1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đắk Nông:

Nông sản mất giá, nợ nần chồng chất, nhiều người bán nhà bỏ xứ

(Dân trí) - Giá cả nông sản xuống thấp và ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hộ dân huyện Đắk Song phải treo biển bán đất, bán nhà. Đây được cho là việc chưa từng có ở huyện sản xuất hồ tiêu lớn nhất Đắk Nông này.

Hàng loạt hộ dân Đắk Song treo biển bán nhà

Những ngày này, di chuyển dọc trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua trung tâm thị trấn Đức An (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), có thể bắt gặp hàng chục căn nhà được treo biển rao bán. Nhiều căn nhà trong số này đã đóng kín cửa, chủ nhà đã đi nơi khác để làm ăn, sinh sống.

Nông sản mất giá, nợ nần chồng chất, nhiều người bán nhà bỏ xứ - 1

Hàng chục tấm biển bán nhà đất nằm dọc đường Hồ Chí Minh qua huyện Đắk Song

Chị V.T.S, một người dân ở thị trấn Đức An chia sẻ, mấy năm trước, gia đình chị vay ngân hàng 1 tỷ đồng đầu tư phát triển thêm 2 ha hồ tiêu, nâng tổng số diện tích hồ tiêu của mình lên 5 ha. Năm trước, hơn 2 ha hồ tiêu mới trồng của gia đình chị nhiễm bệnh và chết. 3 ha tiêu còn lại gia đình chị thu được gần 10 tấn hạt.

“Với giá bán như mấy năm qua, gia đình tôi thu về gần 400 triệu đồng, chưa trừ chi phí sản xuất, nhân công. Với số tiền 1 tỷ vay ngân hàng, hàng năm, gia đình chị phải “gồng mình” trả trên dưới 100 triệu đồng tiền lãi. Do đó, cuộc sống của gia đình đã gặp rất nhiều khó khăn, buộc phải bán nhà để giải quyết nợ nần”, chị S. nói.

Nông sản mất giá, nợ nần chồng chất, nhiều người bán nhà bỏ xứ - 2

Do giá nông sản xuất thấp nên nhiều khoản nợ của người dân không thể thanh toán

Tương tự, vừa qua, anh Đ.V.T, một hộ dân kinh doanh vật liệu xây dựng ở thị trấn Đức An cũng treo biển bán nhà. Theo anh T, mấy năm về trước, gia đình anh có vay mượn ngân hàng một khoản tiền lớn để kinh doanh vật liệu xây dựng. Trong quá trình kinh doanh, gia đình chủ yếu bán nợ cho người dân và đợi đến mùa thu hoạch tiêu, cà phê… mới lấy tiền.

Thế nhưng, hai năm trở lại đây, người dân lâm vào cảnh khó khăn, giá nông sản xuống thấp, nên nhiều người dân mất khả năng trả nợ. Từ đó, gia đình anh cũng bị ảnh hưởng theo. Trong hoàn cảnh này, gia đình không thể cầm cự, việc kinh doanh phải thu hẹp quy mô.

Hiện nay, khoản nợ ngân hàng của gia đình anh cứ ngày càng tăng dần vì không trả được lãi hàng tháng. Không còn cách nào khác, gia đình anh đành phải treo biển bán nhà để giải quyết nợ nần.

Nông sản mất giá, nợ nần chồng chất, nhiều người bán nhà bỏ xứ - 3
Những căn nhà nằm ngay mặt quốc lộ 14 được rao bán

Số lượng người dân ở thị trấn Đức An có nhu cầu bán tài sản đất đai, nhà cửa là khá nhiều. Tuy nhiên, việc bán các tài sản này cũng không phải thuận lợi, bởi trong thời buổi khó khăn này, có rất ít người dân bỏ ra một khoản tiền lớn để mua.

Vùng sản xuất hồ tiêu lớn nhất Đắk Song là xã Nâm N’Jang và xã Đắk N’Drung- nơi từng được coi là những xã giàu nhất nước - cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Nông sản mất giá, nợ nần chồng chất, nhiều người bán nhà bỏ xứ - 4

Từng được xem là một trong những xã giàu nhất Việt Nam

Dọc tuyến đường từ thị trần Đức An dẫn vào trung tâm xã, hàng loạt căn nhà hiện đại, kiên cố treo biển bán. Tất cả là do “vỡ trận” hồ tiêu. Giá xuống thấp, sản xuất thừa, dịch bệnh… khiến hàng trăm hộ dân sản xuất hồ tiêu điêu đứng.

Chị N.T.T (trú Đắk N’Drung) cho hay, trước đây vay 900 triệu ngân hàng để trồng hơn 2 ha hồ tiêu. Theo tính toán, 2 ha hồ tiêu sau 3 năm sản xuất sẽ mang lại thu nhập cho gia đình.

Thế nhưng, trong năm 2018, hồ tiêu của chị T. không may bị nhiễm bệnh, chết gần hết. Đến thời kỳ trả nợ ngân hàng, chị T. không còn cách nào khác mà ngậm ngùi chấp nhận bán nhà giá trị tiền tỷ, cùng nhiều diện tích đất đai để trả nợ ngân hàng.

Nông sản mất giá, nợ nần chồng chất, nhiều người bán nhà bỏ xứ - 5
Thế nhưng khi hồ tiêu "vỡ trận", nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, phải bán nhà

Ngôi nhà mới xây dựng hơn 1 tỷ đồng, nay cộng thêm cả mấy hecta đất, chị T. rao bán mãi mới có người mua với giá 1 tỷ đồng. Sau khi bán hết tài sản trả nợ ngân hàng, gia đình chị đã phải bỏ về quê sinh sống cùng bố mẹ già

Theo ông Vũ Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đức An, thời gian qua, có khoảng 60 hộ dân trên địa bàn thị trấn Đức An đã treo biển bán đất, nhà. Nguyên nhân bà con bán tài sản chủ yếu do giá cả nông sản xuống thấp và ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo tìm hiểu của chính quyền địa phương, những hộ gia đình bán đất, bán nhà không phải tất cả đều ở thị trấn Đức An. Bởi vì thời gian trước đây, khi giá cả nông sản còn ở mức cao, nhiều người dân ở các địa phương lân cận làm ăn được và ra thị trấn Đức An mua đất, xây nhà để kinh doanh, buôn bán. Đến nay việc làm ăn không thuận lợi, ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên nhiều hộ đã bán nhà để giải quyết khó khăn, chuyển hướng công việc.

Dương Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm