Tổng nợ xấu vẫn còn hơn 142.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Nợ xấu toàn hệ thống tính đến cuối tháng 9/2013 ở mức 142,33 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo khẳng định từ Ngân hàng Nhà nước, VAMC có thể mua một khối lượng lớn nợ xấu (khoảng 80-100 nghìn tỷ đồng) từ các tổ chức tín dụng.

Nợ xấu tăng 23,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 20,2%) so với cuối năm 2012.
Nợ xấu tăng 23,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 20,2%) so với cuối năm 2012.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) đến Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2013, tổng nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD là 142,33 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 20,2%) so với cuối năm 2012.

Đặc biệt, trong đó có 32 TCTD (gồm 12 ngân hàng thương mại cổ phần) có tỷ lệ nợ xấu giảm so với cuối năm 2012. Tốc độ gia tăng nợ xấu bình quân trong 9 tháng đầu năm 2013 là 2,2%/tháng, giảm đáng kể so với tốc độ tăng bình quân 3,91%/tháng trong năm 2012 và giảm mạnh so với tốc độ tăng bình quân 6,7%/tháng trong 9 tháng đầu năm 2012.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, quy mô nợ xấu đến nay lớn và tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tăng nhanh cho thấy, nợ xấu của các TCTD tiềm ẩn và đã được tích lũy trong một thời gian dài, đặc biệt là thời kỳ nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhanh. Từ Quý IV/2011 trở lại đây, nợ xấu bắt đầu lộ diện khi môi trường kinh doanh xấu đi, tín dụng tăng chậm và Chính phủ triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại các TCTD.

Giải trình với đại biểu Quốc hội về cơ chế xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, xử lý nợ xấu qua VAMC là một nhóm giải pháp đặc thù của Việt Nam.

Mặc dù không sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước nhưng theo khẳng định của NHNN, việc mua bán nợ của VAMC vẫn đạt được mục tiêu xử lý nợ xấu. Và với mục tiêu xử lý nhanh nợ xấu, trong ngắn hạn VAMC có thể mua một khối lượng lớn nợ xấu (khoảng 80-100 nghìn tỷ đồng) từ các TCTD thông qua cơ chế mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành; nhờ vậy có thể đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Sau khi mua được nợ của các TCTD, VAMC tiến hành phân loại, đánh giá các khoản nợ để áp dụng biện pháp xử lý theo quy định như tái cơ cấu khoản nợ (gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, điều chỉnh lãi suất vay), bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp vay vốn, xử lý tài sản đảm bảo, thu nợ của khách hàng vay/bên bảo đảm, hoàn thiện hồ sơ pháp lý, cơ cấu lại doanh nghiệp về tổ chức và hoạt động, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào đầu tư doanh nghiệp...

Như vậy, “với cơ chế đặc thù của mình, VAMC có đủ năng lực xử lý nhanh một khối lượng lớn nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, trong khi các cơ chế khác cũng sẽ tiếp tục triển khai đồng thời”, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Đề cập tới nhóm 9 ngân hàng cổ phần yếu kém, tội đồ chính gây bất ổn hệ thống đang được tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu thực hiện kiểm toán độc lập các TCTD này, nhằm đánh giá đúng thực trạng tài chính (bao gồm chất lượng tài sản, giá trị vốn thực còn của các TCTD).

Cho đến nay, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại của 8 ngân hàng TMCP yếu kém; trong đó, 3 ngân hàng đã được hợp nhất với nhau, 1 ngân hàng đã được hợp nhất với 1 TCTD khác, 1 ngân hàng đã được sáp nhập vào 1 ngân hàng khác, 3 ngân hàng đã được chấp thuận Phương án tự cơ cấu lại. Tất cả các phương án tái cơ cấu nêu trên đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, NHNN chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc nào theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Hiền
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước