Nợ quá hạn 3 tháng, doanh nghiệp phải phá sản

(Dân trí) - Theo Dự thảo Luật phá sản, khi hết thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đến hạn thì chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật phá sản (sửa đổi). Theo dự thảo luật, khi hết thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đến hạn thì chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Cùng với đó, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

Theo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo của Ủy Ban thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí với quy định chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đến hạn trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu. Có ý kiến đề nghị quy định thay “trong thời gian 03 tháng” bằng “hết thời hạn 03 tháng” kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu.


Sẽ có nhiều doanh nghiệp khai tử khi Luật phá sản ra đời?

Sẽ có nhiều doanh nghiệp "khai tử" khi Luật phá sản ra đời?

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đề nghị không coi việc doanh nghiệp hợp tác xã không thanh toán, trì hoãn thanh toán khoản nợ đến hạn là căn cứ để ra quyết định mở thủ tục phá sản. Bởi, nếu mở thủ tục phá sản chỉ vì căn cứ doanh nghiệp hợp tác xã không thanh toán, trì hoãn thanh toán khoản nợ đến hạn thì có thể sẽ có một số không nhỏ các vụ việc tuy phải mở thủ tục phá sản theo căn cứ này, nhưng thực chất thì hợp tác xã doanh nghiệp không hề rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

“Tức là không rơi vào trạng thái phá sản thực tế, nhưng vẫn phải có một khoảng thời gian chịu sự điều chỉnh của các quy định của Luật phá sản, bị hạn chế một số quyền trong sản xuất, kinh doanh cho tới khi chắc chắn sẽ được đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp của hợp tác xã, đồng thời cũng làm lãng phí thời gian và công sức của các cơ quan tố tụng và người tham gia tố tụng khác, không đảm bảo được định hướng, mục tiêu, ý nghĩa của việc sửa đổi Luật phá sản muốn hướng tới”, đại biểu Hương nói.

Đại biểu Đặng Công Lý (Bình Định) cũng cho rằng: “Trong thực tiễn hiện nay, vấn đề chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp kéo dài thời hạn thanh toán đang có tính phổ biến, nên việc xác định tiêu chí doanh nghiệp mất khả năng thanh toán theo yêu cầu của các chủ nợ trong thời gian bao lâu là để cho phép tiến hành mở thủ tục phá sản có ý nghĩa rất lớn. Nó vừa làm lành mạnh hóa kinh tế, vừa đảm bảo trật tự xã hội, tránh việc lợi dụng khó khăn nhất thời của doanh nghiệp để yêu cầu mở phá sản doanh nghiệp, hạ uy tín lẫn nhau”.

Tuy nhiên, đại biểu Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) lại cho rằng, quy định chủ nợ có đảm bảo một phần, người lao động, công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ đến hạn, trả lương và các khoản nợ khác đối với người lao động là chưa phù hợp.

Theo đại biểu, doanh nghiệp, hợp tác xã gặp khó khăn nhất là vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Ví dụ, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng như vậy, điển hình có rất nhiều doanh nghiệp nợ lương của người lao động 6 - 7 tháng chứ không chỉ 1 - 3 tháng. “Quy định như vậy dễ dẫn đến việc người lao động tích cực đòi doanh nghiệp, hợp tác xã làm thủ tục phá sản, để gây sức ép cho doanh nghiệp và càng gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp. Theo tôi nên chăng quy định kéo dài thêm thời gian yêu cầu hợp tác xã, doanh nghiệp mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn từ 3 - 6 tháng kể từ khi chủ nợ, người lao động và công đoàn cơ sở yêu cầu, vừa giảm được áp lực cho doanh nghiệp, đồng thời tránh sự trì hoãn thanh toán của doanh nghiệp”, đại biểu đề xuất.

Đồng thuận với việc đưa dự thảo Luật vào cuộc sống, theo đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM): Luật này hoàn toàn không khuyến khích phá sản doanh nghiệp. Luật này tiếp cận theo hướng làm sao giúp doanh nghiệp lành mạnh hóa tài chính trong kinh doanh và bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ hợp pháp bằng thủ tục phá sản. Có nhiều doanh nghiệp mà thực tế ở Việt Nam kinh doanh rất có lãi nhưng vay vốn ngắn hạn, đầu tư trung, dài hạn khấu hao không đủ. Ví dụ, bất động sản lấy tiền người ta góp xây nhà đi mua đất, khủng hoảng không trả được, do dòng tiền quản lý yếu kém và gây thiệt hại cho xã hội, luật này răn đe việc đó.

Đồng tình với đại biểu Trần Du Lịch, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) khuyến khích nên thông qua Luật phá sản tại kỳ họp này. Hiện nay chúng ta có thảo luận liên quan đến vấn đề chữ phá sản, vì tên luật gọi là Luật phá sản, cho nên chúng ta nhạy cảm với từ phá sản đó.

“Ở Nhật, người ta chia phần này ra tới 3 luật là: Luật phục hồi tôi đề nghị nên gọi luật này là Luật phục hồi và phá sản doanh nghiệp thì nghe nó nhẹ hơn”, đại biểu Ngân nói.

Nguyễn Hiền
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước