1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

RCEP - Hiệp định lớn nhất thế giới Việt Nam vừa ký khác gì các FTA trước?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Hiệp định RCEP là một thỏa thuận thương mại khu vực lớn chưa từng có với sự giao hòa đa dạng của các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và kém phát triển.

RCEP được gọi là “siêu” hiệp định, lớn chưa từng có

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 15/11, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết sau 8 năm đàm phán.

Đây là hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và các đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Kinh tế của 15 quốc gia đã ký kết Hiệp định RCEP từ các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

RCEP - Hiệp định lớn nhất thế giới Việt Nam vừa ký khác gì các FTA trước? - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEAN cùng các nước đối tác đã chứng kiến việc ký kết Hiệp định quan trọng này.

Các bên ghi nhận Hiệp định RCEP là một thỏa thuận thương mại khu vực lớn chưa từng có với sự giao hòa đa dạng của các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và kém phát triển.

Khi được 15 thành viên thực thi, RCEP sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Cam kết của Việt Nam trong Hiệp định RCEP như thế nào, có khác biệt gì so với các FTA đã có?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định RCEP được xây dựng trên cơ sở các cam kết của của Việt Nam trong WTO và các hiệp định FTA giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối mà Việt Nam đã cùng ASEAN tham gia trong khi Hiệp định CPTPP và EVFTA là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Theo ông Tuấn Anh, Hiệp định RCEP được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước tham gia, đặc biệt là phù hợp với cả một số nước ASEAN vẫn còn là nước kém phát triển.

“Do vậy, mặc dù không gian kinh tế rộng hơn, dân số lớn hơn nhưng đồng thời Hiệp định RCEP cũng có nhiều linh hoạt cho các nước tham gia hơn”, ông Tuấn Anh cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng, các nước tham gia RCEP cũng xác định đây là bước đi ban đầu, hướng đến các mức độ hợp tác cao hơn khi các nước đã sẵn sàng.

Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán Hiệp định RCEP, các nước cũng đã nỗ lực và thống nhất được một số lĩnh vực mới chưa được cam kết trong các hiệp định FTA của ASEAN trước kia như: thương mại điện tử, chính sách cạnh tranh, mua sắm của Chính phủ, với nội dung và mức cam kết phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam và các nước ASEAN khác.

Các nội dung mới này đã có trong các FTA thế hệ mới như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nhưng được đề cập ở mức độ cao hơn trong các FTA thế hệ mới này.

Nhìn chung theo người đứng đầu Bộ Công Thương, Việt Nam đạt được mức độ cam kết hài hòa trong Hiệp định RCEP, có cao hơn các FTA ASEAN+ hiện có nhưng thấp hơn các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh thêm: Chúng ta không quá lo ngại về khả năng tăng nhập siêu. Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do Hiệp định RCEP tạo ra nếu có thể khai thác triệt để lợi ích do Hiệp định này mang lại.

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về Hiệp định RCEP cũng nêu rõ: Đây là một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên, với 20 chương bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại tư do trước đây giữa ASEAN và các nước đối tác.

Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, Hiệp định RCEP còn bao gồm các chương về: Sở hữu trí tuệ, Thương mại điện tử, Cạnh tranh, Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), Hợp tác kinh tế và kỹ thuật và Mua sắm của chính phủ.