Nợ xấu tăng mạnh, “gặm” mòn lợi nhuận các ngân hàng

(Dân trí) - Qua 6 tháng đầu năm nhiều ngân hàng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng rất thấp, thậm chí là thụt lùi về lợi nhuận. Trong khi đó nợ xấu và chi phí trích lập dự phỏng rủi ro tín dụng tăng rất mạnh.

Nhiều ngân hàng sẽ “vỡ” kế hoạch lợi nhuận?

Sau một năm 2011 thành công với những kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, nhiều ngân hàng đã tự đặt ra cho mình những con số kế hoạch lợi nhuận ngất ngưởng cho năm 2012. Tuy nhiên, điểm qua kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của một số ngân hàng lớn đã niêm yết cho thấy, rất có thể năm nay nhiều ngân hàng sẽ không thể đạt con số kỳ vọng.

Nhiều ngân hàng có nguy cơ không đạt kế hoạch lợi nhuận

Nhiều ngân hàng có nguy cơ không đạt kế hoạch lợi nhuận (Ảnh: Interrnet)

Trường hợp đầu tiên có thể kể đến đó là ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Sau khi đạt mức lợi nhuận 4.219 tỷ đồng trong năm 2011, năm nay ACB kỳ vọng sẽ đạt mức 5500 tỷ đồng ở năm nay, tăng 30%.

Thế nhưng theo báo cáo tài chính vừa được ngân hàng này công bố ngày 20/7, hết 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của họ mới chỉ đạt 1847,24 tỷ đồng, giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái và mới đạt 33,6% kế hoạch. Như vậy nếu muốn cán đích, trong 6 tháng còn lại ngân hàng này phải đạt 3.652,76 tỷ đồng, tương đương hơn 600 tỷ đồng/tháng.

Khả quan hơn một chút, ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cũng mới chỉ đạt 40,4% kế hoạch lợi nhuận 4.600 tỷ mà đại hội cổ đông thông qua cho năm 2012. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, tính đến ngày 30/6, Eximbank đạt 1.856,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng nhẹ 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nợ xấu tại các ngân hàng đang tăng mạnh

Không chỉ lợi nhuận suy giảm, bức tranh ngành ngân hàng qua 6 tháng đầu năm phản ánh qua 3 đại diện trên còn có thêm những mảng màu tối khác: Nợ xấu tiếp tục leo thang đẩy chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao.

Trong phân tích về tình hình nợ xấu các ngân hàng 3 tháng đầu năm, người viết từng chỉ ra rằng dù dư nợ các ngân hàng sụt giảm nhưng tốc độ “phình” lên của nợ xấu tăng vọt. Và đến nay xu hướng này vẫn chưa dừng lại, thậm chí còn diễn biến nhanh hơn.

Tại ngân hàng ACB, số liệu của ngân hàng này cho thấy, đến 30/6/2012, tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 102.772,133 tỷ đồng, chỉ tăng tăng 0,86% so với đầu năm. Trong khi đó số lượng nợ xấu đã tăng từ 873,52 tỷ đồng lên 1.575,2 tỷ đồng, tương đương hơn 80%. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của họ giờ đã ở mức 1,53%.

Trước đó trong quý 1, nợ xấu của ACB tăng 38,8% so với đầu năm. Như vậy rõ ràng chất lượng các khoản cho vay của nhà băng này qua mỗi quý lại xấu đi nhanh chóng. Trong đó nhóm nợ đáng lo nhất, nợ có khả năng mất vốn, đã tăng hơn gấp đôi, từ 297,34 tỷ đồng lên 607,1 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng nhanh khiến chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này cũng tăng 42,6%, từ 211,97 tỷ đồng lên hơn 302 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế của ACB sụt giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn tăng 1,5%.

Khả quan hơn, số nợ xấu của Eximbank cuối quý 2 theo thuyết minh báo cáo tài chính của ngân hàng này là 1.304,35 tỷ đồng, tăng 8,43 % so với đầu năm. Đáng chú ý là chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của Eximbank chỉ ở mức 117,6 tỷ đồng, giảm 3,29% so với đầu năm. Hiện tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của nhà băng này là 1,73%.

Qua những con số trên có thể thấy, rõ ràng nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục là quãng thời gian khó khăn với các ngân hàng. Nếu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để đạt kế hoạch lợi nhuận nguy cơ nợ xấu tăng vọt vào cuối năm lại càng cao. Nhưng nếu không đạt chỉ tiêu lợi nhuận mà đại hội cổ đông và HĐQT đề ra thì chiếc “ghế nóng” của CEO tại các ngân hàng cũng có nguy cơ gặp rủi ro.

Thanh Tùng