1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ngân hàng giấu nợ xấu vì sở hữu chéo?

(Dân trí) - Theo cảnh báo của VCBS, một số ngân hàng có thể dùng kỹ thuật tài chính để đẩy tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%; hoặc nếu buộc phải bán nợ thì các tài liệu, đánh giá nội bộ, thông tin về doanh nghiệp có thể không được chuyển giao hoàn toàn cho VAMC.

Còn nhiều vấn đề phải làm để giải quyết triệt để nợ xấu.
Còn nhiều vấn đề phải làm để giải quyết triệt để nợ xấu.

Chưa thể đánh giá hiệu quả VAMC

Tại Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng Quý II và Quý III/2013 do Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thực hiện, các chuyên gia phân tích cho rằng, việc đánh giá hiệu quả của Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) tại thời điểm hiện tại chưa có cơ sở rõ ràng.

Theo đó, việc mua nợ xấu chỉ là bước đầu tiên trong cả quá trình giải quyết nợ xấu. Vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở việc VAMC có thể xử lý (bán, tái cơ cấu) các khoản nợ xấu này sau đó hay không và thời gian xử lý là nhanh hay chậm.

Từ 1/10/2013, VAMC đã bắt đầu mua nợ xấu, và từ nay đến cuối năm, tổ chức này dự kiến phát hành 35.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) và chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ 21/9-30/10 với 10.000 tỷ đồng TPĐB và đợt 2 từ 1/11đến hết 2013 với 20.000-25.000 tỷ đồng TPĐB được phát hành.

Trong đợt 1, VAMC mua nợ xấu của các ngân hàng Navibank, SCB, Agribank, SHB: Theo thỏa thuận ký kết, Agribank bán 2.534 tỷ đồng nợ xấu trên sổ sách cho VAMC với giá 1.723 tỷ đồng bằng TPĐB. Kế đến, SHB, PGBank và SCB cũng đã ký hợp đồng bán nợ xấu cho VAMC với tổng trị giá hơn 800 tỷ đồng.

Đây là những ngân hàng thuộc nhóm có nợ xấu cao nên việc các ngân hàng này chủ động bán nợ cho VAMC được đánh giá là bước đi tích cực đối với việc sắp xếp và cơ cấu lại các khoản nợ.

Số nợ mà VAMC dự kiến mua đến cuối năm khoảng 35.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 18% tổng nợ xấu. Con số này thấp hơn nhiều so với mức dự kiến ban đầu là 80.000-100.000 tỷ đồng đưa ra hồi đầu năm. VCBS nhận định, việc mua bán nợ xấu sẽ diễn ra sôi nổi hơn và có quy mô lớn hơn và nửa đầu 2014 do 1/6/2014 là thời điểm áp dụng Thông tư 02 về việc phân loại nợ theo hướng chặt chẽ hơn.

Do đó, theo VCBS, việc bán nợ xấu cho VAMC là giải pháp khả thi nhất để một số ngân hàng tránh được tỷ lệ nợ xấu tăng cao đột biến khi áp dụng Thông tư 02.

Một số ngân hàng không muốn bán nợ xấu cho VAMC

Tại báo cáo lần này, VCBS cũng chỉ ra một số rào cản đối với việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu của VAMC, trong đó nổi bật là việc một số ngân hàng có thể không muốn bán nợ xấu cho tổ chức này.

Cụ thể, do quan hệ sở hữu chéo và những lợi ích kinh tế gắn kết giữa ngân hàng và các doanh nghiệp liên quan đến các chủ sở hữu, một số ngân hàng có thể không muốn chuyển giao nhóm đối tượng khách hàng đặc biệt này cho VAMC.

"Họ có thể dùng các kỹ thuật tài chính để đẩy tỷ lệ nợ xấu xuống dưới mức phải bán nợ cho VAMC là 3% theo quy định; hoặc nếu buộc phải bán nợ, các tài liệu, đánh giá nội bộ, thông tin về doanh nghiệp mà ngân hàng có được sẽ có thể không được chuyển giao hoàn toàn" - VCBS cảnh báo.

Như vậy, để VAMC có thể hoạt động hiệu quả, các chuyên gia phân tích tại VCBS cho rằng, song song với việc đẩy nhanh quá trình làm việc giữa VAMC với các tổ chức tín dụng có ý định bán nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cũng cần đẩy mạnh công tác thanh tra nhằm đánh giá chính xác hơn tình trạng nợ xấu thực sự của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, ban hành cơ chế can thiệp mạnh mẽ hơn đối với những tổ chức tín dụng không hợp tác trong quá trình xử lý nợ xấu.

Chỉ khi làm được điều này thì vấn đề nợ xấu của toàn hệ thống mới có thể được giải quyết một cách triệt để - VCBS khẳng định.

Xu hướng tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng

Qua quan sát diễn biến tỷ lệ nợ xấu từ đầu năm 2012 đến nay, VCBS cho thấy, xu hướng tăng vẫn là chủ đạo. Điều thú vị là tỷ lệ nợ xấu chỉ giảm đáng kể vào những thời điểm chốt báo cáo tài chính quan trọng như tháng 6 và tháng 12, sau đó lại tăng trở lại.

Có thể thấy rõ điều này ngay trong năm nay: Trong 8 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ nợ xấu giảm dần từ mức 4,67% vào tháng 4 xuống 4,46% vào tháng 6 trước khi tăng trở lại mức 4,64% vào tháng 8. Theo VCBS, nhiều khả năng tỷ lệ này vẫn tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Thêm vào đó, tỷ lệ nợ xấu này mới chỉ dựa trên báo cáo của các ngân hàng thương mại, trong khi con số thực tế hơn do cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đưa ra trước đó ở mức cao hơn. Như vậy, vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Diễn biến nợ xấu từ đầu năm 2012 tới 1/8/2013.
Diễn biến nợ xấu từ đầu năm 2012 tới 1/8/2013.
Mai Chi