1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nỗi lòng tỉ phú vùng tôm

Trong số những chòi lá xác xơ đó có không ít căn chòi mà chủ nhân của nó từng là những tỉ phú phất lên từ nghề nuôi tôm. Tuy nhiên, giờ đây những tỉ phú một thời đó đang trong tâm trạng lo âu và lâu lâu lại giật mình khi nghĩ đến các món nợ...

Trận mưa giông chiều cuối tuần giật tung nhiều mái lợp, xé toạc nhiều phên lá… cũ kỹ của không ít chòi canh tôm ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh từ lâu nay vắng chủ. Mấy ai biết được rằng, trong số những chòi lá xác xơ đó có không ít căn chòi mà chủ nhân của nó từng là những tỉ phú phất lên từ nghề nuôi tôm. Tuy nhiên, giờ đây những tỉ phú một thời đó đang trong tâm trạng lo âu và lâu lâu lại giật mình khi nghĩ đến các món nợ...

 

Tương lai vẫn mịt mù trên các cánh đồng tôm ở Mỹ Long Nam.
Tương lai vẫn mịt mù trên các cánh đồng tôm ở Mỹ Long Nam. 

 

Tỉ phú lâm nợ

 

Chòi canh tôm của triệu phú Phạm Văn Quắn (Út Quắn) là một trong những căn chòi mà chủ nhân của nó còn nán lại để xử lý ao tôm đã chết, lấy nước mới… “chờ thời”. Chai rượu đế nhỏ là cớ để gặp nhau, trút hết nỗi niềm sau một mùa làm ăn thất bại.

 

Bấm một cái, đúng nửa ly xây chừng, tỉ phú Dương Út Ba khè một tiếng dài, cười như mếu, thuyết minh: “Hồi trước trúng tôm liên tục, bia bán đầy ai thèm uống rượu đế. Mấy quán cóc cũng bán đủ thứ mồi nhắm tươi có, khô có, đặc sản có… còn bây giờ dân nuôi tôm muốn “giải quyết cấp tốc” không phải dễ kiếm mồi đâu”. Trúng ý mình, Út Quắn bưng dĩa tôm kim (tôm bệnh chết non phải xổ sớm) rim me lên, miệng kêu ái dà: “Thời buổi khó khăn, cây nhà lá vườn như vầy cũng được rồi mấy cha ơi!”

 

Vô được mấy vòng rượu đế, ông Út Ba bắt đầu thấm men, kể lể về chuyện lên hương của mình và hiện tâm trạng rối như “canh hẹ” cũng chỉ với con tôm.

 

Theo Út Ba, mấy năm trước, năm nào nuôi tôm cũng lời tiền tỉ, do vậy thức ăn nuôi, thuốc các loại mua gối đầu đại lý bao nhiêu cũng được, vay ngân hàng cũng dễ dàng.

 

“Giờ tôm chết la liệt, gối đầu đại lý khó khăn rồi… nhưng mấy cái này cũng hổng đáng sợ, rầu nhứt là còn vướng 3 tỉ đồng nợ vay ngân hàng chưa trả được”, ông Út Ba chuyển sang giọng buồn hơn.

 

Ngồi kế bên Út Ba, ông Hồ Văn Tâm ngắt lời: “Ông làm như mình ông mắc nợ vậy! Bảo đảm với ông là cả đám tỉ phú tôm ở Mỹ Long Nam bây giờ có tay nào hổng phủi tay sau vụ tôm đầu năm nay, thậm chí lún nợ ngân hàng bộn!”

 

Trong mắt của người dân địa phương, ông Hồ Văn Tâm, người nuôi tôm ở ấp 4, xã Mỹ Long Nam vẫn còn lắm hào quang của nhà tỉ phú đồng tôm. Mười năm nuôi tôm, ông Tâm khẳng định: “Năm nào tui cũng kiếm lời 2 – 3 tỉ bạc”. Cái hào quang hồi ấy của ông Tâm được chứng minh bằng việc xây nhà hơn nửa tỉ đồng, tiện nghi trong nhà không thua kém ai ở vùng này. Nhưng bây giờ, điều đó đối với ông là cả một sự ray rứt vì hiện còn nợ ngân hàng vài trăm triệu đồng. “Trước kia mấy đứa nhỏ đi học mỗi ngày cho 10.000 đồng thì nay chỉ cho 2.000 đồng”, ông Tâm diễn giải cho cái sự đi xuống của nghề nghiệp trước cánh đồng tôm ở ấp 4 rộng mút tầm nhìn. Mưa vẫn mù mịt. Bất chợt ông lại buông lời: “Lẽ nào tương lai vùng tôm này cứ mịt mù như vầy mãi sao?”

 

Theo ông Nguyễn Văn Bền, phó chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam, thống kê sơ bộ cuối năm ngoái, toàn xã có khoảng 17 tỉ phú nổi lên sau khoảng năm năm trúng tôm liên tục, hộ nghèo trong xã từ 22% giảm nhanh chỉ còn 7%. Nhưng những thiệt hại liên tục đầu năm nay, không ít tỉ phú cũng phải phủi tay, đứt vốn… Chưa có thống kê chính xác về tổng số nợ của các tỉ phú vùng tôm tại các ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Bền, nếu mùa tôm năm nay không ổn định lại được kịp thời, nguy cơ rớt đời của mấy ông

tỉ phú này sẽ không nhỏ!

 

Tư vấn kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản là chương trình truyền hình thu hút nhất đối với dân nuôi tôm.
Tư vấn kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản là chương trình truyền hình thu hút nhất đối với dân nuôi tôm. 

 

Triệu phú đói vốn

 

Trận mưa chiều nặng hạt vỗ vào mái, vách lá nghe rào rào từng cơn, nhưng không át nổi tiếng thở than của những nhà tỉ phú chân đất trong căn chòi nhỏ bên bờ kinh thuỷ lợi. Nguyễn Bơ nhắc nhớ lại thời con tôm “xưng vương” ở vùng này: “Mấy năm trước, trời chuyển mưa là tiếng máy kéo quạt nước ao tôm nổ ran cả đồng tôm. Nhưng năm nay thì tuyệt nhiên tĩnh lặng! Dứt mưa, thay vì các chủ ao chạy lo đánh vôi cho các ao tôm còn giờ thì ngồi nhâm nhi rượu đế để gợi buồn!”

 

Nghe mấy ông tỉ phú “khóc” dữ quá, ông Út Quắn cũng không kìm nổi tâm trạng “nhiều màu xám” của mình. Năm năm liền trúng tôm chỉ với 2.000m2 ao nuôi, Út Quắn đã trả dứt nợ ngân hàng khoảng 100 triệu đồng, cuối năm ngoái mua thêm 4 công ao (4.000m2) nuôi tôm, còn gởi lại ngân hàng gần 200 triệu đồng. Nhưng ngay vụ đầu mở mang diện tích, đại dịch tôm ở Mỹ Long Nam đã khiến toàn bộ số vốn gởi ngân hàng của Út Quắn gần như chảy tuột ra sông. Vậy mà Nguyễn Bơ còn phân bì với Út Quắn: “Ông vậy là ngon rồi còn gì. Tui nợ ngân hàng 50 triệu đồng, họ đã báo tới hạn đóng lãi cả tuần rồi mà chưa chạy đâu ra tiền để đóng nên cắn răng chờ chịu phạt thôi”. Út Quắn cãi lại: “Ông vậy là có phước hơn tui. Đứt vốn đợt này, tui muốn đi vay ngân hàng để đầu tư tiếp cũng khó rồi mấy ông ơi. Đừng tưởng muốn mắc nợ mà dễ!”

 

Trong thực tế, theo UBND xã Mỹ Long Nam, 40% hộ nuôi tôm ở địa phương này đang “đói” vốn. Dù vậy, tỉ phú Dương Út Ba vẫn đầy tâm trạng, cho rằng: “Thà đói mà sạch (nợ) còn hơn mang tiếng là tỉ phú mà nợ đầm đìa. Có lúa mới cho mượn gạo là chuyện xưa nay. Còn chuyện hiện tại, lớn thuyền thì lớn sóng – đầu tư lớn thì chết lớn mà!”

 

Thống kê của UBND tỉnh Trà Vinh cho thấy, đã có khoảng 800 – 900 tỉ đồng vốn đầu tư của người nuôi tôm trong tỉnh mất trắng tính tới cuối tháng 5 vừa rồi. “Đạp gai phải lấy gai mà lể”, ông Hồ Văn Tâm khẳng định như vậy. Theo ông Tâm, chỉ có tiền lời từ nuôi tôm (như mấy năm qua) mới có thể gỡ nợ nuôi tôm, “còn nếu tiếp tục thua thì có lẽ do mệnh trời” ông Tâm nói. Đối với triệu phú Phạm Văn Quắn trong lúc này “ai cho một bữa nhậu không bằng cho một lời tư vấn kỹ thuật nuôi tôm”. Chính vì vậy, hàng ngày ông luôn đón xem bằng được các chương trình tư vấn nuôi trồng thuỷ sản phát trên các kênh truyền hình địa phương, các tỉnh lân cận hoặc đài khu vực với hy vọng gỡ gạc lại số vốn đã đứt đuôi.

 

Mưa chiều kéo đêm xuống nhanh hơn. Bóng tối bao trùm các cánh đồng tôm thuộc ấp 3, ấp 4, ấp 5… xã Mỹ Long Nam. Không còn một ánh điện trên các ao tôm mà ở đó, một năm trước, đèn giăng như thành phố ngay khi bóng chiều chưa kịp tắt. Tỉ phú Tâm với thân hình to chắc lại rùng mình, giục giã ông Út Ba: “Về đi, tối rồi…”

 

Một cái rùng mình nhiều ý nghĩa!

 

 Ngân hàng dè dặt

 

Ông Dương Tấn Đởm, quyền trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), cho biết: “Thống kê chưa đầy đủ từ các chi nhánh ngân hàng đóng trên địa bàn huyện cho thấy, số dư nợ vay nuôi tôm của toàn huyện Cầu Ngang tính tới thời điểm hiện tại có trên 50 tỉ đồng, trong số này tập trung phần lớn ở chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Mỹ Long Nam, địa phương có tỷ lệ tôm chết rất cao, cũng là một trong những xã có dư nợ vay khá lớn. Gói vay phục vụ nuôi tôm là vốn vay ngắn hạn, chỉ trong khoảng sáu tháng, nên tình trạng nợ quá hạn những năm qua không đáng kể. Tuy nhiên, phần vốn vay đầu tư cho vụ tôm năm nay – tính từ đầu năm – đến thời điểm này có một phần đã sắp tới hạn trả nợ, nhưng tôm nuôi thì chết la liệt, người nuôi mất trắng. Trước thực trạng này, các ngân hàng hầu như rất dè dặt với các hồ sơ mới xin vay phục vụ nghề nuôi tôm”.

 

Theo Ngọc Tùng

SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm