Nợ xấu bất động sản có phần sai phạm, tiêu cực của ngân hàng

(Dân trí) - Phó Thống đốc NHNN, Thứ trưởng Bộ Tài chính lần lượt “chia lửa” cùng Bộ trưởng Xây dựng trong phiên giải trình về việc giải cứu bất động sản. Nợ xấu, tiêu cực của ngân hàng khi cho vay bất động sản… là những câu hỏi hóc dành cho những người “chia lửa”.

Trong phiên giải trình về thực trạng, giải pháp thị trường bất động sản của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng ngày 24/1, đại biểu Trần Du Lịch chuyển hướng truy vấn trách nhiệm sang lãnh đạo NHNN. Ông Lịch hoan nghênh chủ trương dành 3% dư nợ tín dụng cho vay bất động sản của Chính phủ và NHNN. Đây là giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thị trường này.

Tuy nhiên, ủy viên UB Kinh tế này vẫn còn điểm băn khoăn về thời hạn và mức lãi suất cho vay theo “gói” hỗ trợ này. Theo ông Lịch, thời hạn cũng như mức lãi suất chí ít phải ổn định trong khoảng 3 năm mới có thể mang lại tác động đáng kể, mới là cơ sở để người dân tin tưởng, vững tâm vay mua nhà.
 
Ông Lịch cũng kiến nghị gỡ điểm vướng trong quy định không cho vay để hoàn tất dự án khiến nhiều công trình dù đã xong đến 70-80%, thậm chí 90% vẫn phải dừng dở dang vì thiếu vốn.
 
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, người “cầm trịch” phiên giải trình “đào sâu” thêm. Ông Giàu phân tích, chính quy định dừng cho vay đó khiến nhiều khoản nợ của nhà đầu tư các dự án từ nợ tốt biến thành nợ xấu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Nợ xấu bất động sản có phần sai phạm, tiêu cực của ngân hàng
Đại biểu Trần Du Lịch: "Lãi suất cho vay mua nhà phải ổn định tối thiểu 3 năm người dân mới vững tâm".

Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình thừa nhận thực tế không ít dự án đã hoàn thành 1 phần (do đóng góp của dân một phần, vay ngân hàng một phần) đang phải dừng lại dang dở vì ngân hàng không tiếp tục cho vay. Nhiều dự án chết oan, nửa đường đứt gánh. Tới đây, NHNN đã chủ trương tập trung cho vay với những dự án dở dang này để công trình để có thể hoàn thành, góp phần giải quyết hàng tồn kho, lãng phí.

Trong bối cảnh dù rất khó khăn, NHNN vẫn sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành lượng vốn nhất định với lãi suất và thời hạn cho vay mua nhà ưu đãi hơn các gói vay thương mại khác. Có khoản vay thời hạn dài tới 10 năm.

Ngoài ra, theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, năm 2013, ngành ngân hàng cũng sẽ thiết kế chương trình cho vay với người mua nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp với chủ trương xây dựng mức lãi suất thấp hơn khá nhiều lãi vay thương mại khác. Về lâu dài, ông Bình cho rằng cần xây dựng thể chế mới vớ nguồn vốn dài hạn hơn, lãi suất thấp hơn mới giúp được cho vay phát triển thị trường.

Đại biểu Bùi Nguyên Súy nhắc lại lời Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại phiên giải trình về vấn đề nợ xấu vào tháng 8/2012, xác nhận nguyên nhân việc thẩm định cho vay chưa tuân thủ đúng quy định. Ông Súy đặt câu hỏi ngân hàng đã xác định sai phạm trong hoạt động cho vay thế nào trong khối nợ xấu của bất động sản?

Ông Đặng Thanh Bình một lần nữa thừa nhận, kết quả thanh tra tại 33 ngân hàng thời gian qua cho thấy hầu hết đều có sai phạm, “be bé cũng có và nghiêm trọng cũng có”. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cho biết không có thông tin cụ thể thống kê sai phạm trong việc cho vay ở lĩnh vực bất động sản.

Một số đại biểu dự phiên giải trình cũng tỏ ý nghi ngờ về con số tỷ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản là 5,4% tại báo cáo chính thức của Ngân hàng Nhà nước. Dẫn nhiều con số từng được các lãnh đạo cấp cao nhà nước nêu ra có độ “vênh” đáng kể so với báo cáo  này, Chủ tịch tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam Trần Xuân Hòa yêu cầu đại diện NHNN khẳng định một lần nữa về số dư nợ bất động sản hiện nay một cách đầy đủ, chính xác.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Tập đoàn Thanh - (TKV) vẫn đưa ra đề nghị Ngân hàng Nhà nước có báo cáo đầy đủ chính xác về dư nợ bất động sản hiện nay, khi đã có trong tay báo cáo nói trên.

Ông Bình nhấn mạnh, tổng dư nợ cho vay bất động sản hiện chiếm 8,6%,  nợ xấu nằm trong lĩnh vực này hiện ở mức 12.300 tỷ đồng, tương đương 5,4%, thấp hơn tỷ lệ nợ xấu bình quân của các lĩnh vực khác.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM tiếp tục truy Phó Tống đốc NHNN: “Ở các nước người dân đều mua nhà trả góp từ tiền vay ngân hàng. Vậy ở Việt Nam ngân hàng có xem cho vay mua nhà là nghiệp vụ kinh doanh chính của mình không? Có ổn định lãi suất thì mới kích cầu, ngân hàng có thông điệp mạnh mẽ hơn về vấn đề này không?”.

Ông Bình gật đầu xác nhận một nghịch lý đang diễn ra trong thực tế là đất nước còn nghèo, người dân Việt Nam có thu nhập rất thấp nhưng giá nhà ở lại rất cao, lại có truyền thống mua nhà kiểu mua đứt bán đoạn, trả 1 lần tiền hết ngay.

Phó Thống đốc cũng trấn án, từ xưa đến nay cho vay mua nhà vẫn coi là tín dụng tiêu dùng, cho vay bình thường. Còn năm 2013, NHNN  xây dựng chính sách riêng với khu vực này, ưu đãi hơn cho các đối tượng mua nhà thấp, còn chính sách chung thì căn bản dựa trên các yếu tố cho vay thương mại.

Ủy viên UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang thắc mắc, ngân hàng có quyền đề xuất, kiện phá sản với doanh nghiệp khách hàng, sao không sử dụng quyền này. Có ý kiến cho rằng ngân hàng cũng ngại việc này.

Nêu quy trình thủ tục rất nhiêu khê lâu dài là lý do các chủ nợ không muốn khởi kiện phá sản các khách hàng của mình qua tòa án, Phó thống đốc cho biết cố gắng nuôi nợ là cách hay làm của nhiều ngân hàng, vì ngân hàng rất thông minh tính toán để họ có lợi nhất.
 
Nợ xấu bất động sản có phần sai phạm, tiêu cực của ngân hàng
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Hữu Chí "chia lửa" trong phiên giải trình về việc giải cứu bất động sản.

Vấn đề nguồn ngân sách để giải cứu bất động sản, hỗ trợ bằng chính sách miễn giảm giãn thuế được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí giải trình thêm. Theo ông Chí, các khoản thu liên quan đến bất động sản và đất đai chiếm 11% trong cơ cấu thu ngân sách. Tính toán của Bộ Tài chính, năm 2013, việc miễn giảm và gia hạn thuế sẽ lên tới mức trên dưới 5000 tỷ, nguồn thu từ lĩnh vực đất đai khoảng 15.000 tỷ cũng không thu trong năm nay, cộng lại là trên dưới 20.000 tỷ. Khoản hụt thu dự kiến khá lớn nhưng Bộ Tài chính cũng đã tính toán để phấn đấu tăng các nguồn khác, đưa vào cân đối chung.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí cũng trả lời thêm chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch về việc nhiều DN bất động sản than vãn bị làm khó vì chính sách khiến khi đầu tư, họ phải “mua đất 2 lần”, đẩy giá nhà đất lên cao. Ông Chí khẳng định đã nhiều lần làm việc với các DN tại TPHCM về vấn đề này. Việc bỏ tiền mua đất lần đầu như DN “tố”, ông Chí khẳng định là do nhà đầu tư thỏa thuận với người có đất hợp pháp. Đây là một giao dịch dân sự, nhà nước không can thiệp.

Sau khâu thỏa thuận mua bán này, để triển khai dự án, nhà đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất cho việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất đầu tư kinh doanh, đất thổ cư. Đây là gút mắc mà các DN nói đến. Quy định pháp luật về việc xử lý vấn đề này rất cụ thể, tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất chỉ phải tính trên phần chênh lệch giữa đất nông nghiệp và đất làm nhà ở tại cùng thời điểm chứ không thu 100% mà nói phải “mua 2 lần” như phản ánh của DN.

P.Thảo