1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nở rộ bán xe qua mạng, giá “mềm” vẫn ít người mua?

Gần đây xuất hiện ngày càng nhiều trang thương mại điện tử (TMĐT) giao bán ô tô, xe máy với giá mềm hơn nhiều so với đại lý.

Mua ô tô, xe máy qua mạng rẻ hơn đại lý

Khảo sát của PV Báo Giao thông, hiện nay các trang TMĐT lớn tại Việt Nam như: Adayroi, Tiki, Sendo, Shopee… đều mở gian hàng bán ô tô, xe máy mới. Riêng gian hàng trên trang Tiki có tới 4.964 sản phẩm và mẫu xe nào cũng giảm giá từ 2% - 10% so với đại lý.

Đơn cử như chiếc Honda Air Blade 2019 phiên bản đen mờ của hệ thống HEAD Khánh An (TP HCM) được niêm yết giá trên Tiki là 42.430.000 đồng, rẻ hơn 10% (tương đương 4.570.000 đồng) so với giá đại lý.

Đối với ô tô, đầu năm 2019, trang thương mại điện tử Adayroi.com lần đầu tiết lộ giá trị đơn hàng mua 36 chiếc xe VinFast của đại gia Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty Luxstay. Lô hàng trị giá lên tới 43,28 tỷ đồng bao gồm 18 chiếc SUV Lux SA2.0 và 18 chiếc sedan Lux A2.0. Tổng số tiền đặt cọc là 1,8 tỷ đồng. Trên fanpage chính thức, Adayroi.com cho hay, thương vụ đã thiết lập nên một kỷ lục giao dịch mới của trang thương mại điện tử này.

Nở rộ bán xe qua mạng, giá “mềm” vẫn ít người mua? - 1

Lượng khách hàng truy thông tin bán xe trực tuyến lớn nhưng có ít giao dịch thành công

Đại diện truyền thông của Adayroi.com cho biết: “Hiện Adayroi đang trong quá trình tái cơ cấu nên chưa có dữ liệu cập nhật đầy đủ về doanh số bán ô tô, xe máy. Với ô tô mới chỉ có hợp đồng mua 18 xe với giá trên 40 tỷ đồng nêu trên, còn xe máy lượng bán khả quan hơn do có chính sách ưu đãi hấp dẫn”.

Thực tế cho thấy doanh nghiệp trực tiếp bán ô tô, xe máy qua các trang TMĐT chủ yếu là các đại lý được hãng ủy quyền bởi chỉ các đại lý mới có thể tiếp cận trực tiếp với khách hàng để làm các thủ tục pháp lý cũng như thực hiện dịch vụ sau bán hàng.

Theo anh Nguyễn Đức Huy, nhân viên kinh doanh của Trung Auto (đường Nguyễn Xiển, Hà Nội) - đồng thời là chủ 1 shop trên Lazada chuyên đồ phụ kiện ô tô, cho biết: “Khi muốn đẩy mạnh doanh số hoặc cần đẩy hàng tồn, các hãng xe thường sẽ sử dụng kênh TMĐT. Khi đó các mẫu xe sẽ được khuyến mãi sâu bằng chiết khấu đến mức giật mình. Ngoài ra, do các sàn TMĐT có sự cạnh tranh khốc liệt nên luôn có mức giảm giá riêng cho khách hàng. Do đó, khi mua xe trên sàn, người tiêu dùng nhận được khá nhiều ưu đãi, điều mà rất ít đại lý có thể làm được”.

Khách hàng chỉ “ngắm”, ít mua

Theo TS. Nguyễn Trần Hưng, Chủ nhiệm khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử, Đại học Thương mại, hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đứng đầu ASEAN, tổng giá trị thị trường chiếm khoảng 4% GDP, đạt mức khoảng 33 tỷ USD vào năm 2025. Bởi vậy, không khó để dự báo kênh bán trực tuyến sẽ tăng trưởng mạnh, trong đó có sản phẩm ô tô, xe máy.

“Với mảng xe mới 100% thì việc giao dịch qua TMĐT dễ kiểm soát cả về doanh số lẫn chất lượng. Tuy nhiên mảng xe cũ tiềm ẩn những phức tạp, như xe đã từng gặp tai nạn, phải sửa chữa lớn lần nào chưa, có bị cầm cố thế chấp, giấy tờ có bị làm giả hay không. Đó là những rủi ro pháp lý mà người mua không lường hết được”, TS. Nguyễn Trần Hưng cho hay.

Ông Ngô Kỳ Lam, phụ trách nội dung trang TMĐT Otosaigon.com cho biết: “Riêng ngạch ô tô, dù số lượng thông tin đăng lên các sàn TMĐT không ít nhưng hiện nay chưa có sàn nào thống kê được tỷ lệ thành công của giao dịch qua sàn bởi lẽ khâu xem hàng, điều kiện bảo hành, trả góp hay trả thẳng đều phải thực hiện offline (giao dịch trực tiếp, có giấy tờ bản cứng). Một số trang TMĐT thống kê được nhưng chủ yếu là giao dịch xe máy mới. Những giao dịch này thành công do được hậu thuẫn bởi chính sách trả góp linh hoạt qua thẻ, giao xe tận nơi”.

Còn theo anh Nguyễn Đức Huy, tại Việt Nam, bất cứ hàng hóa nào thuộc diện tiêu thụ đặc biệt thì kinh doanh qua mạng đều khó khăn, ô tô cũng vậy. Việc hoàn tất giao dịch ô tô trên mạng sẽ vướng 2 vấn đề lớn là đăng ký/đăng kiểm/bảo hiểm và phương thức thanh toán. Ngoài ra, việc giao xe đến tận nhà khách hàng cũng không đơn giản do phát sinh chi phí. “Nhà và xe là những tài sản lớn, lâu bền nên chưa mấy người dám mua xe trực tuyến. Việc đưa xe lên bán có tính chất truyền thông và cũng giúp khách hàng tra cứu giá nhanh chóng hơn, còn giao dịch thật rất ít và khó”, anh Huy bày tỏ.

Ngay tại Thái Lan, trang TMĐT hàng đầu về bán xe trực tuyến là Siamcardeal.com cũng từng chia sẻ thông tin không mấy khả quan về doanh số bán xe trực tuyến. Ông Damien Kerneis hiện là CEO của Siamcardeal.com nói với báo Bangkok Post rằng, năm 2018, khoảng 3.000 chiếc xe với tổng trị giá 2,31 tỷ Bạt (tương đương 75 triệu USD) đến tay khách hàng thông qua Siamcardeal.com. Đây là con số quá ít ỏi, khi mà Thái Lan có sản lượng tiêu thụ ô tô nội địa đạt hơn 1 triệu xe/năm.

Theo Lam Anh
Báo Giao thông
 
Nở rộ bán xe qua mạng, giá “mềm” vẫn ít người mua? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm