Thừa Thiên - Huế:

Nông dân điêu đứng trước hàng ngàn ha lúa chết bất thường

(Dân trí) - Do thời tiết bất thường, hàng ngàn ha lúa giống và lúa ăn của nông dân các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, Hương Thủy, Hương Trà (tỉnh TT-Huế) sắp đến mùa thu hoạch đã phải cắt bỏ vì chất lượng không đảm bảo.

Nỗi đau nông dân

Dọc con đường về miền quê huyện Phú Vang, những cánh đồng lúa đã bị san phẳng, khói lửa đốt lúa bay mù trời xen lẫn cảnh hàng trăm nông dân đẩy máy kéo đi cắt lúa trên ruộng mình.

Nông dân điêu đứng trước hàng ngàn ha lúa chết bất thường - 1
Những nông dân tại xã Phú Hồ đang dùng máy kéo cắt lúa hư.

Trên thửa ruộng đang cắt dở, bác Đinh Như Bùi (thôn Di Đông, Phú Hồ) gạt mồ hôi: “Không có năm nào như năm ni anh ơi. Sương muối nặng trong 1 tháng trước đây đã làm toàn bộ 3 mẫu lúa giống và 1 mẫu lúa ăn của tui chết và lép hạt hết, phải cắt bỏ. Nếu lúa tốt thì chỉ còn 10 ngày nữa là thu hoạch, nay nhìn lúa chết mà đau lòng qua.”

Ở đám ruộng bên cạnh, anh Đinh Như Rạng cũng đang cắt nốt phần lúa chết cuối cùng. Anh cho biết đã mất của cải vì lúa hư, nay phải làm không công để cắt hết lúa, mỗi sào lúa phải mất chừng 25.000 đồng tiền xăng. Như vậy, 4 mẫu lúa nhà anh Rạng sẽ “ngốn” mất cả triệu đồng.

Theo anh Rạng, một số ruộng khác quá rộng nên chủ phải thuê người cắt giúp, công cắt lúa là 30.000đ/sào. Tính ra, có hộ mất cả chục triệu đồng tiền công thuê.

Nông dân điêu đứng trước hàng ngàn ha lúa chết bất thường - 2
Bác Đinh Như Bùi xót xa trước những khóm lúa đã trưởng thành bị lép hạt do rét đậm vừa mới cắt bỏ.

Tại các xã khác thuộc huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc, một diện tích lớn lúa ăn và lúa giống cũng bị chết, khiến cho người nông dân điêu đứng.

Theo những người nông dân ở đây, việc tận dụng lúa chết để làm các việc khác như làm nấm rơm cũng không khả thi vì lúa còn non. Làm rơm hay cho trâu bò ăn cũng chỉ sử dụng được một phần nhỏ vì lúa chết quá nhiều. Phương án duy nhất là cắt xong chờ nắng khô rồi đốt bỏ.

Chờ đợi Nhà nước hỗ trợ

Nông dân điêu đứng trước hàng ngàn ha lúa chết bất thường - 3
Những mẫu ruộng cháy sém đen sau khi nông dân đốt

Ông Hồ Bạn, Chủ nhiệm HTX Phú Hồ (huyện Phú Vang), cho biết: “Toàn xã tôi có 514 ha lúa, 1/3 trong số này đã bị mất trắng. Tính ra toàn xã đã có hơn 500 hộ trong tổng số 1.250 hộ trắng tay, thiệt hại tính ra trên 2 tỷ đồng. Nếu tính cả thành phẩm nữa thì nông dân mất trên 7 tỷ.

Từ hồi giải phóng đến nay không có lúc nào mà thời tiết lại bất thường như ri. Hợp tác xã đã hướng dẫn bà con làm đúng thời vụ. Lý do chính là do rét đậm rét hại chậm trong khoảng thời gian từ 21/3 đến 4/4 trúng với lúc lúa đang chuẩn bị lên bông nên đã ảnh hưởng đến hạt lúa không phát triển.”

Nông dân điêu đứng trước hàng ngàn ha lúa chết bất thường - 4

Khói vẫn bốc nghi ngút tại một phần ruộng ở xã Phú Lương, huyện Phú Vang

Theo ông Bạn, xã đã đề nghị chính quyền tỉnh, trung ương hỗ trợ khoảng 52 tấn lúa giống hoặc trợ giá cho 1kg lúa từ 7.000-10.000đ so với giá mua vào là 15.000đ để tạo điều kiện cho nông dân có lúa gieo lại.

Ông Phan Văn Thông, Chủ tịch Thị xã Hương Thủy, cũng cho biết đang trình tỉnh hỗ trợ giống lúa siêu ngắn ngày cho vụ mùa sau vì mùa trước đã trễ do lạnh.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Hữu Hè, PGĐ sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế cho biết: “Đây là năm có thời tiết bất thường đặc biệt. Toàn tỉnh có 1.600 ha lúa bị hư hại nặng, phần lớn là bị mất trắng.

Chúng tôi đang có lập văn bản tổng hợp toàn bộ số liệu từ các huyện, thị xã để trình lên tỉnh và chính phủ. Ước tính tỉnh TT-Huế xin hỗ trợ 300 tấn lúa để hỗ trợ kịp thời cho nông dân. Chúng tôi hy vọng sẽ được hỗ trợ sớm để đưa lúa về cho bà con làm lại vụ mùa khác.”

Đại Dương