Thị trường bất động sản TPHCM:
Nơi nóng, nơi chờ tan băng
Sau Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản TPHCM có dấu hiệu “sốt” trở lại là nhận định chung của hầu hết chuyên gia bất động sản. “Cơn sốt” này được hiểu như thế nào?
Trong nước: “sốt” cầu trở lại
Anh Thái Quyết Tuấn, chủ một doanh nghiệp ở quận Phú Nhuận (TPHCM) cho biết, với xu hướng đô thị hoá hiện nay cùng hàng loạt chủ trương khuyến khích phát triển nhà cao tầng, hạn chế phân lô, bán nền của chính quyền Thành phố, thì việc sở hữu đất trong tương lai sẽ khó hơn hiện tại. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư “trúng” cổ phiếu, muốn phân tán rủi ro bằng cách đầu tư sang thị trường bất động sản.
Khu vực đô thị mới Phú Mỹ Hưng hiện vẫn thuộc hàng top trên địa bàn TPHCM. Trung bình giá nhà đất tại đây tăng đều 20-30% mà vẫn không có hàng để bán. Việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo về “cơn sốt ảo” của thị trường chứng khoán Việt Nam đã khiến một lượng lớn vốn đổ vào thị trường bất động sản.
Đó là chưa kể, cơn sốt chứng khoán đã kéo một số nhà đầu tư bất động sản (đang “ôm” khá nhiều dự án trước đây) đẩy mạnh bán ra để lấy tiền đầu tư vào chứng khoán. Do cung - cầu dao động mạnh, nên đất và nhà tại một số khu vực Phú Mỹ Hưng và các vùng phụ cận liền kề đều trong tình trạng “sốt nóng”.
Ngay đến khu Conic Nam Sài Gòn, cách Phú Mỹ Hưng tới 7 km, nhưng được đầu tư hạ tầng tốt, giá cũng lên tới 2,8-3 tỷ đồng/biệt thự, dù đang trong giai đoạn hoàn thiện, thậm chí một số căn hộ còn nằm trên bản vẽ mà vẫn được bán “hết veo” chỉ trong thời gian cận và sau Tết.
Tương tự, thông tin đều đặn về tiến độ xây dựng hầm Thủ Thiêm và đại lộ Đông Tây cùng một loạt dự án xây dựng hạ tầng giao thông khu vực vành đai trong Quy hoạch xây dựng mạng lưới giao thông TPHCM từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 vừa được Chính phủ phê duyệt sau Tết được xem là thông tin nền tảng “kích” cầu thị trường bất động sản khu vực quận 2, khiến giá nhà đất tại đây tăng bình quân 2 triệu đồng/m2, nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn không đủ hàng để bán.
Cùng chung nhận định trên, ông Võ Đình Quốc, Phó giám đốc Trung tâm Giao dịch địa ốc ACB cho biết, tình hình giao dịch nhà đất bắt đầu “ấm” trở lại. Phần lớn hàng giao dịch qua Trung tâm ACB đều có giá trị trung bình 300-500 lượng vàng/căn trở lên.
Mặt khác, theo thông tin từ Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, trong năm 2006, số lượng hồ sơ giao đất, cho thuê đất đã tăng gấp hơn 6 lần năm 2005. Một loạt khu đất thuộc Trung tâm Khai thác quỹ đất của Thành phố đã được giao cho các doanh nghiệp trong năm 2006 sẽ trở thành hàng hoá trên thị trường bất động sản trong năm 2007.
Rõ ràng, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu khởi sắc. Một số khu vực “đắc địa” bắt đầu “sốt nóng”, một số khu vực khác vẫn trong tình trạng “băng” chưa tan.
Ngoài nước: tiên lượng khả quan
Ở góc độ vĩ mô, một ghi nhận chung là thị trường bất động sản Việt Nam đầy tiềm năng và rất nhiều tập đoàn nước ngoài đang có ý định rót vốn đầu tư.
Theo ông Phong, Trưởng Phòng DN nước ngoài (Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM), hai dự án có vốn lớn nhất được cấp phép trong tháng 3/2007 đều đầu tư vào bất động sản. Đó là Dự án VinaCapital Long Điền (tổng vốn đầu tư 250,815 tỷ đồng) và Dự án VinaCapital Phước Điền (tổng vốn đầu tư 178,549 tỷ đồng).
Bà Đỗ Thị Loan (tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TPHCM) cho biết, trong năm 2006, nhiều “đại gia” địa ốc uy tín nước ngoài liên tục tìm hiểu thị trường BĐS Việt Nam. Hàng loạt dự án của nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và một số nước châu Âu đã đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Ông Marc Towsend, Tổng giám đốc CBRE cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển bền vững, nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế và tình trạng nhà đất “trầm lắng” vừa qua chỉ mang tính chất tạm thời.
“Làn sóng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng, bởi các nhà đầu tư quốc tế có cái nhìn khá lạc quan về thị trường nhà đất Việt Nam. Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài rất chú ý tới thị trường nhà ở cao cấp và văn phòng cho thuê”, bà Loan nhận định.
Rõ ràng, dù một số khu vực vẫn còn trong tình trạng “đất chờ khách”, nhưng thực tế phải nhìn nhận rằng, một loạt khu vực do các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, chuyên môn đầu tư bài bản đang có dấu hiệu “ấm” trở lại.
Bên cạnh đó, trước làn sóng nhìn nhận khách quan từ nhà đầu tư nước ngoài, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, Việt Nam rất cần những nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bất động sản để hạ giá thành, tạo sự cạnh tranh với nhà đầu tư trong nước.
Theo Bảo Giang
Báo Đầu tư