Nợ xấu: Vấn đề lớn của Ngân hàng Việt Nam

Cuộc họp toàn thể, sự kiện quan trọng nhất trong hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới WB và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã diễn ra tại Washington DC (Mỹ).

Các Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Bộ trưởng Tài chính của 187 quốc gia thành viên, các học giả và nhiều doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới đã có mặt để bàn về các giải pháp toàn cầu cho các vấn đề lớn của nền kinh tế thế giới.
 
Nợ xấu: Vấn đề lớn của Ngân hàng Việt Nam - 1
(Ảnh minh họa)

 

Năm nay, vấn đề nổi lên là nguy cơ suy thoái của kinh tế toàn cầu từ các cuộc khủng hoảng nợ công xuất phát từ các nước phát triển. Trong bối cảnh đó, một ngành quan trọng của nền kinh tế là ngành ngân hàng của các nước mới nổi, trong đó có Việt Nam được xem là cần có sự chuẩn bị cho các rủi ro suy thoái toàn cầu.

 

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và đại diện Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ tham dự hội nghị. Hội nghị lần này không chỉ là diễn đàn của các nhà hoạch định chính sách kinh tế, mà còn thu hút được sự tham gia của cả giới doanh nghiệp toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

 

Hơn 10 ngân hàng và các công ty tài chính lớn của Việt Nam đã đến đây nhằm tìm kiếm các thông tin cập nhật nhất về xu hướng kinh tế thế giới. Họ không khỏi lo ngại trước các biến động của thị trường tài chính thế giới lúc này. Và chính tại hội nghị, một cảnh báo đối với hoạt động ngân hàng tại Việt Nam đã được nêu ra.

 

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên Việt phát biểu: “Phải xác định mình đang đứng ở đâu, phải đưa ra một kịch bản cho sự cố khủng hoảng nặng nề nhất để khi có khủng hoảng, chúng ta chủ động, không bị hụt hẫng. Tôi nghĩ ở Việt Nam, đây cũng là mối lo thực sự. Và nếu ta chủ quan, hoạt động ngân hàng sẽ khó khăn trong thời gian tới”.

 

Đại diện IMF cho rằng, với ngân hàng Việt Nam, cách đối phó tốt nhất với các rủi ro bên ngoài là phải tự củng cố lại hoạt động của mình trước tiên. Và vấn đề lớn nhất của hệ thống ngân hàng của Việt Nam vào lúc này là nợ xấu gia tăng.

 

Ông Masato Miyazaki, Trưởng Bộ phận châu Á Thái Bình Dương, IMF: “Lí do là tín dụng của ngân hàng Việt Nam, đặc biệt cho các DNNN đã tăng rất nhanh trong vài năm qua. Tỷ lệ tín dụng trên GDP là 125%, hiện cao nhất trong khu vực. Tăng tín dụng quá nhanh trong 1 thời gian quá ngắn sẽ tạo ra nợ xấu. Hiện tỷ lệ nợ xấu công bố chính thức khá thấp, nhưng thị trường cho rằng, con số thật cao hơn thế nhiều”.

 

Vị chuyên gia có nhiều năm theo dõi VN cũng đã đưa ra một giải pháp xử lý nợ xấu là các ngân hàng cần tăng vốn để có đủ lực chống đỡ trong trường hợp nợ xấu mất vốn.

 

Ông Masato Miyazaki, Trưởng Bộ phận châu Á Thái Bình Dương, IMF: “Vấn đề không chỉ là thiếu vốn, mà còn là chất lượng của đồng vốn tăng thêm. Có hiện tượng nhiều ngân hàng sở hữu chéo cổ phần của nhau. Trên giấy thì ngân hàng đó có đủ vốn, nhưng thực tế một lượng vốn lớn do ngân hàng khác sở hữu. Nếu khủng hoảng xảy ra, khoản vốn tại các ngân hàng khác khác là vô nghĩa”.

 

Các chuyện gia nhận định, một rủi ro lớn trong trường hợp xảy ra các cú sốc lớn từ châu Âu hay Mỹ, là dòng vốn tại các nước đang phát triển sẽ bị rút đột ngột. Rủi ro này hoàn toàn có thể xảy ra khi trong những ngày gần đây, liên tục xuất hiện các diễn biến phức tạp của vấn đề nợ công châu Âu như sự tiếp tục bị đánh tụt xếp hạng tín dụng của Italy, một trong các nước đang ngập trong khủng hoảng nợ công.


Theo Minh Hường

VTV.vn

Dòng sự kiện: Siết trần lãi suất