1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nông dân đói vốn, doanh nghiệp nhỏ bế tắc

Ngân hàng chỉ thích cho doanh nghiệp (DN) vay vốn, trong khi lại đưa ra nhiều rào cản khiến nông dân khó tiếp cận, phải tìm đến tín dụng đen. Kế cả khi có vốn, các DN vừa và nhỏ xoay xở trăm bề mà vẫn “sống dở chết dở”.

Ngân hàng thờ ơ, tín dụng đen chào đón

Ông Lại Xuân Môn, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, đến nay, tín dụng dành cho nông dân thông qua Hội Nông dân mới đạt 13.000 tỷ đồng. Tổng số nông dân cả nước hiện là 14 triệu hộ. Như vậy, chưa đến 4% số hộ nông dân được vay vốn trong khi bình thường khoảng 50% hoặc hơn có nhu cầu vay vốn.

Theo ông Môn, điều kiện vay vốn của các ngân hàng đặt ra đối với nông dân hiện khá ngặt nghèo. Cụ thể, mặc dù nông dân không cần thế chấp nhưng vẫn phải có sổ đỏ mới vay được tiền song thủ tục vay lại khá phức tạp trong khi người dân không thạo vấn đề này.

Một thực tế cho thấy, các tổ chức tín dụng hiện nay thích cho doanh nghiệp vay vốn hơn là cho người nông dân. Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) lý giải, đó là tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, cho người dân vay món nhỏ lẻ thì chi phí hoạt động cao.

Thiếu vốn sản xuất, nông dân thường vay hàng xóm,
Thiếu vốn sản xuất, nông dân thường vay hàng xóm, tín dụng đen hơn là chạy ra ngân hàng (ảnh minh họa - TT).

Vì thế, nông dân buộc phải cậy nhờ hàng xóm hay tìm đến tín dụng đen - tình trạng này đang rất phổ biến và trở thành xu hướng. "Chỉ cần nông dân viết giấy ghi nợ là xong nên nhiều lúc cần vốn, họ chấp nhận vay với lãi suất cắt cổ", ông Môn cho biết.

Trong khi đó, ông Đông lại cho rằng nông dân có những nhu cầu vay không tên, để chi dùng hàng ngày, nhỏ lẻ, không được hợp thức hóa đối với chính sách tín dụng. Còn việc vay đến 50 triệu đồng ngân hàng phải giữ sổ đỏ, theo ông Đông chính là giữ cho nông dân chứ không phải là thế chấp. Điều này tránh cho bà con nông dân tiếp tục vay ở ngân hàng khác, dẫn đến mất khả năng trả nợ.

"Còn cho vay tiêu dùng, theo hạn mức đối với hộ nông dân thì chúng tôi đang triển khai thí điểm để phù hợp nhất, nếu khả năng người ta chỉ cần 30-50 triệu đồng mà cho vay đến hàng trăm triệu thì chính là làm hại họ", ông Đông cho hay.

DN vừa và nhỏ khó sống

Trong buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trên địa bàn TP.HCM mới đây, nhiều chuyên gia thẳng thắn cho rằng đối tượng này còn phải đối đầu nhiều khó khăn. Việc duy trì được sản xuất đã là nỗ lực lớn chứ chưa thể nghĩ đến hiệu quả, nhất là từ nay đến cuối năm.

Tiến sĩ Trần Du Lịch chất vấn: "Nhiều DNVVN đặt câu hỏi rằng từ thời điểm này liệu có gì mới và có cơ hội nào cho họ hay không? Nhưng với quan điểm của tôi thì chắc chắn là không có gì mới và vẫn phải chờ đợi sự ổn định của chính sách. Nếu muốn vận động thì doanh nghiệp nên cẩn trọng và tự lực cánh sinh để vượt khó".

TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, thực tế cho thấy cái khó hiện nay là tiền vẫn kẹt ở ngân hàng khi người muốn vay không đủ tiêu chuẩn (do phải thế chấp) và đối tượng nhà băng muốn cho vay thì không cần. Có doanh nghiệp chấp nhận vay với lãi suất cao nhưng không được. Hơn nữa, tiền gửi ngắn hạn nhiều mà người vay thì cứ muốn vay trung hạn. Điều này vô hình trung tạo điểm nghẽn khiến tiền khó vào sản xuất.


Tiền vẫn kẹt ở ngân hàng khi người muốn vay không đủ tiêu chuẩn (do phải thế chấp)
Tiền vẫn kẹt ở ngân hàng khi người muốn vay không đủ tiêu chuẩn (do phải thế chấp) và đối tượng nhà băng muốn cho vay thì không cần.

Kinh tế khó khăn nhiều DNVVN rơi vào thua lỗ, dừng hoạt động hoặc phá sản. Để duy trì hoạt động, họ vẫn loay hoay về vốn. Nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm không hài lòng khi khối doanh nghiệp này lại phải chờ đợi sự "ban ơn" của ngân hàng.

Ngay cả việc những con số thống kê về tỷ lệ hàng tồn kho đang giảm không làm cho doanh nghiệp cảm thấy yên tâm mà còn tăng thêm lo lắng. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính đến tháng 6 vừa qua, chỉ số hàng tồn kho đã giảm chỉ còn 11,8%. Tuy nhiên, đằng sau con số này là một hiện thực đáng lo ngại.

Theo ông Trương Phú Cường, Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu và Xây dựng TP.HCM, "riêng về ngành vật liệu xây dựng, câu chuyện giảm hàng tồn kho thời gian qua không phải là điều đáng mừng. Họ buộc phải thu hẹp sản xuất và một số DN buộc phải chấp nhận giảm hàng tồn kho bằng cách xuất khẩu với giá thành thấp, thậm chí là lỗ để thu hồi được đồng nào hay đồng nấy".

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, bản chất của câu chuyện giảm hàng tồn kho này không chỉ dựa trên việc doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng tồn kho mà còn là do doanh nghiệp suy giảm sản xuất kéo theo hàng tồn kho giảm theo. Bên cạnh đó, trước sự tấn công ồ ạt của hàng hóa nước ngoài cho thấy DN trong nước rất yếu ớt và có thể bị đối thủ hạ "đo ván" bất cứ lúc nào.

Theo Bảo Hân - Nam Phong
VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm