1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Xử lý hết nợ xấu đủ xây 3 sân bay Long Thành!

(Dân trí) - Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, nếu tính gộp nợ xấu nội bảng và nợ xấu của VAMC đã mua chưa xử lý, nợ có nguy cơ cao trở thành nợ xấu trên cơ sở tính toán thận trọng của NHNN thì tỷ lệ nợ xấu lên tới 10,08% (tương đương hơn 600.000 tỷ đồng). Đại biểu Nguyễn Văn Thắng đánh giá, số tiền này đủ xây dựng được 3 sân bay Long Thành.

Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, 90% nợ xấu là tiền của dân, chỉ 10% trong đó là tiền ngân hàng.
Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, 90% nợ xấu là tiền của dân, chỉ 10% trong đó là tiền ngân hàng.

Còn cho vay, còn nợ xấu!

Phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD diễn ra sáng nay (7/6) khá sôi nổi quanh những vấn đề còn tồn tại của hệ thống ngân hàng.

Các ý kiến chủ yếu bàn về những bất cập quanh công tác xử lý nợ xấu. Báo cáo về con số nợ xấu trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, tại thời điểm tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu sau khi được tính toán cẩn trọng ở mức 17,21% tổng dư nợ cho vay.

“Nếu chúng tôi đánh giá toàn diện và thực chất qua công tác thanh tra thì con số nợ xấu ở thời điểm đó có thể cao hơn”, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết.

Tính đến 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các TCTD hiện nay đã trên 160.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu mà Công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được là trên 195.000 tỷ đồng và hiện đang chiếm 3,39% tổng dư nợ.

Như vậy, tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được hiện nay là trên 345.000 tỷ đồng, tức chiếm 5,8% tổng dư nợ. Còn nếu tính gộp nợ xấu nội bảng và nợ xấu của VAMC đã mua chưa xử lý, nợ có nguy cơ cao trở thành nợ xấu trên cơ sở tính toán thận trọng của NHNN thì tổng nợ xấu trên dư nợ cho vay chiếm khoảng 10,08%.

Trong đó, nợ có nguy cơ cao trở thành nợ xấu là những khoản nợ mà thời điểm khó khăn năm 2011-2013, theo Nghị quyết của Quốc hội, đã phải cơ cấu lại nợ cho các tổ chức kinh tế theo diện hỗ trợ vay vốn để có cơ hội được tiếp tục vay vốn và thực hiện sản xuất kinh doanh.

Góp ý kiến tại phiên thảo luận trên góc độ của người trong cuộc, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) cho rằng, trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, nợ xấu phát sinh là tất yếu, “còn cho vay, còn nợ xấu”.

Để phát sinh nợ xấu có nguyên nhân khách và chủ quan, nhưng theo ông Thắng, nặng nhất là xuất phát từ những cú sốc của nền kinh tế, ví dụ như có thời điểm nợ xấu trên 17% tổng dư nợ, chủ yếu là do khủng hoảng thị trường bất động sản, chứng khoán và nền kinh tế tăng trưởng nóng.

90% tiền của dân, 10% tiền của ngân hàng

Ông Thắng nhận xét: “Việt Nam là quốc gia duy nhất có nợ xấu vượt 10% tổng dư nợ mà không có TCTD nào đổ vỡ, đó là sự cố gắng rất lớn. Trong khi các quốc gia có rất nhiều ngân hàng bị đổ vỡ”.

Đồng thời, vị lãnh đạo ngân hàng cũng lưu ý trong 600.000 tỷ đồng nợ cần xử lý (gồm nợ xấu và nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu) có tới 90% tiền của dân, 10% của ngân hàng.

“Cho nên việc cấp bách xử lý, ban hành cơ chế đặc thù để bảo vệ cho người dân, người gửi tiền trong hệ thống. Làm sao chúng ta phải vận hành đưa 600.000 tỷ đồng quay trở lại kinh tế, số tiền này đủ xây dựng được 3 sân bay Long Thành”, ông Thắng nhìn nhận.

Đánh giá về tình hình nợ xấu hiện tại, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ lo ngại khi nợ xấu được ví như “cục máu đông” nguy hiểm, gây “đột quỵ” hoặc “đe dọa tính mạng” nền kinh tế.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cũng cho rằng, hiện vốn của các doanh nghiệp đều dựa vào ngân hàng là chính, nên việc chậm bị xử lý nợ xấu ảnh hưởng đến cơ hội vay vốn của doanh nghiệp và cơ hội phát triển của nền kinh tế.

Do đó, theo đại biểu, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp thiết, “rất khó khăn song không thể kéo dài, không thể gói lại cho tương lai”.

Bích Diệp