Nợ công tăng sát trần: “Mất cân đối ngân sách vẫn là nhãn tiền”

(Dân trí) - “Nếu Chính phủ chỉ đưa ra những giải pháp chung chung, không có kế hoạch vay nợ và trả nợ cụ thể trong thời gian tới thì nợ công sẽ tăng cao, đe dọa nền kinh tế”, đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Dù nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015, nhưng “mức nợ công này vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội”.

Theo Thủ tướng, nợ công của nước ta đến cuối năm 2014 là 60,3% GDP và theo kế hoạch đến năm 2016 sẽ tăng lên mức cao nhất là 64,9% GDP, các năm sau đó sẽ giảm dần, đến năm 2020 còn khoảng 60,2% GDP, nằm trong giới hạn quy định an toàn cho phép là không quá 65% GDP.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ đặc biệt nâng cao quản lý nợ công, nhất là với các khoản vay mới. theo kế hoạch đến năm 2016 sẽ tăng lên mức cao nhất là 64,9% GDP, các năm sau đó sẽ giảm dần, đến năm 2020 còn khoảng 60,2% GDP, nằm trong giới hạn quy định an toàn cho phép là không quá 65%.

Theo thừa nhận của Thủ tướng, nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng. Cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh; tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm; chi thường xuyên tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn; tỷ trọng chi đầu tư giảm; bội chi còn cao. Thực trạng này gây lo lắng, bức xúc trong xã hội; nếu chủ quan, buông lỏng, không tiếp tục chủ động kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, sẽ gây mất an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên hành lang Quốc hội, đánh giá về vấn đề nợ công, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Ủy viên thường trực Ủy ban Ngân sách của Quốc hội, cho rằng: Mặc dù hiện nay theo báo cáo của Chính phủ thì nợ công vẫn đang ở ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, nếu Chính phủ chỉ đưa ra những giải pháp chung chung, không có kế hoạch vay nợ và trả nợ cụ thể trong thời gian tới thì nợ công sẽ tăng cao, đe dọa nền kinh tế.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu).
Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu).

Thưa ông, báo cáo của Thủ tướng đã nói khá rõ về vấn đề nợ công, đồng thời cũng đã đưa ra những giải pháp cho vấn đề này. Ông bình luận như thế nào về những con số đã được nếu trong báo cáo?

Về nợ công, thì Thủ tướng đưa ra các số liệu giống như số liệu mà Chính phủ đã báo cáo cũng như cơ quan thẩm tra đã thẩm định.

Theo như số liệu thì đến cuối năm 2014, dư nợ công của Chính phủ chiếm 63% GDP và đến cuối năm 2015 thì dự nợ công của Chính phủ chiếm 64% GDP.

Nhìn vào thực tế, tôi cho rằng nếu tính cả nghĩa vụ trả nợ của nhà nước, trả nợ của ngân sách nhà nước, ví dụ như nợ đối với vay của quỹ bảo hiểm xã hội, nợ đối với quỹ hoàn thuế VAT, ví dụ như đối với cái nợ của ngân sách nhà nước đối với cái bù chênh lệch lãi suất đối với Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội… thì chắc chắn là cái mức dư nợ công của Chính phủ cao hơn con số báo cáo.

Tuy nhiên, trong năm 2014, cuối năm 2014 này, tôi vẫn khẳng định mặc dù nó cao hơn nhưng tỷ trọng dư nợ Chính phủ vẫn dưới 65% GDP, như vậy vẫn dưới ngưỡng an toàn cho phép.

Vậy, liệu chúng ta có thể “kê cao gối” ngủ ngon trước thực tế nợ công hiện nay?

Như tôi đã nói, nợ công là vấn đề lớn, đe dọa an ninh tài chính Quốc gia. Hiện nay, theo xu hướng thì cái mất cân đối ngân sách nhà nước của chúng ta vẫn là nhãn tiền, chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều được.

Theo báo cáo của Thủ tướng, trong những năm tới bội chi ngân sách vẫn phải giữ ở mức 4% GDP, điều đó đồng nghĩa với một điều rằng chúng ta thu vẫn chưa đủ chi, vẫn phải vay thêm 4% GDP để bù đắp cái bội chi ngân sách và điều đó cũng có nghĩa rằng, nợ công của chúng ta sẽ tăng lên nếu chúng ta không chú trọng đến việc cơ cấu lại cái nguồn vay và không chú ý đến việc chi trả nợ gốc và lãi ở mức thích hợp.

Vậy với những giải pháp mà Thủ tướng đặt ra trong báo cáo, theo ông có thể giải quyết được căn bản vấn đề này?

Tôi đồng ý với ý kiến của Thủ tướng về những giải pháp chung được nêu trong báo cáo. Nhưng tôi cho rằng trên quan điểm chung giải quyết vấn đề nợ công đó thì Chính phủ phải thể chế hóa thành những giải pháp cụ thể.

Ví dụ như để giảm áp lực trả nợ ngân sách hàng năm, các đại biểu cũng đã phát biểu, Thủ tướng cũng đã tiếp thu và khẳng định lại là cần phải cơ cấu lại các khoản vay theo hướng vay những khoản dài hạn hơn, có lãi suất thấp hơn để đảo nợ thay cho những khoản mà chúng ta đang vay ngắn hạn và với lãi suất cao. Nếu thực hiện được điều này, áp lực trả nợ trước mắt từng năm của chúng ta sẽ giảm được.

Thực tế rất đáng mừng là vừa qua đã phát hành trái phiếu Việt Nam trên thị trường quốc tế, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng lên, rồi an ninh kinh tế, ổn định chính trị cũng là một trong những điểm sáng của chúng ta, cải cách hành chính được đẩy mạnh. Vì vậy, thứ bậc cạnh tranh, tín nhiệm của nền kinh tế Việt Nam dưới con mắt của các tổ chức quốc tế cũng được nâng lên.

Chính điều này đã tạo một cơ hội cho Việt Nam phát hành cái trái phiếu quốc tế với lãi suất giảm hơn so với thực tiễn.

Với mức độ hiện nay, chúng ta phát hành trái phiếu ở Mỹ bán được 1 tỷ USD, với lãi suất chỉ 4%, thấp hơn nhiều so với việc phát hành của những lần trước, bình quân khoảng 6,8%. Hơn nữa, thời hạn vay cũng dài hơn, ở mức 10 năm, thay vì có những khoản trước đây chỉ 5 năm.

Đại biểu Nguyệt Hường (Hà Nội): Báo cáo của Thủ tướng trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội đã đi thẳng vào các vấn đề quan trọng trong kỳ họp lần này với 6 chỉ ra những cơ sở để đạt được các mục tiêu kinh tế, xã hội 2014 và mục tiêu phát triển 2015.

Báo cáo của Thủ tướng, trả lời chất vấn trực tiếp, Thủ tướng đã khẳng định rất rõ những vấn đề quan trọng như nhấn mạnh 3 khâu đột phá chiến lược như: thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng; giải quyết nợ xấu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm nghèo nhanh và bền vững…

Đặc biệt, Thủ tướng đã phân tích rõ nguyên nhân khiến nợ công tăng cao và cách giải quyết vấn đề này với thời giản rõ ràng… Những cơ sở vững chắc đó đã củng cố thêm niềm tin của đại biểu Quốc hội trước khi quyết nghị những chính sách quan trọng trong thời gian tới.


Nguyễn Hiền
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”