“Nóng bỏng” quota dệt may đi Mỹ
Chưa là thành viên của WTO nên Việt Nam chưa thể tự do xuất khẩu dệt may vào thị trường Mỹ mà phải chịu cơ chế hạn ngạch (quota). Năm nay, Mỹ tiếp tục tăng hạn ngạch dệt may cho Việt Nam thêm 7%, nhưng doanh nghiệp vẫn không yên tâm bởi việc phân giao quota vẫn chưa ngã ngũ.
Tự động nửa vời!
Chiều 10/1, hội trường văn phòng 2 Bộ Thương mại tại TPHCM không còn "chỗ thở" vì khoảng 400 DN phía Nam và cả những nhà nhập khẩu từ Mỹ bay sang để dự hội nghị điều hành hạn ngạch dệt may xuất khẩu năm 2006.
Hội nghị thu hút sự quan tâm của DN vì sau hội nghị này, Ban điều hành (BĐH) hạn ngạch dệt may sẽ quyết định phương án điều hành cho năm 2006, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng hay không, DN thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào kết quả từ hội nghị này.
Ngay trước khi Hiệp định dệt may giữa Việt Nam và Mỹ được gia hạn, Liên bộ Thương mại - Công nghiệp đã ban hành Thông tư 18/2005 (ngày 21/10/2005) hướng dẫn việc giao và thực hiện hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ năm 2006.
Theo thông tư này, các DN xuất khẩu sẽ được cấp visa tự động (không hạn chế số lượng) ngay từ 1/1/2006 cho tới khi đạt 70% lượng hạn ngạch thì BĐH sẽ xem xét, điều tiết cho phù hợp với tình hình. Nghĩa là số lượng hạn ngạch còn lại sẽ được phân chia cho DN theo hướng DN sẽ đăng ký hạn ngạch và ký quỹ bảo lãnh.
Ngay sau phần trình bày của ông Trưởng BĐH hạn ngạch dệt may Nguyễn Đức Thanh, hội trường "nóng" lên ngay. Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 đặt vấn đề: "Nếu như đồng loạt tất cả các DN đều ký quỹ bảo lãnh 100% thành tích của mình thì còn đâu lượng hạn ngạch để cấp tự động?".
Ông Nguyễn Đức Hoan, Giám đốc Công ty Song Ngọc bồi thêm: "Theo tinh thần Thông tư 18 là được cấp visa tự động, DN chúng tôi đã ký được hợp đồng xuất khẩu 100.000 sản phẩm quần (cat 347/348 và cat 647/648), dự kiến sẽ ký tiếp tổng cộng 500.000 sản phẩm trong năm nay theo đúng năng lực sản xuất của mình. Nếu như ngưng cấp tự động thì số hợp đồng đã ký chúng tôi sẽ làm như thế nào trong khi hạn ngạch thành tích của chúng tôi năm 2005 lại không có nhiều vì cứ sau mỗi đợt phân bổ lại bị cắt bớt ?".
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu cho rằng: "Đây là một tình huống hóc búa, liên bộ sẽ ghi nhận và tính toán". Ông Bùi Xuân Khu không giải thích nhưng cho rằng khả năng tất cả các DN đều ký quỹ bảo lãnh ở mức 100% số lượng hạn ngạch thành tích của mình là khó xảy ra.
Mớ bòng bong 50%, 70% và 80%
Những DN đã có thành tích xuất khẩu cao của năm trước rất muốn BĐH phân bổ hạn ngạch theo hướng cho DN đăng ký và ký quỹ để có thể chắc chắn được lượng hạn ngạch trong tay.
Nhưng các DN mới hoặc thành tích xuất khẩu thấp thì lại muốn cho tự động. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TPHCM (Agtek) đề nghị: "Tôi đề xuất tiếp tục cho xuất tự động trước, đến khi đạt 50% tổng lượng hạn ngạch, BĐH sẽ điều tiết lại.
Đồng thời, việc đăng ký, ký quỹ bảo lãnh tiến hành luôn từ bây giờ. Sau đó, nếu số đăng ký lớn hơn 50% thì sẽ xem xét việc phân bổ như thế nào. Còn nếu số lượng hạn ngạch DN đăng ký nhỏ hơn 50% thì lại tiếp tục cho xuất tự động. Liên bộ cũng không nên cho DN ký quỹ ở mức 100% lượng hạn ngạch thành tích mà chỉ nên nằm trong khoảng 50 - 60%".
Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm này và tưởng chừng BĐH cũng sẽ ngả theo hướng này nếu như không có ý kiến của đại diện một số nhà nhập khẩu Mỹ. Ông Trần Trọng Thụy, đại diện của Tập đoàn JC Penny lưu ý: "Dù chọn phương án nào, quý vị nên nhìn ở góc độ thị trường. Việc các nhà sản xuất Việt Nam có đảm bảo được việc giao hàng với chúng tôi hay không phụ thuộc vào việc họ có bao nhiêu hạn ngạch trong tay. Khi đàm phán, chúng tôi sẽ không thể đặt hàng nếu nhà sản xuất không biết chắc mình có bao nhiêu hạn ngạch trong tay. Nếu chỉ cho DN đăng ký, ký quỹ 50% lượng hạn ngạch thành tích, tôi nghĩ hợp đồng xuất khẩu sẽ giảm sút đáng kể vì người mua sẽ bỏ đi nơi khác. Tôi đề nghị nên cho DN đăng ký 80%".
Đại diện của Tập đoàn GAP nói thẳng: "Chúng tôi cần sự chắc chắn, nếu không sẽ chuyển đơn hàng đi nơi khác".
Trước sức ép này, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu gút lại: "Chúng tôi sẽ xem xét thận trọng trước khi quyết định. Nhưng có thể theo hướng vừa cho cấp visa tự động, vừa có điều tiết. Có thể sẽ cho DN đăng ký, ký quỹ bảo lãnh khoảng 75% hạn ngạch thành tích". Đây được xem là phương án tối ưu nhất.
Theo Trung Bình - Mai Phương
Báo Thanh niên