1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Nỗi khổ" xăng dầu: Nơi tạm ngưng hoạt động, chỗ bán theo giờ

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Tại nhiều địa phương, một số đơn vị kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do không có đủ nguồn cung xăng dầu.

Nỗi khổ xăng dầu: Nơi tạm ngưng hoạt động, chỗ bán theo giờ - 1

Tại một số địa phương lực lượng quản lý thị trường phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do không có đủ nguồn cung xăng dầu (Ảnh: C.N).

Không có xăng để bán, có để bán thì… lỗ

Ông M., Giám đốc một công ty phân phối xăng dầu ở Hà Nội, than đang gặp khó trong việc duy trì hoạt động kinh doanh xăng dầu. "Nỗi khổ" của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hiện nay là giá nhập bằng giá bán. Sau khi trừ đi các chi phí, doanh nghiệp lỗ. Theo thông báo từ đơn vị mà phía ông M. đang nhập xăng dầu là PV Oil thì mức chiết khấu áp dụng từ 8/2 đối với vùng 1 là khoảng 20 đồng/lít đối với cả xăng và dầu. Trong khi đó chi phí vận tải là chiếm khoảng 230 đồng/lít nên càng bán càng... lỗ.

Nguồn tin từ một doanh nghiệp khác chia sẻ, trước đây, từ ngày 25 đến 28 hàng tháng, các nhà máy lọc dầu sẽ công bố sản lượng bán hàng cho thương nhân đầu mối, nhưng đến nay chưa có bất cứ thông báo nào về sản lượng có thể cung cấp để các doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo ghi nhận của Dân trí ngày 7/2, đa số các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội đều vẫn duy trì hoạt động, cung cấp mặt hàng thiết yếu này. Tuy nhiên, một số cửa hàng vẫn bán hạn chế số lượng.

Còn tại khu vực phía Nam, tình hình kinh doanh xăng dầu có phần phức tạp hơn với số lượng cửa hàng thông báo nghỉ bán nhiều hơn.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết, tại TPHCM, 548 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đến thời điểm báo cáo đang kinh doanh bình thường.

"Cục Quản lý thị trường TPHCM đã phối hợp Sở Công Thương TPHCM nắm tình hình về cung ứng xăng dầu trong những ngày qua. Do nguồn cung ứng xăng bị hạn chế, chiết khấu bán hàng gần như không còn dẫn đến bán lẻ xăng dầu bị lỗ; thương nhân phân phối xăng dầu phản ánh gặp khó khăn trong việc mua xăng để cung ứng cho đại lý hoặc thương nhân nhận quyền, khả năng có một số cửa hàng xăng dầu đứt nguồn xăng Ron 95 dẫn đến sẽ ngừng bán", ông Đạt cho hay.

Nỗi khổ khi nguồn cung khan hiếm

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý thị trường TPHCM, cửa hàng xăng dầu Phú Định K26 ở địa chỉ số 1 đường Hồ Học Lãm, phường 16, quận 8 có kéo rào không bán lẻ xăng cho khách vãng lai.

Qua làm việc với quản lý cửa hàng, đại diện Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết do bồn chứa xăng hiện còn ít, chỉ đủ cung cấp cho các xe có ký hợp đồng với đơn vị nên đơn vị phải kéo rào để khách vãng lai không vào mua xăng.

Trạm xăng dầu Phú Định K26 lấy xăng từ Công ty Cổ phần Vật tư Xăng dầu (COMECO). Tại thời điểm sáng 8/2, xe bồn đang chờ vào COMECO tại Cảng Cát Lái lấy xăng, dự kiến trong ngày hôm nay sẽ nhận xăng về trạm Xăng dầu Phú Định K26.

Công ty TNHH TMDV Biên Khoa, địa chỉ số 69/10X Phạm Văn Chiêu, phường 14, Quận Gò Vấp, ngưng kinh doanh xăng, hiện tại chỉ còn bán dầu vì nguồn cung hạn chế nên xăng về chậm.

Ngay trong sáng 8/2, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cũng chủ trì họp. Thành phần tham dự có Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường TPHCM và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đã đánh giá nguồn cung ứng xăng dầu và tình hình tình hình kinh doanh trên địa bàn ổn định, đồng thời trao đổi các giải pháp nhằm ổn định tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới.

Ngoài TPHCM, báo cáo nhanh của Cục Quản lý thị trường An Giang cũng cho thấy trên địa bàn này hàng loạt cửa hàng xăng dầu phải đóng cửa, nghỉ bán vì lí do thiếu hụt nguồn cung hoặc lỗ…

Chủ tịch một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn cho biết, hiện nay nguồn cung xăng dầu rất khan hiếm, doanh nghiệp muốn nhập nhiều cũng khó. Do vậy, nhiều cửa hàng xăng dầu phải hạn chế việc bán hàng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện cung ứng khoảng 30-35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam. Chỉ cần có sự thay đổi trong hoạt động của nhà máy này thì chắc chắn có tác động nhất định đến một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước, từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông Hải cho biết Bộ Công Thương trước đó đã có văn bản và liên hệ trực tiếp với một số đầu mối kinh doanh xăng dầu, đặc biệt những doanh nghiệp có thị trường lớn như Petrolimex, PVOil… để có sự phối hợp chỉ đạo, phải chủ động tìm nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng không chỉ phục vụ nhu cầu đời sống của người dân mà còn phục vụ nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Trong khi đó, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết đã có kế hoạch kiểm tra đột xuất các đơn vị kinh doanh có dấu hiệu, hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, từ ngày 28/1/2022 đến nay, lực lượng quản lý thị trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, tại một số địa phương (Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang) đã phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân (không có đủ nguồn cung xăng dầu, lượng tiêu thụ xăng dầu của người tiêu dùng tăng cao do nhu cầu đi lại, không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng).

Trong những ngày tới, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát, tiến hành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm