Nỗi khổ DN ngành tỷ đô: Sợ "ngồi chơi xơi nước", oằn mình trả lãi vay
(Dân trí) - Dịch Covid - 19 bùng phát đã tác động rất lớn tới kinh tế. Dệt may, da giày - ngành công nghiệp tỷ đô cũng đang khốn khổ dưới tác động dịch bệnh này.
Ngày 5/3, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc thực địa tại một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày để đánh giá tác động từ dịch Covid -19.
Nguồn cung gặp khó, doanh thu sụt giảm, doanh nghiệp lo sốt vó
Dịch Covid - 19 bùng phát đã tác động rất lớn tới nền kinh tế. Dệt may, da giày - ngành công nghiệp tỷ đô cũng đang khốn khổ dưới tác động dịch bệnh này.
Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành dệt may, da – giày gặp khó khi thiếu hụt nguồn cung linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ các quốc gia đang bùng phát dịch.
Đa số các doanh nghiệp ngành này chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020. “Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành này phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn”, người đứng đầu Cục Công nghiệp cho biết.
Khó khăn ngành công nghiệp tỷ đô này đã hiện rõ trong số liệu báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm. Theo đó, hàng dệt và may mặc đã giảm 1,7% trong khi mức tăng trưởng hàng năm là rất tốt.
Báo cáo Bộ trưởng Công Thương trong cuộc làm việc ngày 5/3, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 còn nghĩ tới kịch bản rất xấu - đó là nguy cơ phá sản khi dịch bệnh cứ tiếp tục kéo dài.
Cũng như các doanh nghiệp cùng ngành, “ông lớn" trong lĩnh vực dệt may này đang phải vật lộn với bài toán nguồn cung cũng như thị trường đầu ra khi khó khăn từ dịch bệnh bủa vây.
“Chúng tôi bị gián đoạn sản xuất do vật tư về không kịp theo kế hoạch. Không đủ hàng nhưng vẫn phải trả lương người lao động. Doanh thu giảm không chỉ từ xuất khẩu mà cả hệ thống kinh doanh trong nước”, Tổng giám đốc May 10 kể.
Trong khi doanh thu giảm nhưng theo ông Việt, công ty vẫn phải chịu sức ép lãi vay ngắn hạn, trả nợ gốc, trả lương công nhân… cộng thêm nguy cơ khách hàng huỷ đơn hàng do ảnh hưởng nguồn cung.
Theo số liệu lãnh đạo May 10 cung cấp, doanh thu xuất khẩu đã giảm 10% so với kế hoạch. Trong đó tháng 2 phải dừng sản xuất tới 10 ngày, tháng 3 dự kiến nghỉ 19 ngày. Chỉ tính riêng 2 tháng đã nghỉ 29 ngày. Kim ngạch xuất khẩu “thổi bay" 4 triệu USD.
Mong muốn của doanh nghiệp lúc này, theo ông Việt là được giảm lãi vay, giảm thuế đất hàng năm và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Ông Việt cũng chia sẻ thêm về gánh nặng chi phí mặt bằng doanh nghiệp đang chịu.
“Nếu được đối tác hỗ trợ giảm chi phí thuê mặt bằng trong bối cảnh này thì tốt. Cả hai bên cũng vượt khó trong bối cảnh này", ông Việt nói.
Ngoài ra lãnh đạo doanh nghiệp này cũng mong muốn được xuất khẩu khẩu trang y tế trong khi bối cảnh doanh nghiệp thiếu việc...
Doanh nghiệp mong được hỗ trợ, hạ lãi suất
Cùng cảnh, Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây cũng đang phải “gồng sức" để “chiến đấu" với những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Công ty Hoá dệt Hà Tây cho biết, do chủ yếu sản xuất giày lưu hoá nên tỷ lệ nội địa hoá tương đối cao.
Mặc dù lượng hàng nhập khẩu chỉ chiếm 10% nhưng dù có sẵn 90% nguyên phụ liệu khác rồi vẫn không thể hoàn thiện sản phẩm được. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp, hàng hoá không về kịp công ty sẽ phải dừng sản xuất khoảng 10 ngày để chờ.
“Chúng tôi nhập hàng theo từng mẫu mã. Không đôi nào giống đôi nào, mỗi mẫu sản phẩm chỉ vài nghìn đôi. Phần vật tư sử dụng rất phong phú. Danh mục vật tư có thể hàng nghìn loại...”, ông Tùng cho biết về đặc thù nhập nguyên vật liệu của công ty mình.
Một tin tích cực với doanh nghiệp này, đó là đến nay chưa có đối tác nào huỷ hợp đồng. Đồng thời công ty cũng chấp nhận một số giải pháp như dùng vật tư thay thế.
Nêu kiến nghị để tháo gỡ khó khăn, ông Tùng mong được giảm lãi suất. Bởi doanh thu giảm, thiếu hụt dòng tiền khi công ty khó khăn trong việc chi trả lãi vay.
Nếu tình hình dịch kéo dài, ông Tùng cho biết, công ty cũng sẽ phải đứng trước nguy cơ huỷ đơn hàng, hoặc bị phạt chậm giao hàng.
"Nếu đàm phán được với khách hàng thì có thể phải giao hàng bằng đường hàng không, sẽ tăng chi phí. Ngoài ra, nguy cơ thiếu nguyên liệu sẽ dẫn đến việc phải dừng sản xuất, công nhân không có việc làm", ông Tùng nói, đồng thời cho biết mong Bộ Công Thương có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Đánh giá tác động của Covid-19 đến các doanh nghiệp dệt may, da giày, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh mượn câu tục ngữ "Sau cơn mưa, trời lại sáng".
"Không phải chúng ta đang tự động viên mình, thực tế đã chứng minh những trung tâm dịch vụ lớn đang có dấu hiệu tốt lên. Bộ Công Thương đã xây dựng các kịch bản ứng phó với Covid-19, trong đó có kịch bản tốt (dịch có thể kiểm soát được trong quý I,II), kịch bản xấu (cuối năm mới có thể kiểm soát được) và rất xấu (đó là những biểu hiệu cực đoan của dịch)”, ông Tuấn Anh nói.
Người đứng đầu Bộ Công Thương đặt niềm tin rằng “sẽ không có kịch bản rất xấu xảy ra”. Chính vì thế, ngành dệt may, da dày phải tính đến ngay câu chuyện hậu dịch bệnh, khai thác các cơ hội, xây dựng kịch bản đánh giá.
Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Bộ sẽ lắng nghe các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay để tổng hợp và báo cáo Chính phủ. Về phía Bộ, Bộ sẽ làm hết trách nhiệm để hỗ trợ doanh nghiệp, từng bước tháo gỡ khó khăn.
Ngoài ra vị này cũng nhấn mạnh với doanh nghiệp, dù trong tình huống rất xấu cũng không được để xảy ra tình trạng phá sản.
Nguyễn Mạnh