Vấn đề kinh tế nổi bật trong tuần:
Nóng chuyện biến động nhân sự doanh nghiệp, đại hạ giá ô tô và nợ xấu
(Dân trí) - Trong tuần qua, tin tức thời sự kinh tế nóng bỏng với những câu chuyện biến động nhân sự trong ngành ngân hàng: Sacombank, LienVietPostBank, chuyện cho thôi chức Chủ tịch Mobifone; tình trạng nợ xấu đã đủ xây "3 sân bay Long Thành"...đến những thông tin đáng chú ý về đại hạ giá xe ô tô...
Xế hộp đại hạ giá, lại “mơ” xe giá rẻ
Hàng loạt mẫu ô tô đã ra đời ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc với giá chỉ 250 - 350 triệu đồng/chiếc, trong khi đó các hãng xe trong nước đang vào cuộc giảm chưa từng có. Chưa bao giờ thị trường xe nhận được sự quan tâm và kỳ vọng của nhiều người dân như hiện nay.
Trong tháng 5, đầu tháng 6, hầu hết các hãng ô tô như Toyota, Ford, Mazda, Chervolet... đều giảm giá, khuyến mãi mạnh cho các dòng xe lắp ráp trong nước. Nhiều hãng xe có chương trình giảm giá tới hơn 100 triệu đồng cho mỗi mẫu xe.
Đầu tháng 6, thị trường ô tô đã nóng càng nóng hơn khi hàng loạt các mẫu xe của Nhật Bản cũng bước vào cuộc chiến giảm giá.
Hãng xe Toyota vốn cực ít có chương trình giảm giá cũng đã phải hạ giá bán các mẫu xe hot như mẫu xe Camry được xem là giảm giá mạnh nhất, từ 90 - 120 triệu đồng được trừ trực tiếp vào giá bán hoặc phụ kiện.
Các mẫu xe khác của Toyota như Altis cũng giảm từ 40 - 70 triệu đồng, Vios giảm từ 45 - 90 triệu đồng (tuỳ phiên bản), thậm chí mẫu xe bán chạy Innova cũng giảm từ 60 - 70 triệu đồng.
Tuy nhiên, giấc mơ giá rẻ có vẻ không phải dễ thành hiện thực với tất cả mọi dòng xe. Mới đây, trong một báo cáo được Bộ Công Thương đệ trình, cơ quan này đã đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho tăng nhiều loại thuế, phí đối với dòng xe bán tải. Mức tăng thuế phí xe bán tải sẽ bằng với các loại thuế phí dành cho ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống và xóa bỏ các ưu đãi liên quan.
Cụ thể, trong hàng loạt giải pháp hỗ trợ, phát triển ngành ô tô trong nước, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài Chính, Chính phủ, Quốc hội cho phép áp dụng thuế suất tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế suất nhập khẩu đối với xe bán tải (pick-up) có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống như xe ô tô con dưới 9 chỗ; đồng thời tăng lệ phí trước bạ cho các dòng xe bán tải.
Đề xuất của Bộ Công Thương đưa ra trong bối cảnh, thời gian qua, xe bán tải nhập về Việt Nam tăng rất mạnh. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan từ đầu năm hết ngày 15/3, cả nước nhập khẩu 3.900 xe, mức giá bình quân hơn 430 triệu đồng/chiếc và có đến 99% xe bán tải về Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan.
Ám ảnh ô tô “bãi rác”
Ở một góc độ khác, việc giá xe nhập đã xuống tới mức chỉ còn từ 4.400 USD (giá CIF tại cảng với xe nhập từ Ấn Độ), tương đương với một chiếc xe tay ga cũng lại khiến nhiều người lo sợ viễn cảnh Việt Nam thành “bãi rác” xe chất lượng thấp của khu vực.
Đó là một nguy cơ có thật bởi Ấn Độ đang hướng đến áp dụng các tiêu chuẩn Euro 4. Các nước xung quanh Việt Nam cũng đều đã áp dụng các tiêu chuẩn khí thải cao, như Hàn Quốc áp dụng Euro 5, Trung Quốc áp dụng Euro 5 ở một số thành phố và Euro 4 cho toàn quốc. Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines áp dụng Euro 4… Trong khi đó, việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 tại Việt Nam vẫn “bỏ ngỏ” do nhiên liệu chưa thể đáp ứng.
Giữa làn sóng xe nhập khẩu giá rẻ, liên bộ Giao thông Vận tải - Công Thương vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Dự thảo nghị định được đánh giá là đã mở một “cánh cửa rộng” khi quy định mọi doanh nghiệp đều có quyền nhập xe, với các điều kiện về bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi xe… được nới lỏng.
Với những điều kiện khá dễ dãi trong dự thảo nghị định, cũng có những ý kiến lo ngại Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của các dòng xe giá rẻ với tiêu chuẩn và chất lượng thấp mà nhiều nước đã ngừng sản xuất. Cho dù vậy, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là chuyện "lo bò trắng răng" vì sẽ vẫn có nhiều loại xe tuy giá rẻ nhưng chất lượng vẫn còn tốt hơn nhiều một số loại xe lắp ráp trong nước, đáp ứng nhu cầu của dân.
Mặc dù vậy, Tổng cục Hải quan mới đây đã có văn bản chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương tăng cường kiểm tra quy tắc xuất xứ (C/O) đối với ô tô nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ và ASEAN trong bối cảnh xe nhập đang đổ bộ ồ ạt về Việt Nam với số lượng lớn, giá rẻ và khi chỉ còn 6 tháng nữa là "hạn chót" Việt Nam phải xóa bỏ thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN.
Nợ xấu đủ xây dựng ...3 sân bay Long Thành.
Tuần qua, nội dung thảo luận của Quốc hội cũng có nhiều vấn đề kinh tế nóng bỏng, đặc biệt là câu chuyện nợ xấu. Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) cho rằng trong số 600.000 tỷ nợ xấu có tới 90% là tiền của người dân, chỉ có 10% tiền ngân hàng. Do đó, giải quyết nợ xấu là bảo vệ những người dân gửi tiền, đưa 600.000 tỷ quay lại phục vụ nền kinh tế.
“Với chừng đó tiền, chúng ta xây dựng được ba sân bay Long Thành. Quốc hội bàn về việc giải phóng mặt bằng sân bay này hơn 20.000 tỷ đã thấy khó khăn rồi. Trong khi, đây là 600.000 tỷ”, ông Thắng nói.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng có phát biểu gây tranh cãi khi cho rằng:"90% nợ xấu là của dân"
Bầu Đức kinh doanh "bán con" vẫn nặng nợ
Mặc dù vừa qua đã bán đi "đứa con" nhiều hy vọng là Công ty Mía đường nhưng bầu Đức vẫn phải vật lộn xoay xở với các khoản nợ lớn mà 2 năm qua chưa xử lý được bao nhiêu. Cổ phiếu HAGL giảm dưới mệnh giá và luôn trong tình trạng bị cảnh báo.
Hiện nay, theo phản ánh của các ngân hàng, các tài sản có giá trị của HAGL đều phải cầm cố ở ngân hàng. Bầu Đức thậm chí phải thế chấp bằng chính lượng cổ phiếu HAG mà mình nắm giữ, Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG. Thậm chí cả tài sản riêng của vợ cũng được ông "mượn" đem thế chấp. Ông mới đây còn bán luôn cả chuyên cơ Beechcraft King Air350.
Nhân sự nhiều doanh nghiệp biến động mạnh
Trong tuần qua, cũng đã có nhiều biến động lớ về nhân sự ở các doanh nghiệp lớn. Ông Nguyễn Đức Hưởng - người được Sacombank đề xuất tham gia hội đồng quản trị ngân hàng này - vừa có đơn "không thể tham gia ứng cử hội đồng quản trị Sacombank nhiệm kỳ 2017 - 2021".
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2017 nhất trí bầu ông Nguyễn Đức Hưởng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Trước đó, ông Dương Công Minh đã có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch, Thành viên HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).Ông Minh vốn được biết đến là một đại gia kín tiếng trong lĩnh vực bất động sản, tài chính, sân golf... Ông có biệt danh “Minh Him Lam” trong thời gian làm chủ của Tập đoàn Him Lam và Him Lam. Ông cũng là một cổ đông lớn của LienVietPostBank.
Cũng trong tuần qua, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố quyết định điều chuyển ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone Lê Nam Trà về công tác tại văn phòng bộ này từ 6/6.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, việc điều động cán bộ do yêu cầu công tác, trong đó có xét đến yếu tố hoàn cảnh cá nhân, gia đình của cán bộ. Việc điều động cán bộ từ các doanh nghiệp về các đơn vị Bộ TT&TT và ngược lại cũng là hoạt động được diễn ra thường xuyên. Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục có sự phân công điều chuyển cán bộ.
Giá xăng tăng
Giữa lúc người dân “hỉ hả” với đà giảm giá của xe ô tô thì giá nhiên liệu lại tăng. Từ chiều 5/6, giá xăng RON 92 đã được điều chỉnh tăng 303 đồng/lít lên mức tối đa 17.366 đồng/lít, xăng E5 tăng 283 đồng/lít lên 17.154 đồng/lít. Các mặt hàng dầu tăng từ 139 - 326 đồng/lít,kg.
Xăng khoáng RON 92 sẽ tiếp tục được sản xuất và sử dụng cho đến hết năm nay. Theo thông báo mới nhất từ Văn phòng Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2018, Nhà nước chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95, khai tử xăng khoáng RON 92.
Bộ Tài chính đã được giao chủ trì theo dõi, kiểm tra, giám sát việc điều hành giá xăng dầu đảm bảo không làm tăng giá thành sản phẩm xăng sinh học (E5 RON 92, E10), tiến tới giá xăng E5 RON 92 và xăng E10 có giá ở mức hấp dẫn người sử dụng.
Tuy nhiên, một mối lo đối với người tiêu dùng là Bộ Tài chính vẫn bảo lưu đề xuất tăng khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 1.000-4.000 đồng/lít hiện nay lên 3.000-8.000 đồng/lít.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đã thẳng thắn phản đối việc hòa chung khoản thu thuế BVMT với xăng dầu vào ngân sách. Đồng thời cảnh báo, nếu tăng thuế quá cao mà không sử dụng đúng mục đích thì không những không mang lại lợi ích mà còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Bích Diệp