Nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát

(Dân trí) - Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, tính đến 30/9, nợ xấu của ngân hàng là 35.000 tỉ đồng, chiếm 2,92% tổng dư nợ cho vay. Nợ xấu có thể lên cao hơn nữa nhưng sẽ không quá 4% (dưới mức cho phép).

Trước những thông tin khác nhau về nợ xấu của các ngân hàng hiện nay, chiều 1/11, tại buổi họp báo Thường kì của Chính phủ, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Ông Tiến cho biết, khoản nợ xấu 35.000 tỉ đồng sẽ được xử lí thông qua quĩ dự phòng rủi ro bù đắp (hiện có 22.000 tỉ đồng). Trong khoản nợ xấu nói trên, nợ xấu nhóm 5, tức nợ xấu có khả năng mất vốn chưa bằng 1/2 quĩ dự phòng rủi ro.

Phó Thống đốc cho rằng, nợ xấu có thể lên trên mức 2,92% nhưng sẽ không vượt quá 4%, trong khi mức an toàn cho phép là dưới 5%.

Về vay bất động sản ông Tiến cho biết, tính đến 30/9, tổng vốn cho vay bất động sản là 100.000 tỉ đồng, chiếm 9,15% tổng dư nợ tín dụng (mức an toàn được tính toán cho vay bất động sản là dưới 10%). Nguồn vốn vay bất động sản như vậy vẫn thấp hơn so với năm ngoái - năm 2007 cho vay bất động sản chiếm hơn 11%.

Vay bất động sản nhiều nhất thuộc về hai thành phố lớn: Hà Nội (15% tổng dư nợ cho vay bất động sản) và TPHCM (50% dư nợ cho vay). Nợ xấu cho vay bất động sản của hai thành phố là 2,5%.

Liên quan đến giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đã có những giải thích xung quanh việc giá xăng khi tăng thì tăng nhiều bậc nhưng khi giảm thì khi giảm “nhỏ giọt”.

Theo ông Tú, từ tháng 2 đến tháng 7 giá xăng thế giới liên tục leo thang, nhưng Chính phủ vẫn thực hiện bù giá xăng cho doanh nghiệp nhằm kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và đến 21/7 mới tăng giá. Sau khi giá xăng dầu thế giới giảm, xăng dầu trong nước đã giảm giá nhằm ưu tiên an sinh xã hội.

Đến giai đoạn gần đây, khi giá dầu thô thế giới xung quanh mức 65 USD/thùng, mặt hàng xăng dầu được điều tiết theo hướng hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Chính phủ đã thực hiện áp thuế, trên cơ sở doanh nghiệp có lãi, đồng thời tiếp tục giảm giá cho người tiêu dùng.

Về việc giảm “nhỏ giọt” ông Tú lí giải rằng, giá xăng dầu thế giới giảm đến đâu, trong nước hạ đến đó! Trong thời gian gần đây, giá xăng trong nước giảm 4 lần với mỗi lần giảm là 500 đồng/lít và theo ông Tú, giảm như vậy người tiêu dùng có lợi hơn là đợi đến lúc nào đó khi giá thế giới giảm sâu mới thực hiện giảm 1.000 hoặc 2.000 đồng/lít.

Cấn Cường