1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nỗ lực đưa thời trang bền vững đến với người tiêu dùng Việt của H&M

Trường Thịnh

(Dân trí) - Không chỉ là hợp mốt hay thời thượng, người tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao hơn trong việc lựa chọn thời trang, khi nhận thức rõ hành vi mua sắm của mình có thể tác động trực tiếp lên môi trường.

Hà Trang (29 tuổi) là nhân viên marketing của một công ty lớn tại TPHCM. Cô tự nhận mình từng là một người nghiện mua sắm, khi thường dành hàng giờ lướt website của các nhãn hàng thời trang hoặc dạo quanh những cửa hàng quần áo. Tuy nhiên, khi tủ quần áo ngày càng chất đầy các loại trang phục khác nhau mà vẫn không thể thỏa mãn, cô nhận ra rằng, mình phải thay đổi.

"Vài năm trở lại đây, tôi bắt đầu giảm gánh nặng cho tủ quần áo bằng cách giới hạn số lần mua sắm, chỉ mua khi thật sự cần thiết chứ không phải vì thích mắt. Tôi cũng ưu tiên chọn lựa các chất liệu thân thiện với thiên nhiên hoặc từ các thương hiệu chú trọng yếu tố môi trường", Trang chia sẻ.

Thách thức cho ngành thời trang

Ngành công nghiệp thời trang luôn giữ vị trí vững chắc trong nền kinh tế thế giới. Dưới sự ảnh hưởng của Covid-19, lĩnh vực thời trang vẫn đóng góp hơn 330 tỷ USD và chiếm gần 10% trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu năm 2021. Mỗi năm, nhân loại tiêu thụ khoảng 80-150 tỷ sản phẩm quần áo, tăng gấp 4 lần so với cách đó 2 thập niên.

Bên cạnh niềm vui khi liên tục diện những mẫu thời trang mới nhất, giới trẻ ngày nay cũng nhận ra những tác động đến môi trường từ hành vi mua sắm của mình. Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, thời trang là ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều nước thứ 2 thế giới và có đến 75% vật liệu cung ứng trong thời trang bị thải ra các bãi rác. Con số này tương đương cứ mỗi giây có một xe tải rác vải dệt xả ra môi trường. Nếu bị chôn lấp, quần áo sẽ cần hàng trăm năm để phân hủy.

Thay vì chỉ săm soi xem một sản phẩm thời trang có hợp mốt hay không, một thế hệ người tiêu dùng dần chú trọng hơn đến "thời trang xanh". Khảo sát trên 14.000 người tại 9 quốc gia do Viện Nghiên cứu Giá trị Doanh nghiệp thuộc IBM thực hiện trong năm 2021 cho thấy, 90% người được khảo sát trả lời rằng, Covid-19 đã làm thay đổi cách nhìn của họ về các vấn đề liên quan đến môi trường và tiêu dùng bền vững. Và có 62% người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các hãng thời trang, nếu muốn giữ chân khách hàng của mình.

Lợi thế dành cho người đi đầu

Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng tiêu dùng bền vững được cho là sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong tương lai. Không chỉ là đòi hỏi từ phía người mua, các hãng thời trang lớn trên thế giới cũng đã bắt tay vào cuộc đua chuyển mình theo xu hướng bền vững.

Một trong những ví dụ điển hình là H&M - đơn vị đã đi trước nhiều thương hiệu thời trang khác về tính bền vững qua những kế hoạch và hành động cụ thể. Từ năm 2010, H&M đã khởi xướng dự án Conscious Exclusive - bộ sưu tập những thiết kế làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường. Từ đó đến nay, bộ sưu tập này đã mang đến cho làng mốt thế giới nguồn ý tưởng lớn lao khi liên tục giới thiệu những vật liệu thời trang mới, làm từ tự nhiên như: Vegea - một chất liệu da được làm từ cuống và vỏ nho; FLWRDWN - một sản phẩm thay thế cho lông động vật được tạo ra bằng hoa dại; bọt bloom sử dụng sinh khối tảo; piñatex - chất thay thế da tự nhiên được chiết xuất từ lá trái thơm; hay sợi cam - loại vải giống như lụa được tạo nên từ phụ phẩm của nước ép trái cam…

Nỗ lực đưa thời trang bền vững đến với người tiêu dùng Việt của HM - 1
Mẫu thiết kế nằm trong bộ sưu tập "Co-Exist Story" của H&M. Bộ sưu tập sử dụng các vật liệu thân thiện với động vật được tổ chức bảo vệ quyền động vật People for the Ethical Treatment of Animals (PETA) chứng nhận (Ảnh: H&M Việt Nam).

Ngoài ra, thương hiệu cũng đẩy mạnh việc sử dụng các vật liệu tái chế, nguyên liệu thừa từ sản xuất cũng như thuốc nhuộm tiết kiệm nước và chất tẩy rửa hạn chế tác động đến môi trường, đã được chứng nhận bởi bên thứ 3. Năm 2019, Tập đoàn H&M được Tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu Giao Dịch May Mặc (Textile Exchange) xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng về việc sử dụng chất liệu cotton hữu cơ và lông vũ theo quy chuẩn của tổ chức Responsible Down. Tập đoàn tiếp tục là một trong những đơn vị lớn nhất thế giới sử dụng chất liệu cotton tái chế, len tái chế, nylon tái chế và lyocell. Trong năm 2020, hơn 57% chất liệu được sử dụng trong sản phẩm và 100% chất liệu cotton của H&M đều được tái chế hoặc có nguồn gốc thân thiện với môi trường. Mục tiêu của hãng đến năm 2030 là sử dụng toàn bộ các chất liệu tái chế hoặc có nguồn gốc bền vững trong mọi sản phẩm.

"Dựa trên nhìn nhận về biến đổi khí hậu và tài nguyên thiên nhiên, việc sử dụng chất liệu tái chế và xây dựng các cộng đồng cung ứng thực sự bền vững là điều cần thiết. Ngành công nghiệp may mặc cần các nhà lãnh đạo như Tập đoàn H&M để tìm ra những giải pháp toàn diện, bao quát cho các vấn đề mang tính liên kết", Giám đốc Chiến lược châu Âu và Chất liệu của Textile Exchange - Liesl Truscott - cho biết.

Cùng với nỗ lực thay đổi vật liệu sản xuất theo hướng thân thiện hơn với môi trường, H&M còn có nhiều hoạt động góp phần giải quyết những vấn đề trong hiện tại - khi vật liệu bền vững có độ phủ khá khiêm tốn. Nổi bật trong số đó là chiến dịch "Thu gom quần áo cũ" được phát động lần đầu tại Thụy Sĩ vào năm 2012 và nhân rộng trên quy mô toàn cầu một năm sau đó.

Tại Việt Nam, chương trình này được khởi xướng từ năm 2018, thông qua thùng "Thu gom quần áo cũ" được đặt tại mỗi cửa hàng và các chuyến xe đi đến các trường học tại TPHCM và Hà Nội. Đầu năm 2022, chuyến xe này  đã ghé thăm Đại học Mở TPHCM, Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội. Nhằm khuyến khích khách hàng tham gia, H&M Việt Nam dành tặng một phiếu giảm giá 15% trên một sản phẩm cho lần mua hàng tiếp theo khi mang tặng đồ cũ.

Nỗ lực đưa thời trang bền vững đến với người tiêu dùng Việt của HM - 2
Thùng thu gom quần áo cũ được đặt tại các cửa hàng H&M trên toàn quốc (Ảnh: H&M Việt Nam).

Tất cả hàng dệt may và giày dép thu được, không phân biệt thương hiệu, sẽ được phân thành 3 loại phù hợp với hệ thống phân cấp chất thải của EU. Theo đó, loại một là những trang phục vẫn có khả năng đáp ứng điều kiện sử dụng sẽ được bán trên thị trường như những sản phẩm second-hand. Loại kém hơn là quần áo và hàng dệt may bị rách hoặc hư hỏng nhưng chất liệu còn tốt, sẽ được biến thành các sản phẩm sử dụng cho mục đích khác. Và loại cuối cùng sẽ được tái chế và biến thành các vật liệu khác.

Nỗ lực đưa thời trang bền vững đến với người tiêu dùng Việt của HM - 3
Xe thu gom quần áo cũ của H&M đặt tại các trường đại học (Ảnh: H&M Việt Nam).

Theo ước tính của H&M, sau hơn 4 năm đồng hành cùng khách hàng Việt Nam trong hành trình thời trang bền vững, hãng đã thu gom được hơn 100 tấn đồ cũ. Con số này của Tập đoàn H&M toàn cầu là hơn 30.000 tấn chỉ trong 2 năm 2020 và 2021.

Nỗ lực đưa thời trang bền vững đến với người tiêu dùng Việt của HM - 4
Chương trình thu gom quần áo cũ của H&M được đông đảo khách hàng và sinh viên các trường hưởng ứng (Ảnh: H&M Việt Nam).

Bên cạnh sản phẩm trực tiếp là thời trang, các hãng cũng đang nỗ lực giảm thiểu tác động môi trường từ các vật dụng đi kèm - tiêu biểu là bao bì. Sau nhiều năm chuyển đổi sang sử dụng túi giấy, H&M đã tiến thêm một bước trong hành trình thúc đẩy tiêu dùng bền vững khi khuyến khích khách hàng tái sử dụng và mang theo túi khi mua sắm.

Theo đó, H&M Việt Nam đã khởi động chiến dịch Let's Reuse từ tháng 4/2021, với hoạt động chính là triển khai thu phí 2.000 đồng cho một túi giấy mới. Toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động này sẽ được chuyển đến Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh - GreenHub Việt Nam để chung tay xây dựng những mô hình trường học không rác thải.

Nỗ lực đưa thời trang bền vững đến với người tiêu dùng Việt của HM - 5
H&M khởi động chiến dịch Let's Reuse hồi tháng 4/2021 (Ảnh: H&M Việt Nam)

Chị Ngọc Phạm - Quản lý Truyền thông H&M Việt Nam cho biết, 4 yếu tố chính giúp thương hiệu thành công trong thời gian vừa qua là

thời trang, chất lượng, giá cả và tính bền vững. Trong đó, tính bền vững là cách doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của mình với khách hàng, không chỉ với vẻ ngoài của họ mà là điều họ thật sự cảm nhận khi khoác lên mình một bộ trang phục.

"Chúng tôi muốn khách hàng của mình mặc đẹp và cảm thấy thoải mái với những gì họ đang mặc, không chỉ ở thời khắc hiện tại mà còn là quá khứ (nguồn gốc) và tương lai (khả năng tái chế, giảm thiểu tác động lên môi trường sống)", chị Ngọc Phạm chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm