Nỗ lực “xóa” tín dụng đen
(Dân trí) - Agribank không ngừng nỗ lực tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của bà con nông dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, để mọi người dân ai cũng được thụ hưởng lợi ích từ các chương trình tín dụng chính sách, tránh “bẫy” tín dụng đen, vốn “len lỏi” ở các vùng quê lâu nay.
Có trong tay hệ thống mạng lưới rộng lớn nhất gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch khắp mọi vùng miền, là NH duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo, trên 51.000 tổ vay vốn, triển khai mô hình ngân hàng lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng, phát triển sản phẩm dịch vụ cùng các kênh phân phối hiện đại, tích cực triển khai hiệu quả nhiều chương trình tín dụng chính sách… Agribank không ngừng nỗ lực tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của bà con nông dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, để mọi người dân ai cũng được thụ hưởng lợi ích từ các chương trình tín dụng chính sách, tránh “bẫy” tín dụng đen, vốn “len lỏi” ở các vùng quê lâu nay.
Tối đa hóa lợi ích cho người thụ hưởng từ các chương trình tín dụng chính sách
Một thực tế tại các địa phương cho thấy, hình thức tín dụng đen vẫn còn tồn tại, lý do trước hết là do sự hấp dẫn bởi mức lãi suất người huy động, bên cạnh đó, những người vay cần vốn trong điều kiện nhất định nhưng họ không đủ điều kiện tiếp cận ngân hàng, buộc họ phải tìm đến tín dụng đen bởi thủ tục rất đơn giản, giao dịch ngầm... Hoạt động cho vay tín dụng đen làm nảy sinh nhiều hệ luỵ, khiến tội phạm hình sự gia tăng, gây nguy hiểm mất trật tự an toàn xã hội… Nhận thức vấn đề này, trong nhiều năm qua, với vai trò là NHTM Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, Agribank tích cực triển khai hiệu quả nhiều chương trình tín dụng chính sách, đem lại ích lợi tối đa cho các đối tượng được thụ hưởng từ các chương trình này.
Hiện nay, Agribank đang chủ lực triển khai 9 chương trình tín dụng chính sách gồm: Cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ vay vốn/tổ liên kết; Cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo QĐ 63,65,68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo NQ 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư 06/2009/TT-NHNN; Cho vay xây dựng Nông thôn mới; Cho vay gia súc, gia cầm (chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm); Cho vay tái canh cà phê; Cho vay theo Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản; Tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”.
Có gần 4 triệu khách hàng đang vay vốn Agribank, trong đó khách hàng hộ sản xuất và cá nhân chiếm tỷ trọng lên tới gần 70%/dư nợ cho vay nền kinh tế. Dư nợ cho vay của Agribank đối với đối tượng khách hàng này có sự tăng trưởng mạnh tại khu vực Tây Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên.
Trong tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1 triệu 120 ngàn tỷ đồng, có tới 73,6% dư nợ của Agribank “nằm” ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm 51% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng đầu tư cho “Tam nông”. Trong khi đó, dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng đối với nông nghiệp, nông thôn hiện chiếm tỷ trọng 21% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.
Theo đánh giá mới đây của Ngân hàng Nhà nước về kết quả thực hiện các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, việc đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng thời gian qua đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông thôn. Kết quả đầu tư tín dụng thời gian qua cho thấy, 1 đồng vốn tín dụng đã góp phần tạo ra xấp xỉ 1,2 đồng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản. Tín dụng gia tăng đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 tăng 2,9%, quý I/2018 tăng 4,05% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng của quý I các năm 2011-2017).
Có thể thấy rõ, vốn tín dụng đã giúp người dân, doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể (Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên…) giúp người vay vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, góp phần, đẩy lùi tình trạng tín dụng đen ở khu vực nông thôn.
Tăng khả năng tiếp cận vốn cho mọi người dân
Thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước bằng nhiều biện pháp mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của người dân, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, góp phần khắc phục tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, Agribank đã tập trung phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích, hiện đại (trong số 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện có, Agribank phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ về vay tiêu dùng, vay tín chấp… phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng), đồng thời triển khai các gói ưu đãi lãi suất thu hút khách hàng. Mỗi năm bằng tài chính của Ngân hàng, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Agribank đã có rất nhiều gói lãi suất ở mức ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ sản xuất nông nghiệp, thậm chí, có mức lãi suất còn thấp hơn mức phí điều vốn nội bộ trong Agribank.
Bên cạnh đó, Agribank phát triển đa dạng kênh phân phối SPDV nhằm hỗ trợ khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng SPDV ngân hàng. Cùng với kênh phân phối SPDV trực tiếp tại hơn 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, ngân hàng lưu động bằng 600 xe ô tô chuyên dùng, Agribank phát triển nhiều kênh phân phối SPDV ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại gồm: 2.800 ATM (Agribank có số lượng ATM nhiều nhất trong hệ thống NHTM), 20.000 EDC/POS (điểm chấp nhận thẻ), Internet Banking, kết nối thanh toán với khách hàng (CMS); và hệ thống gần 1.000 ngân hàng đại lý tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Đặc biệt, sau 6 tháng triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, Agribank đã thực hiện được 1.081 phiên giao dịch, cung cấp dịch vụ cho hơn 111.000 khách hàng tại địa bàn nông thôn, tổng số tiền giải ngân đạt 624 tỷ đồng. Một người dân bản Nà Mường 2, xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La sau khi thực hiện giao dịch tại Điểm giao dịch lưu động của Agribank đã chia sẻ: Trước đây, mỗi lần cần giao dịch với ngân hàng, chồng hoặc con tôi phải chở bằng xe máy ra tận ngoài ngân hàng huyện, đi lại rất vất vả và mất rất nhiều thời gian. Bây giờ, có Ngân hàng lưu động, người dân chúng tôi sẽ tiết kiệm được xăng xe đi lại cũng như thời gian. Nếu có thiếu giấy tờ gì liên quan có thể về nhà lấy được ngay…
Xác định “Tam nông” tiếp tục là địa bàn chiến lược, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Agribank ưu tiên đó là cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “Tam nông” thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp… để mọi người dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đều có thể tiếp cận và sử dụng nguồn vốn và dịch vụ ngân hàng trong giao dịch thanh toán.
Để “xóa” tình trạng tín dụng đen cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội, đoàn thể, cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp, trong đó chú trọng việc phổ biến kiến thức giáo dục tài chính cộng đồng, nâng cao nhận thức cho người dân về tài chính ngân hàng, dần thay đổi hành vi của người dân về sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng, từ đó cảnh giác, phòng ngừa với tín dụng đen. |
Viết Chung