Nợ xấu bán đi, nợ xấu lại về

Như vậy, mặc dù, gần như chỉ thu được một số nợ lẻ không đáng tính, nhưng thị trường tài chính đã có thể thở phào. Về căn bản, thảm họa nợ xấu đã trôi qua. Không thu nợ được nhưng lại không còn nợ xấu?

Thật đơn giản, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ cần nói với các tổ chức tín dụng (TCTD) một câu thôi: Thế nhé, từ nay chúng ta sẽ không tính đến nó nhé, cho các anh 5 năm, sau đó… lại tính. Chỉ cần thế là đủ sướng run lên rồi. Vậy là được tiếp tục hoạt động, tiếp tục huy động tiền của dân, tiếp tục cho vay lấy lãi. Được ngày nào hay ngày đó chứ “năm năm có hơn ngàn ngày”, nợ xấu lại trở lại vẹn nguyên với hình hài của nó.

Nợ xấu thật là bao nhiêu?

Nợ xấu thật là bao nhiêu?

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Khó nói lắm. Nếu theo quan niệm thông thường, nợ xấu là nợ có khả năng mất vốn, cụ thể hơn là đến hạn phải trả nợ, con nợ rơi vào tình trạng không trả nợ được, thì số nợ xấu có thể lên đến cả triệu tỷ. Nhưng đánh giá thế thì nhiều TCTD mất hết cả vốn à? Không được! Việc đầu tiên là các TCTD tự xử, nghĩa là với các khách hàng ruột, phải đáo nợ sớm, hạn vay khoản vay sau phải dài ra, tới được trung, dài hạn thì tốt. Việc này đã được làm cơ bản trong năm 2012.

Nhưng không phải là khách nợ nào cũng được hưởng đặc ân này. Các khách nợ tuy mất khả năng trả nợ nhưng vẫn hoạt động lắt lay sẽ được xử lý theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ. Con số thống kê cho thấy 300.000 tỷ đồng tiền nợ đã được xử lý bằng biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn tạm thời nhưng có phương án tái cơ cấu, khắc phục khó khăn và có khả năng, triển vọng vượt qua khó khăn, một khối lượng lớn dư nợ tín dụng được giữ nguyên nhóm đã góp phần hỗ trợ giảm bớt khó khăn tài chính cho doanh nghiệp do không phải trả lãi phạt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục có thể vay vốn ngân hàng. Con số này tương đương 10% tổng dư nợ. Một số chuyên gia tài chính nhận định: Nếu không có Quyết định số 780/QĐ-NHNN, trong số 10% này sẽ có ít ra 70% thành nợ xấu nhóm cuối cùng. 

Phần nợ xấu còn lại, các TCTD có thể đưa ra khỏi nợ xấu bằng cách trích lập dự phòng rủi ro. Mà với công thức tính: số tiền trích lập bằng dư nợ trừ đi giá trị tài sản đảm bảo nhân với tỷ lệ quy định tại Thông tư 02/NHNN thì cũng không là bao nhiêu. Chính vì vậy, cho đến cuối tháng 9-2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng chiếm 4,62% tổng dư nợ. Tỷ lệ trên giảm nhẹ so với mức 4,64% cuối tháng 8-2013, nhưng tăng 20,20% so với cuối năm 2012. Tốc độ tăng nợ xấu bình quân trong 9 tháng đầu năm 2013 đã giảm so với năm 2012 (2,2%/tháng so với mức 3,91%/tháng).

Đáng chú ý, theo Ngân hàng Nhà nước, nếu không thực hiện Quyết định số 780/QĐ-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ và không xử lý bằng dự phòng rủi ro trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013, thì nợ xấu toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9-2013 lên tới 12,7%. Nghĩa là không thu được nợ, nhưng nợ xấu đã bay đi 8%. Nợ chưa thu được, nợ vẫn còn nguyên và các TCTD vẫn đang nợ nguồn huy động số nợ đó. Và nếu các khách nợ không trả được thì… không bàn chuyện hoạt động nữa. Tuy nhiên gần 5% tổng dư nợ là nợ xấu nội bảng thì vẫn là khối ung thư cần phải chữa trị. Và VAMC (Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) ra đời. 

Bán nợ xấu như thế cũng chỉ là tạm chưa tính thôi

Theo nguyên tắc, các khoản nợ xấu của các TCTD có nợ xấu quá 3% tổng dư nợ, phải bán nợ cho VAMC. Tuy nhiên, việc bán nợ này thực chất cũng chỉ là gửi nợ vì sau 5 năm, số nợ này lại quay về TCTD. Các TCTD bán nợ xấu cho VAMC với mong muốn VAMC sẽ giúp họ thu hồi được vốn từ các khách hàng không có khả năng hoàn nợ, chứ họ không muốn sau 5 năm các khoản nợ xấu lại trở về với mình. Vấn đề lớn nhất hiện nay không phải là việc VAMC mua nợ xấu của ai, với giá như thế nào, mà điều các tổ chức tín dụng bán nợ quan tâm là sau khi mua nợ của họ, VAMC sẽ xử lý các khoản nợ xấu như thế nào?

Chính cơ chế này đã tạo ra khó khăn lớn nhất trong việc xử lý nợ xấu hiện nay là hậu mua nợ. Và nếu nền kinh tế không khởi sắc, các doanh nghiệp không trả được nợ thì lúc đó, những món nợ này sẽ là thảm họa thật sự. 

Lối thoát cho tình trạng này là sau khi mua nợ xấu, VAMC phải bán được nợ xấu. Đương nhiên khó có thể tìm được người mua nợ xấu ở trong nước mà buộc phải tìm nguồn từ nước ngoài. Nói theo lối thông thường thì vấn đề quan trọng là cần có sự xuất hiện của nhà đầu tư nước ngoài. Hàn Quốc, giai đoạn 1999-2003 đã bán tới 8,5% nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong 2 năm 2003-2004, Trung Quốc cũng đã bán 10 tỷ USD nợ xấu cho nước ngoài. Thái Lan, Malaysia... trước đây đã phải thay đổi luật, cho phép người nước ngoài được sở hữu bất động sản để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu. Chính NHNN mới đây cho biết cần phải đẩy nhanh việc hình thành thị trường mua bán nợ, tạo điều kiện bán nợ cho nhà đầu tư. Để xử lý thành công nợ xấu, VAMC phải bán khoảng 60-70% cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đây là vấn đề cực khó của Việt Nam lúc này khi chính sách chưa có. Đúng hơn là chúng ta chưa có một thị trường mua bán nợ xấu thật, một cái chợ thật để khách hàng đến mua. Ở nước ta hiện nay, thị trường mua bán nợ được đánh giá còn khá sơ khai, cả về các điều kiện ra đời, phát triển cũng như thực tiễn hoạt động. Theo giới chuyên gia, muốn hình thành được thị trường mua bán nợ cần phải có hành lang pháp lý ổn định. Thị trường này cũng có người bán (DN có nhu cầu bán nợ), người mua (DN có nhu cầu mua nợ), hoạt động, phát triển dưới sự chi phối của các quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, chi phí, lợi nhuận... và một tòa án chuyên nghiệp để xử lý nợ xấu. Những điều ấy còn chưa có ở nước ta. Mặc dù các cơ quan của Nhà nước rất muốn nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để trên cơ sở đó tạo ra một thị trường mua bán nợ tập trung cho tất cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nhưng với tiến độ chậm chạp như nước ta chưa biết năm nào có thể có được các điều kiện pháp lý cũng như hạ tầng cho cái chợ mua bán nợ này.

Chính vì vậy, trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã đề nghị: “Không nên tiếp tục kiểu cơ cấu lại nợ khiên cưỡng hay xử lý nợ xấu qua VAMC như hiện nay, bởi cách làm này tạo ra số liệu ảo, thực trạng ảo, cũng như về cơ bản không làm thay đổi bản chất vấn đề nợ xấu”. Cũng trên diễn đàn này, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng: “Nợ xấu vẫn là điểm nghẽn của nền kinh tế hiện nay. Vừa qua, VAMC đã khởi động mua nợ, nhưng nếu không có dòng tiền từ bên ngoài bơm vào, thì xử lý nợ vẫn là chuyển nợ từ ngân hàng sang VAMC, tức là từ “túi trái sang túi phải” không có gì hơn”.

Rất nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá rằng Việt Nam đang có nhiều cơ hội bán nợ cho các tập đoàn nước ngoài. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, nợ xấu sẽ khó được xử lý. Vấn đề là hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước có nhanh chóng xây dựng được chính sách mới đáp ứng cơ hội không. Nếu kinh tế phục hồi chậm, thị trường bất động sản cũng không có chuyển biến rõ rệt và xử lý nợ xấu gặp nhiều rủi ro, thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ bỏ đi. Đây sẽ là thách thức lớn không chỉ của hệ thống ngân hàng mà của cả nền kinh tế.
 
Theo Phan Đức
An ninh Thủ đô

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước