Vấn đề kinh tế nổi bật trong tuần:
Nóng chuyện "quý tử" cựu Bộ trưởng mất chức, chồng hoa hậu vướng rắc rối
(Dân trí) - Trong tuần qua, việc ông Vũ Quang Hải bị miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc Sabeco và những rắc rối quanh vụ đóng cửa phòng tập thể dục thẩm mỹ của ông Nguyễn Đức Hải, chồng hoa hậu Jennifer Phạm gây chú ý bạn đọc. Bên cạnh đó là hàng loạt sự kiện "nóng" về ngành công thương, chỉ đạo không in tiền mới từ 5.000 đồng trở xuống trong dịp Tết, danh xưng "tỷ phú đô la" của Việt Nam...
Sabeco miễn nhiệm chức Phó Tổng giám đốc với ông Vũ Quang Hải
Trong công văn gửi lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng Công ty Cổ phần Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết: HĐQT Sabeco thông qua việc miễn nhiệm chức Phó Tổng giám đốc Sabeco đối với ông Vũ Quang Hải (con trai cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng). HĐQT Sabeco cũng thống nhất thông qua việc tiến hành xin ý kiến đại hội đồng cổ đông, để thực hiện miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT Sabeco nhiệm kỳ 2015-2018 đối với ông Vũ Quang Hải.
Theo Bộ Công Thương, đây là phần việc nhằm thực hiện triệt để theo đúng kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ông Nguyễn Thành Nam trở thành tân Phó tổng giám đốc Sabeco. Kể từ ngày 26/12/2016, ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco giảm số cổ phiếu được ủy quyền xuống còn 151.278.231 cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 23,59% vốn điều lệ Sabeco. Ông Nam chính là người thay thế đại diện cho 22% cổ phần từ ông Võ Thanh Hà.
Quốc hội giám sát dự án BOT đường bộ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV) vừa ra Nghị quyết về lập đoàn giám sát các công trình giao thông được xây dựng bằng hình thức BOT - xây dựng, kinh doanh và chuyển giao. Đây là lần đầu tiên, UBTV quyết định giám sát một hình thức đầu tư riêng trong lĩnh vực giao thông đường bộ sau thời gian cân nhắc.
Bên cạnh các thành viên của UB kinh tế, UBTV của Quốc hội, đoàn giám sát sẽ mời đại diện của các đoàn Quốc hội các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương nơi đoàn giám sát. Ngoài ra, nhiều cơ quan như Mặt trận Tổ quốc, Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường, Viện Kinh tế... cũng được mời tham gia giám sát để cho ý kiến về quản lý chuyên ngành được giao.
Thủ tướng: “Đừng sợ mất ghế; dám làm, dám chịu trách nhiệm”
Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước chiều 2/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ 3 yêu cầu đối với cán bộ: “Thứ nhất là phải hiểu vấn đề như thế nào. Anh đọc thì anh phải hiểu ngay, đừng để kéo dài. Thứ hai là đừng sợ mất ghế, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thứ ba là không tham nhũng”.
"Không được trích một đồng ngân sách nào để biếu xén cấp trên, cấp dưới"
Trước tình hình ngân sách căng thẳng, tại hội nghị tổng kết của ngành tài chính, Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng thiết lập kỷ luật ngân sách; công khai, minh bạch, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước và tài sản công, đồng thời quán triệt “không được trích một đồng ngân sách nào để đi biếu xén cấp trên, cấp dưới…”.
Bởi theo đánh giá của Thủ tướng, tỷ lệ nợ công đang tăng với tốc độ rất nhanh. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng nợ công trung bình 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chi thường xuyên tăng rất nhanh trong những năm gần đây là nguyên nhân chính làm NSNN luôn căng thẳng. Lưu ý, nợ công theo báo cáo sát trần nhưng nếu tính đầy đủ thì vượt trần cho phép, chính vì vậy, Thủ tướng dẫn cảnh báo của các chuyên gia cho biết, nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ của nền tài khóa quốc gia là không thể tránh khỏi.
Rót thêm 7.000 tỷ đồng vào mỏ sắt Thạch Khê: Có thể hoàn vốn trong 7, 8 năm
Trước nhiều lo ngại về hiệu quả đầu tư tại dự án mỏ sắt Thạch Khê, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, hiện giá quặng sắt thực tế rất cao, trên thị trường khoảng 80 USD/tấn. Mặc dù dự báo cũng khó nhưng khi lập tính toán hiệu quả của dự án, chủ đầu tư đưa vào mức giá thấp khoảng 44 USD thì dự án có thể hoàn vốn trong 7-8 năm.
Theo đại diện Bộ Công Thương, sẽ cần khoảng 7.000 tỷ đồng để tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê. Đây là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng lên tới 544 triệu tấn, trị giá khoảng 35 tỷ USD. Việc “tái khởi động” mỏ sắt này được cho là sẽ đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy thép trong nước.
EVN: Giá than tăng “đội” chi phí điện lên gần 5.000 tỷ đồng
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra chiều 3/1, ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc EVN cho biết: “Một số chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện, đặc biệt là than. Riêng giá than cho điện tăng thêm 7% từ 24/12/2016 sẽ làm chi phí đội lên hơn 4.692 tỷ đồng”.
Theo báo cáo của EVN, doanh thu bán điện toàn tập đoàn ước đạt 264.680 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2015. Năm 2016 lợi nhuận sản xuất kinh doanh điện Công ty mẹ - EVN và 9 tổng công ty đạt lợi nhuận cao hơn kế hoạch tuy nhiên chưa công bố con số cụ thể.
Liên quan đến việc dừng triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, EVN phải chủ động tìm giải pháp bù đắp sản lượng điện, có giải pháp trong sử dụng cơ sở hạ tầng không để lãng phí, hoang hoá như tình trạng diễn ra tại Vinashin.
Thủ tướng: "Ngành Công Thương vấp nhưng chưa ngã"
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị toàn ngành Công Thương sáng nay (6/11), khi nói về những yếu kém của ngành này thời gian qua như công tác cán bộ, nhiều dự án lớn "đắp chiếu"...Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Ngành Công Thương tuy vấp nhưng chưa ngã và đã có sự vươn dậy mạnh mẽ".
Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về xử lý các tồn tại yếu kém, không hiệu quả của một số dự án và doanh nghiệp ngành Công Thương, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới xử lý các tồn tại, yếu kém, không hiệu quả các dự án, doanh nghiệp theo nguyên tắc khẩn trương, triệt để, tổn thất ít nhất thất thoát tài sản Nhà nước, theo nguyên tắc thị trường, không để đổ vỡ ảnh hưởng đến hiệu quả doanh nghiệp khác.
Về phần mình, Bộ Công Thương đang tiếp tục đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt lưu ý công tác bảo vệ môi trường và cần có báo cáo về Bộ trước ngày 30/6/2017.
Gang thép Thái Nguyên: Nhiều đại gia ngành thép "xin mua"
Với dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), trao đổi với báo chí, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho hay, dự án này phải thẩm định giá xong thì mới có thể có phương án chính xác để xử lý.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trước mắt chủ trương là không để nhà máy phải phá sản. Đồng thời, theo vị này, ít nhất đã có 3 doanh nghiệp thép trong nước ngỏ ý muốn mua lại dự án mở rộng giai đoạn 2 đang dang dở của TISCO. Sắp tới Bộ Công Thương cũng sẽ đấu giá bán cổ phần Nhà nước góp vào TISCO khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
Tuyệt đối không chi tiền mới từ 5.000 đồng trở xuống trong Tết này
Theo công văn chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, để đảm bảo an toàn, thông suốt hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, các tổ chức tín dụng "tuyệt đối không chi các loại tiền mới in còn nguyên seri (nếu còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân".
Thống đốc NHNN cũng nghiêm cấm cán bộ NHNN, các TCTD lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch (kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó…).
Forbes: Ông Phạm Nhật Vượng vẫn là tỷ phú đô la duy nhất của Việt Nam
Theo cập nhật đến ngày 3/1/2017 của Tạp chí Forbes, Việt Nam vẫn chỉ có duy nhất 1 tỷ phú đô la là ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Với khối tài ròng 2,2 tỷ USD, hiện tại ông Vượng vẫn giữ vị trí là người giàu nhất Việt Nam và giàu thứ 914 thế giới.
Trong khi đó, số liệu trên sàn chứng khoán lại cho thấy, hiện có 2 tỷ phú đô la. Ngoài ông Phạm Nhật Vượng thì ông Trịnh Văn Quyết cũng đang có 34.133 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD) giá trị tài sản cổ phiếu. Giá trị tài sản cổ phiếu của ông Quyết thậm chí còn vượt qua ông Phạm Nhật Vượng (1,3 tỷ USD).
Hàng trăm người căng băng rôn đòi chồng Jennifer Phạm ra mặt
Thông tin được nhiều người chú ý trong tuần qua đó là việc hai phòng tập thuộc Fusion Bodyworks bất ngờ thông báo đóng cửa sửa chữa ngay thời điểm nghỉ Tết Dương lịch mà không hẹn lịch mở cửa trở lại khiến hàng trăm hội viên đóng tiền cả năm hoang mang. Thậm chí, họ còn căng băng rôn đòi chủ hệ thống phòng tập đảm bảo quyền lợi.
Trung tâm thể dục thẩm mỹ Fusion Body Works, thuộc về Công ty Đại Nguyên Lực, công ty liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài, do ông Nguyễn Đức Hải, chồng của Jennifer Phạm, làm đại diện pháp luật. Trung tâm này hiện có hơn 2.000 hội viên tham gia.
Sau đó, ông Nguyễn Đức Hải đã có thông báo về ngày dự kiến mở cửa trở lại của Trung tâm thể dục thẩm mỹ Fusion Bodyworks trên fanpage chính thức của trung tâm từ Fountain Valley, California (Mỹ). Theo ông Hải, CLB Fusion Bodyworks sẽ tạm thời đóng cửa từ ngày 02/1/2017, dự kiến hoạt động trở lại trước ngày 10/3/2017, sau khi hoàn thành công tác tái tổ chức.
Bích Diệp