Nợ xấu ngân hàng lên tới 300.000 tỷ đồng?

(Dân trí) - Mặc dù có nhiều số liệu khác nhau về nợ xấu đã được công bố, song với điều kiện việc phân loại nợ và đánh giá tài sản đảm bảo được thực hiện khá tốt, VEPR cho rằng, nợ xấu hệ thống ngân hàng đang nằm trong khoảng 180.000-300.000 tỷ đồng.

Sáng nay (27/5), tại hội thảo công bố báo cáo thường niên Việt Nam 2013: "Trên đường gập ghềnh tới tương lai" do trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc kiêm Kinh tế trưởng VEPR cho biết, trước những con số nợ xấu khác nhau được các cơ quan công bố, nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo nhận định, nợ xấu hệ thống ngân hàng đang nằm trong khoảng 180.000-300.000 tỷ đồng.

Con số nợ xấu này được dự báo với điều kiện việc phân loại nợ và đánh giá tài sản đảm bảo được thực hiện khá tốt.

Công bố Báo cáo thường niên VEPR năm 2013 (Ảnh: CN).
Công bố Báo cáo thường niên VEPR năm 2013 (Ảnh: CN).

Trước đó, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tính đến thời điểm 31/3/2012, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng ở mức 3,57%. Tuy nhiên, công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại cho thấy, nợ xấu thực tế ở mức 8,6%. Với giả định sự chênh lệch trên duy trì đến tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu thực của hệ thống ngân hàng là 9,53% với giá trị 241.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 2/2013, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống được Văn phòng Chính phủ công bố ở mức 6%.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, trong trường hợp nợ xấu tăng gấp đôi so với mức hiện nay, vốn của các ngân hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mức an toàn vốn ước tính có thể giảm xuống một nửa so với mức hiện nay.

Và với tình trạng nợ xấu trong mối quan hệ với các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam, xử lý nợ xấu mang tính hệ thống là yêu cầu cấp thiết.

Nguyên nhân nợ xấu vừa xuất phát từ những yếu tố vĩ mô nền tảng như sự tăng trưởng nhanh song lại không bền vững, tỷ lệ lạm phát cao trong nhiều năm. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp phá sản tăng nhanh, giá cả các tài sản giảm dẫn tới suy giảm khả năng trả nợ của khách hàng và cuối cùng làm gia tăng nợ xấu ngân hàng.

Bên cạnh đó, chính sách phát triển kinh tế phụ thuộc vào trụ cột là doanh nghiệp nhà nước được thực hiện trong thời gian dài nhưng lại không đạt được hiệu quả.

Ngay trong bản thân khu vực ngân hàng, tốc độ tăng trưởng từ năm 2010 trở về trước rất cao, cao hơn rất nhiều so tốc độ tăng trưởng GDP, trong khi cơ cấu danh mục đầu tư tín dụng lại kém bền vững.

Dư nợ trong lĩnh vực bất động sản không phải là cao nhất, nhưng phần lớn các dự án bất động sản, xây dựng thường có tài sản đảm bảo là các bất động sản cũng rất nhiều khoản vay khác có tài sản đảm bảo đều là bất động sản.

Giữa lúc đó, tình trạng sở hữu chéo của các ngân hàng, việc thành lập các ngân hàng và cho vay lại các tập đoàn và sự gia tăng trong vay liên ngân hàng; khả năng quản trị của các ngân hàng, chất lượng thẩm định các khoản vay chưa tốt, nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn của các ngân hàng quá cao. Các yếu tố này đều hợp lại khiến tình trạng nợ xấu ngày càng xấu hơn.

Để giải quyết nợ xấu, nhóm nghiên cứu cho rằng, trước hết cần xác định đúng quy mô, mức độ nghiêm trọng và tác động của nợ xấu tới nền kinh tế. Thời gian xử lý cần khoảng 7-10 năm chứ không thể chỉ trong thời gian ngắn 2-3 năm như kỳ vọng.

Ngoài ra, tại báo cáo năm nay, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 2013. Ở kịch bản thấp, lạm phát sẽ chỉ ở mức 4,95% và tăng trưởng là 5,04%. Còn tại kịch bản cao, tăng trưởng đạt 5,35% và lạm phát là 6,64%. (Các số liệu tính theo giá năm 2010. Với cách tính này, tăng trưởng năm 2012 là 5,25% và lạm phát là 6,81%).
 
Lùi thời hạn phân loại nợ và trích lập dự phòng đến 1/6 năm sau
 
Theo Thông tư số 12 vừa được Thống đốc NHNN ban hành hôm nay 27/5 sửa đổi một số điều của Thông tư số 02 ngày 21/01/2013 về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngày có hiệu lực của Thông tư 02 được lùi lại đến ngày 1/6/2014, thay vì 1/6/2013 như quy định của Thông tư 02.

Theo NHNN, thông tư này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất cho vay và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, quyết định này còn giúp cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thêm thời gian để chủ động xây dựng lộ trình thực hiện và chuẩn bị các điều kiện đẩy đủ áp dụng Thông tư 02.

Theo yêu cầu từ Ngân hàng Nhà nước, với sự điều chỉnh và trong một thời gian khi Thông tư 02 có hiệu lực (kể từ 1/6/2014 tới), các tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài phải tích cực chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu, xử lý nợ xấu theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 và Đề án xử lý nợ xấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Còn nhớ, khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 ngày 21/1/2013, Thông tư này có một số thay đổi quan trọng với các qui định sát với chuẩn mực quốc tế Basel 2 như phạm vi tài sản có phải phân loại, định giá tài sản bảo đảm, sử dụng thông tin tín dụng, tiêu chuẩn phân loại nợ, phản ánh đầy đủ hơn chất lượng tài sản của tổ chức tín dụng.

Sau khi Thông tư được ban hành, nhiều tổ chức tín dụng đã bắt tay vào việc tính toán lại các khoản nợ và tiến hành phân loại nợ, để chính thức áp dụng từ ngày 1/6/2013. Trong quá trình chuẩn bị triển khai thực hiện, các tổ chức tín dụng và nhà làm chính sách đã phát sinh một số vấn đề. Nếu áp dụng Thông tư này vào thực tế, tỉ lệ nợ xấu tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) có thể tăng từ 3-4% hiện nay lên 10-20%, thậm chí cao hơn. Tỉ lệ nợ xấu tăng cao cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải trích lập dự phòng nhiều hơn, điều kiện cho vay chặt chẽ hơn, ảnh hưởng đến khả năng cho vay đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế.
 
Nguyễn Hiền
 
Bích Diệp