói.

Ngoài ra, ông Thái cũng cho biết với lợi thế về việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng nguyên liệu đầu vào tối ưu hơn để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên RCEP bao gồm Trung Quốc với sức cạnh tranh cao hơn khi chỉ khai thác Hiệp định ACFTA , do đó có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.

Bà Phạm Chi Lan: "Với RCEP, tôi mừng, nhưng lo cho Việt Nam nhiều hơn"

Trao đổi với phóng viên Dân trí về những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), chuyên gia Phạm Chi Lan đã chỉ ra hàng loạt thách thức mà Việt Nam và các nước ASEAN có thể sẽ phải đương đầu.

Bà nói: “Ngay từ khi biết tin Việt Nam cùng các đối tác ASEAN ký kết RCEP với 5 đối tác lớn, tôi vừa mừng nhưng cũng vừa lo và tôi lo nhiều hơn”! Nguyên nhân là bởi vì thông qua ASEAN, Việt Nam đã ký kết FTA với nhiều quốc gia trong số 5 quốc gia kể trên nhưng Việt Nam vẫn khai thác chưa hiệu quả.

Ngoài ra, đây là hiệp định chung của ASEAN, Việt Nam ở thế phải tham gia và chúng ta phải lựa chọn các bước đi chiến lược để lấy lợi ích và hạn chế những thách thức trước mắt.

Theo bà Lan, kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, xuất khẩu Việt Nam tăng cả lượng và giá trị, nhưng có tỷ trọng rất lớn giá trị gia tăng là nằm trong tay nước ngoài. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam rất yếu và chưa khai thác được các thị trường khác và cũng chưa bảo vệ được thị trường nội địa.

Vì vậy, càng mở cửa, hàng nước ngoài càng tràn vào nhiều hơn, các nhà sản xuất, làm dịch vụ và đặc biệt là nông dân sẽ đối diện với nhiều khó khăn ở địa bàn của mình trước khi nghĩ xuất được đi thế giới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm